Báo Công An Đà Nẵng

Ngày thi thứ 3 kỳ thi THPT quốc gia 2016:

Nhiều thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi

Thứ hai, 04/07/2016 10:48

(Cadn.com.vn) - Kết thúc ngày thi thứ 3, theo báo cáo nhanh, tại các cụm thi ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa có sự  việc đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, số lượng thí sinh (TS) bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi vẫn còn xảy ra khá nhiều, dù đã được giám thị lưu ý, nhắc nhở từ trước.

Tâm trạng thí sinh sau khi kết thúc giờ làm bài môn Hóa học. Ảnh: P.T 

Đề thi bám sát chương trình học

Buổi sáng 3-7, sau khi kết thúc giờ thi môn Địa lí, sĩ tử ra về với tâm trạng khá vui vẻ. Hầu hết các TS đều nhận xét đề Địa ra vừa sức HS, vừa bám sát nội dung chương trình học vừa bám sát thực tế cuộc sống, có độ phân hóa rõ nét.

Tại Cụm thi số 40 do ĐH Đà Nẵng chủ trì, sau 2/3 thời gian làm bài theo quy định được phép, các TS đăng ký dự thi môn Địa chỉ để xét tốt nghiệp đã rời khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái. Trong số đó, có không ít em cho biết không làm được câu 4 (câu cuối gồm 2 câu nhỏ).

Là TS dự thi khối C, nên Phạm Thị Thanh Nga (HS Trường THPT Quang Trung, Đà Nẵng) không ra về sớm như các bạn dự thi để xét tốt nghiệp, em làm bài cho đến khi giờ thi kết thúc. Thanh Nga nhận xét: “Theo em, đề Địa năm nay ra vừa sức với TS, có những câu mở rộng đòi hỏi TS vừa nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK, vừa phải có kiến thức xã hội rộng, cập nhật thông tin thời sự mới làm tốt. Đề có tính phân hóa rõ nét, ví dụ như ở câu 4 (2) yêu cầu chứng minh  thế mạnh cũng như hạn chế về tài nguyên đất đối với việc phát triển nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long và câu hỏi ghép sau đó yêu cầu giải thích “tại sao, thời gian qua tình trạng xâm ngập mặn ở đây lại diễn ra hết sức nghiêm trọng”. Em nghĩ, bạn nào không có kiến thức xã hội sẽ làm bài không tốt ở câu này”.

Tương tự, TS thi tại TT- Huế đánh giá đề Địa năm nay dễ hơn năm ngoái, nhất là câu dựa vào Atlat địa lí Việt Nam và câu vẽ biểu đồ. TS Đặng Phước Sơn (HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Quảng Điền) phấn khởi: “Em không chuyên môn Địa lí nhưng khả năng đạt được 7 điểm”.

Khác với tâm trạng buổi sáng, kết thúc giờ làm bài thi môn Hóa (trắc nghiệm) buổi chiều, tâm trạng các sĩ tử rời khỏi phòng thi mỗi người một vẻ. Trong khi rất nhiều TS ở Đà Nẵng và TT- Huế phản ánh đề Hóa năm nay vừa dài, vừa khó hơn so với đề thi năm ngoái, thì các TS ở Quảng Nam, Quảng Trị hay Gia Lai lại cho rằng, với đề thi này, những bạn đăng ký dự thi khối A sẽ đạt trung bình từ 6-7 điểm.

Kết thúc ngày thi thứ 3, theo ghi nhận chung, đề thi một số môn năm nay không dễ, khá dài, làm không kịp thời gian. Tuy nhiên, nhiều TS cũng cho rằng đề thi có tính phân hóa rõ nét.

Tiếp diễn tình trạng mang ĐTDĐ vào phòng thi

Trong ngày thi thứ 3, tiếp tục tái diễn tình trạng TS bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi. Ở TT- Huế, trong 2 ngày đầu không có TS bị đình chỉ thi vì lý do này, thì ở môn Địa lí, có 1 TS tại điểm thi Trường ĐH Y Dược bị đình chỉ do đem ĐTDĐ vào phòng thi. Tại cụm thi 40 do ĐH Đà Nẵng chủ trì, tiếp tục có 2 TS bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi, chia đều ở cả 2 môn thi Địa lí và Hóa học.

