Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước được cử tri đặt ra đối với Quốc hội

Thứ tư, 19/10/2016 09:40

(Cadn.com.vn) - Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20-10 và bế mạc vào ngày 22-11. Trước thềm kỳ họp lần này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Sơn, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.

Một buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề của ĐBQH TP Đà Nẵng
trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. ẢNH: A.T

P.V: Thưa ông, trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, những nội dung nào được xem là điểm nhấn xuyên suốt toàn bộ kỳ họp?

Ông Nguyễn Bá Sơn: Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; đồng thời cho ý kiến 14 dự án luật.  Ngoài công tác xây dựng luật, Quốc hội cũng sẽ tập trung vào các nội dung về KT-XH, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Ông Nguyễn Bá Sơn.

P.V: Ông có thể cho biết, trong số các luật được xem xét thông qua tại kỳ họp tới cũng như các dự án luật đưa ra xin ý kiến, những luật nào được cử tri quan tâm nhất?

Ông Nguyễn Bá Sơn: Tôi cho rằng, trong 4 dự án luật được xem xét thông qua tại kỳ họp này thì Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự được dư luận quan tâm nhất. Bởi đây là một bộ luật lớn đụng chạm đến nhiều vấn đề lớn của xã hội cũng như hoạt động của hệ thống tư pháp. Bên cạnh đó, đối với 14 dự án luật được đưa ra lấy ý kiến thì Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi)... cũng được dư luận quan tâm. Đặc biệt, cử tri quan tâm nhiều nhất vẫn là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Bởi qua 10 năm triển khai luật này đã tạo được tiền đề pháp lý ban đầu đáng kể. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn của nhân dân. Cử tri đề nghị Quốc hội, Đảng, Nhà nước, Chính phủ nghiên cứu để đưa công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng lên một bước mới và cần xem xét lại phạm vi, đối tượng kê khai tài sản; không nên chỉ dừng lại ở những người có chức, có quyền mà cần mở rộng ra tất cả CBCC Nhà nước. Có như vậy mới có thể nâng cao được hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng một cách căn cơ được.

P.V: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, cử tri đặc biệt quan tâm đến những nội dung, lĩnh vực nào nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Sơn: Qua 9 cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH Đà Nẵng, trong đó có 6 cuộc tiếp xúc cử tri ở cơ sở, 3 cuộc tiếp xúc chuyên đề, và 1 buổi lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia về báo cáo tình hình KT-XH của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ hai, cử tri quan tâm nhất vẫn là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề khắc phục sự cố môi trường liên quan đến Formosa; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm vì liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân; tình hình thất thoát, lãng phí trong huy động, sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, đầu tư công. Cử tri kỳ vọng Quốc hội có ý kiến để Chính phủ vào cuộc với quyết tâm cao và quyết liệt hơn đối với những nội dung này. Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn Chính phủ có phản ứng kịp thời, tương xứng và có hiệu quả sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc cũng như các đối sách của Việt Nam trong thời gian đến liên quan đến chủ quyền ở biển Đông.

P.V: Từ sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đến nay, công tác giám sát cũng như xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có điểm gì mới và kết quả cụ thể?

Ông Nguyễn Bá Sơn: Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã duy trì thường xuyên việc tiếp công dân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của công dân và tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân gửi đến Đoàn. Đến nay, Đoàn đã tiếp 14 lượt công dân và nhận 41 đơn, thư; trong đó, đã chuyển các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 38 đơn và đã nhận được kết quả phản hồi đối với 11 đơn; số đơn còn lại đang trong thời gian giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền; Đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục đôn đốc, giải quyết. Ngoài ra, Đoàn đã tiến hành xác minh, thu thập hồ sơ nghiên cứu và đang tổ chức giám sát việc giải quyết đối với 2 đơn của công dân liên quan đến chế độ hưu trí, đề nghị cưỡng chế thi hành Quyết định hành chính. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng đã tiến hành khảo sát, xác minh thực tế một số địa điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ theo phản ảnh của cử tri.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Phương Kiếm
(thực hiện)