Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều trường đổi khung giờ học, giữ thức ăn ấm nóng cho học trò chống rét

Thứ ba, 12/01/2021 18:03

Chủ động bảo vệ sức khỏe cho học sinh, đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học trước đợt rét đậm, các trường học ở Hà Tĩnh đã chuẩn bị các điều kiện giữ ấm, linh hoạt trong các hoạt động dạy học.

Giáo viên, học sinh tại trường tiểu học Hộ Độ, huyện Lộc Hà.

“Không nhất thiết mặc đồng phục, đủ ấm là được”

Trước tình hình đó, các trường học trên địa bàn tỉnh này đã có nhiều giải pháp phòng, chống rét, giữ ấm cho học sinh, nhằm đảm bảo sức khỏe và tỷ lệ chuyên cần, nhất là học sinh bậc mầm non, tiểu học. Tại huyện Lộc Hà, hầu hết các trường học đều nằm gần khu vực bờ biển, gió mạnh, không khí lạnh tăng cường, Ban giám hiệu các trường đều chuẩn bị đầy đủ công tác phòng chống rét cho học sinh.

Sáng thứ 2 đầu tuần theo quy định tất cả học sinh đều phải mặc đồng phục, nhưng trước thời tiết lạnh giá quy chuẩn đó dường như bị dỡ bỏ, thay vào đó khẩu hiệu, “Học sinh không nhất thiết mặc đồng phục, đủ ấm là được”. Áo len, áo phao, áo dạ… những chiếc áo có độ dày, giữ nhiệt cao đều được phụ huynh ưu tiên hàng đầu trang bị cho con cái trước khi đến lớp trong thời tiết giá lạnh này. Thầy Lê Đức Dũng, hiệu trưởng Trường TH Hộ Độ (huyện Lộc Hà) cho biết: Để đảm bảo sức khỏe, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh trong đợt rét đậm kéo dài, nhà trường, nhất là trường gần khu vực ven biển đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thiết thực, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập trong mùa đông.

“Việc sửa sang cơ sở vật chất những điểm hư hỏng, mua sắm máy sưởi, chăn ấm, huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để trang bị thêm áo ấm, đồ dùng sinh hoạt được nhà trường chuẩn bị ngay từ đầu năm học mới. Phong trào “mỗi ngày 1.000 đồng” được phát động 3 tháng nay, có ngày mỗi lớp nhận được 50.000 đồng từ đóng góp của học sinh. Số tiền tuy không lớn nhưng góp phần không nhỏ vào hỗ trợ học sinh nghèo như: mua áo ấm, tất tay, tất chân, chiếc khăn len… Cùng với chương trình “áo ấm cho em” nhà trường không để bất kỳ học sinh nào thiếu áo mặc khi đến trường” – thầy Lê Đức Dũng cho biết.

Cũng tại ngôi trường này, nhiều giáo viên đã tự mua đèn tinh dầu vào trong lớp học vừa có mùi thơm, vừa giữ nhiệt cho học sinh.

Học muộn 15 phút

Để học sinh không phải dậy sớm trong thời tiết lạnh, ảnh hưởng sức khỏe, tất cả các trường học ở vùng ven biển huyện Lộc Hà đều thay đổi khung giờ học. Thời gian vào học sẽ muộn hơn 15 phút, trước đây 7 giờ 15 nay 7 giờ 30. “Trường TH Thạch Kim chỉ cách bờ biển gần 1km, nhiệt độ lạnh hơn mức bình thường, học sinh những ngày qua nghỉ học khá nhiều. Nhiều phụ huynh luôn xin phép chở con về nhà sớm do sức khỏe các cháu không đảm bảo” - thầy Lê Ý, hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Kim cho hay.

Thầy Ý cũng nói thêm, ngoài việc giữ ấm cho học sinh, nhà trường cũng đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho học sinh, cửa chính, cửa sổ luôn được đóng kín, tránh luồng khí lạnh từ biển luồn vào lớp học. Hiệu trưởng trường cũng cho biết, nhà trường luôn tìm các giải pháp tối ưu để đảm bảo khẩu phần ăn cho học sinh bán trú. Trường yêu cầu tổ cấp dưỡng cố gắng để học sinh có được bữa ăn nóng, ngon và đủ chất. Vào mùa đông, khẩu phần được tăng thêm dầu mỡ để giữ ấm cơ thể trẻ và thường xuyên thay đổi giúp các em ăn ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng.

Cùng với việc phân lịch trực cho các giáo viên quan tâm nơi ăn ngủ của học sinh buổi tối, trường luôn cập nhật tình hình thời tiết, khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C sẽ cho các em nghỉ học – thầy Ý nói thêm.

T.H

Ngày 11-1, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, nhiều trường trên địa bàn đã phải cho học sinh nghỉ học để tránh rét, đảm bảo sức khỏe cho các em. Cụ thể, sáng 11-1, các địa phương vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới Việt – Lào như: Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Lống, Mường Ải, Keng Đu, Huồi Tụ, Bắc Lý… có nhiệt độ từ 1ºC đến 6ºC. Trước tình hình này, 41 trường học đã thông báo cho học sinh các cấp được nghỉ học để tránh rét. Bên cạnh đó, trong sáng 11-1, các trường Mầm non, 5/19 trường TH ở các xã Yên Tĩnh, Yên Thắng, Lượng Minh, Lưu Kiền và Nhôn Mai thuộc huyện Tương Dương cũng đã cho học sinh nghỉ học để tránh rét. Các trường còn lại vẫn tiến hành học bình thường nhưng vào học muộn hơn. Trước đó, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có văn bản gửi đến các Phòng GD-ĐT trực thuộc, các nhà trường để có phương án chống rét kịp thời. Tùy theo tình hình, các trường chủ động cho học sinh THCS, THPT nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C; học sinh ở bậc tiểu học và mầm non nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C.

D.H