Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều trải nghiệm mới tại Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024

Thứ tư, 20/03/2024 10:17
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2024 phát biểu chỉ đạo tại hội nghị rà soát công tác tổ chức Lễ hội ngày 19-3.

Nhiều điểm nhấn mới mẻ

Chủ trì hội nghị rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024 diễn ra ngày 19-3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường - Trưởng Ban tổ chức cho biết: Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024 là 1 trong 4 sự kiện văn hóa - lễ hội được xem là điểm nhấn trong năm 2024 của thành phố. Đây là hoạt động nổi bật nhằm chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng thành phố (29-3-1975-29-3- 2024) và cũng là dịp mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, tôn giáo…Vì vậy, lễ hội lần này sẽ được chức với quy mô lớn, bài bản, đa dạng, chuyên nghiệp, an toàn. Du khách và các tầng lớp nhân dân đến với lễ hội sẽ được tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa cùng nhiều trải nghiệm mới…

Theo ông Tạ Tự Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2024 được tổ chức với quy mô lớn hơn so với mọi năm, xứng tầm là lễ hội cấp thành phố, xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội có nhiều điểm nhấn mới mẻ cùng các hoạt động Phật giáo gắn với đời sống tâm linh của người dân địa phương hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân tham gia. Theo kế hoạch, lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 26 đến 29-3 (nhằm ngày 17 đến 20-2 năm Giáp Thìn 2024) với hơn 30 hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và các tuyến đường lân cận.

Lễ thả khinh khí cầu trong lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2023.

Hòa thượng Thích Huệ Vinh - Trụ trì chùa Quán Thế Âm cho hay, khởi nguyên của lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội thuần túy tôn giáo nên năm 2024 nhà chùa mong muốn có những hoạt động tiêu biểu của Phật giáo trong lễ hội. Điểm nhấn các hoạt động tôn giáo là khóa tu Hạnh nguyện Quán Âm do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố phối hợp quận tổ chức cùng các bài thuyết giảng, thiền tọa, pháp đàn… sẽ được tổ chức xuyên suốt trong lễ hội. Những hoạt động này sẽ góp phần khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người. Đồng thời, giáo dục thanh thiếu niên ở cả 3 phương diện đức dục, trí dục và thể dục. Hơn nữa, lễ hội là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa giữa "Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp". Bên cạnh đó, Lễ hội năm nay có nhiều điểm mới như: hội thi đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò kèm tái diễn hoạt cảnh lịch sử trên sông, thi trực họa về lễ hội Quán Thế Âm; thi viết cảm nhận về các tác phẩm của thư viện Vạn Hạnh; chạy bộ Olympic "Vì hòa bình" và nhiều hoạt động nghệ thuật, trò chơi dân gian…

So với mọi năm, những hoạt động văn hóa, giải trí tại Lễ hội năm nay được tổ chức đa dạng, quy mô và bài bản hơn. Cụ thể, lễ hội đua thuyền không còn là hoạt động thể thao thuần túy mà còn tái hiện lại hoạt cảnh tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân công chúa mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa hoặc hoạt động chạy bộ Olympic "Vì hòa bình" sẽ có sự tham gia của 5 tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng và các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện để các nước tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, lễ hội trùng với thời gian kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2024) nên UBND quận tổ chức hoạt động diễu hành xe hoa chào mừng ngày kỷ niệm giải phóng thành phố cũng như tuyên truyền, quảng bá về lễ hội trên các tuyến đường chính của thành phố.

Xe hoa trong lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2023.

Lễ hội gắn với tiêu chí "5 không"

Theo ông Tạ Tự Bình, hiện tại quận Ngũ Hành Sơn có đến 4 di sản, trong đó Lễ hội Quán Thế Âm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021. Thực tế chứng minh di sản văn hóa Ngũ Hành Sơn luôn có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, đã trở thành biểu tượng du lịch của thành phố. Do vậy, địa phương hy vọng lãnh đạo thành phố quan tâm nhiều hơn nữa để lễ hội Quán Thế Âm ngày càng được nâng tầm, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút du khách góp phần phát triển kinh tế của thành phố. Về phía địa phương, quận Ngũ Hành Sơn đang nỗ lực đa dạng hóa các loại hình, dịch vụ, kết nối tất cả các địa điểm tham quan, như: chùa, hang động, hệ thống ma nhai…, để khi đến đây du khách hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cùng những trải nghiệm tuyệt vời về Ngũ Hành Sơn.

Thượng tá Nguyễn Xuân Vinh - Trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ thêm, những ngày này, đến với Ngũ Hành Sơn ngoài những trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, ẩm thực, du khách còn cảm nhận được sự an bình do công tác an ninh trật tự được chính quyền và các cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu. Cụ thể, lực lượng Công an tổ chức tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường, khu vực diễn ra lễ hội để đảm bảo trật tự giao thông được diễn ra thông suốt, kịp thời phát hiện, xử lý những đối tượng xấu lợi dụng nơi đông người để thực hiện hành vi móc túi, trộm cắp tài sản… Phối hợp cùng các lực lượng chức năng để đảm bảo lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024 là lễ hội "5 không": không trộm, cướp và tệ nạn xã hội; không lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác, không vi phạm vệ sinh ATTP; không chèo kéo khách, nâng giá, ép giá; không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan.

M.T