Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều vi phạm tại dự án trồng rừng ở TT-Huế

Thứ năm, 08/10/2020 19:16

Dự án (DA) trồng rừng trên địa bàn tỉnh TT- Huế đã xảy ra nhiều vi phạm về: trồng rừng trùng lặp, công tác lập, thẩm định, tham mưu đề xuất phê duyệt DA; tham mưu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu...

Khu vực từng triển khai trồng cây dương ở biển Thuận An nay chỉ là bãi cát trống.

Trồng rừng trùng lặp

Thanh tra Sở NN & PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, lãnh đạo sở này đã có các chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan thực hiện nghiêm kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh TT-Huế về công tác quản lý các dự án, đầu tư xây dựng. Trước đó, Thanh tra tỉnh TT- Huế kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục đối với những thiếu sót, vi phạm. Thanh tra tỉnh yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý dự JICA2 nộp lại số tiền sai phạm. Trong các DA được thanh tra có DA đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá tỉnh TT- Huế do Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN&PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng. Theo hồ sơ, DA được triển khai từ năm 2015 và sẽ kết thúc năm 2024 với 2 hạng mục lâm sinh và công trình phụ trợ, được triển khai tại 5 huyện, thị xã của tỉnh TT- Huế. Trong hạng mục lâm sinh, DA trồng cây trên diện tích khoảng 450 ha rừng ngập mặn, ngập ngọt và cát ven biển. Mục đích là bảo vệ, trồng mới, phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá nhằm hạn chế cát bay, cát nhảy, xói lở, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai... Theo kết luận thanh tra, đến hết năm 2018, việc xây dựng các công trình phụ trợ lâm sinh đã thực hiện hoàn thành; khoán bảo vệ rừng 4.601 ha (đạt 92%); trồng rừng mới 416,64 ha, đạt 91,4% theo phê duyệt điều chỉnh.

Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh TT-Huế, DA vẫn còn một số tồn tại như công tác lập, thẩm định và tham mưu đề xuất phê duyệt DA đầu tư đã không đúng bố cục, biểu mẫu, chi phí dự phòng; một số hạng mục được đầu tư chưa phù hợp với mục tiêu của dự án; quy hoạch dự án trồng rừng tại thời điểm lập DA ngoài diện tích quy hoạch của tỉnh TT- Huế. "DA đã không thu thập thông tin một cách chính xác dẫn đến diện tích trùng với DA khác, trùng diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức. Việc chọn đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư cũng không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm; đề xuất hình thức quản lý DA đối với công trình lâm sinh không đúng quy định", kết luận nêu.

Thanh tra tỉnh TT-Huế kiến nghị UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc tham mưu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với DA này. Theo đó, sở này đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu trồng rừng của DA được phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu là "đặt hàng" với loại hợp đồng "trọn gói". Điều này không tuân thủ Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn và Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng dịch vụ công ích. Đơn vị tư vấn lập thiết kế dự toán, bộ phận thẩm định, chủ đầu tư và ông Hồ Sỹ NguyênGiám đốc Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm sai sót trong quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán các gói thầu không đúng thẩm quyền quy định; bản vẽ thiết kế thi công không đầy đủ thông tin; phê duyệt dự toán không đúng hồ sơ thiết kế, định mức đơn giá quy định dẫn đến tăng giá trị xây lắp hơn 655 triệu đồng, cần phải giảm trừ khi quyết toán.

Riêng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế, đơn vị tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm về lựa chọn nhà thầu thi công trồng rừng không đảm bảo điều kiện về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định; thiết kế trồng rừng với diện tích, công thức trồng không đúng với thiết kế cơ sở của dự án được duyệt; nghiệm thu trồng rừng và chăm sóc rừng khi chưa đủ thời gian; thực hiện không đúng với quyết định, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt; chậm triển khai trồng rừng ngập mặn dẫn đến thiếu thời gian chăm sóc theo hồ sơ thiết kế được duyệt.

Rừng chết do... thời tiết

Đối với DA trên, Thanh tra tỉnh TT-Huế yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh này yêu cầu đơn vị thi công trồng lại 18,7 ha trồng rừng ngập ngọt tại xã Điền Hương (H. Phong Điền, TT-Huế) do cây đã chết. Ông Phạm Ngọc Dũng- Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế cho biết, diện tích này do HTX Thanh Hương (Điền Hương) thực hiện trồng rừng vào năm 2016 với loại cây tràm ốc, kinh phí 210 triệu đồng. Theo ông Dũng, cây tràm ở đây bị chết là sau khi trồng thì liên tiếp 2 năm thời tiết quá nắng nóng, khô nước.

Cuối năm 2016, DA này triển khai trồng 9 ha rừng dương (phi lao; 22 triệu đồng/ha) tại thị trấn Thuận An, H. Phú Vang. Tuy nhiên, sau khi trồng thì ngoại trừ khu vực gần cửa biển thì phần lớn diện tích rừng bị chết và mặc dù đã trồng lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn còn dải cát trống. Ông Dũng nói rằng diện tích chết là do nắng nóng quá, hanh khô và dù trồng lại lần 2 nhưng vẫn không thành công nên giờ cũng đã đề xuất thanh lý. "Cát thường di chuyển ngầm, cây dương rễ ngắn, khi vừa trồng mà gặp gió heo may là chết. Trồng cây ở đây hên xui trong một tuần thôi, mới trồng mà gặp thời tiết bất lợi là cây chết, khổ cho nhà thầu"- ông Dũng phân trần. Thanh tra tỉnh TT- Huế cũng chỉ ra rằng việc lập DA trồng rừng trên cát tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, TTHuế) không phù hợp quy định.

H.LAN