Nhiều TS thích môn Địa lí

Trong khi ở các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Trị, TT-Huế và Đà Nẵng, số lượng TS đăng ký dự thi môn Địa lí không nhiều, thì ở Nghệ An và Hà Tĩnh, số lượng TS đăng ký dự thi môn này rất đông. Theo đó, ở Nghệ An, Địa lí là môn thi tự chọn có số lượng TS đăng ký rất đông với tổng số TS dự thi ở 2 cụm địa phương và ĐH là 18.715 TS/18.846 TS ĐKDT. Tại Hà Tĩnh, Địa cũng là môn tự chọn thu hút TS đăng ký dự thi đông nhất với tổng số 11.144 em.

Giải thích lý do chọn thi môn này, các em cho biết, Địa là môn dễ nhớ, dễ học và dễ “ăn điểm” nhất. TS Nguyễn Thị Duyên ở điểm thi Trường THPT Nghèn (H. Can Lộc), cho biết: “Em chọn thi môn Địa lí với hy vọng đạt điểm cao vì được sử dụng Atlat và phần thi vẽ biểu đồ. Việc giành điểm cao môn Địa lí là không khó và có thể nó sẽ kéo điểm cho các môn thi khác”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác thi tại Quảng Nam. Ảnh: Hữu Đức

Cần tìm hiểu nguyên nhân TS vắng thi

Trong ngày thi thứ 3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cùng đoàn công tác của Bộ đã tới kiểm tra công tác tổ chức thi tại tỉnh Quảng Nam. Sau khi nghe báo cáo của Hội đồng thi số 41 (Cụm thi ĐH) và Hội đồng thi số 30 (Cụm thi địa phương) tại Quảng Nam, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị địa phương cần tìm hiểu lý do vì sao TS vắng mặt trong những môn thi vừa qua theo chỉ đạo của Thủ tướng. Ngoài ra, phải có văn bản báo cáo cụ thể gửi về Ban chỉ đạo thi quốc gia 2016 về vấn đề này.

Trong ngày thi còn lại, Thứ trưởng Bùi Văn Ga yêu cầu các cụm thi cần quán triệt đến giám thị thực hiện nghiêm quy chế thi. Khi có tình huống bất thường xảy ra phải báo cáo với trưởng điểm thi để có hướng dẫn xử lý kịp thời. Đối với công tác chấm thi, các trường ĐH chủ trì phải có sự phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT trong việc cử cán bộ chấm thi nhằm bảo đảm tiến độ. Khi công bố kết quả thi cần ưu tiên tối đa công suất đường truyền để cho TS truy cập dễ dàng. Đồng thời, Sở GD-ĐT các địa phương cần chỉ đạo các trường THPT mở cửa phòng tin học để tạo thuận lợi cho các TS có thể truy cập internet đăng ký, xét tuyển ĐH, CĐ.

Kiểm tra thực tế tại điểm thi ĐH Quảng Nam, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao công tác phối hợp tổ chức giữa địa phương với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (đơn vị chủ trì cụm thi Đại học số 41) trong khâu tổ chức, cán bộ coi thi và TS nắm vững quy chế thi. Đồng thời đánh giá cao các hoạt động tình nguyện bên lề giúp đỡ các TS và phụ huynh như hỗ trợ chỗ ở, nước uống miễn phí.

Kết thúc ngày thứ 3 kỳ thi THPT 2016, theo ghi nhận chung, tình hình thi tại các cụm thi khu vực miền Trung- Tây nguyên diễn ra an toàn, nghiêm túc. Sáng nay (4-7), Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra công tác thi tại Cụm thi 40 do ĐH Đà Nẵng chủ trì. Các TS sẽ bước vào thi 2 môn cuối cùng: Lịch sử (sáng), Sinh học (chiều).

Nhóm PV Thời sự