Nhiều vi phạm từ khai thác và vận chuyển đất san lấp
Giữa cái nắng "khô rang" những ngày hè tháng 7, hàng chục chiếc xe tải có trọng tải lớn và nhỏ ùn ùn ra vào các mỏ đất san lấp tại núi Sơn Lâm, thôn Bắc Sơn 2, thôn Lưu Vĩnh Sơn 2, thôn Lưu Vĩnh Sơn 3 (xã Lưu Vĩnh Sơn), rồi đi ra tuyến đường ĐT21 và ĐT3 khiến bụi bay mù trời.
Theo ghi nhận, trong khu vực này có 5 mỏ đất san lấp, nhưng 4 mỏ đang hoạt động, đó là các mỏ đất của Công ty CP cơ giới và xây dựng 5-3; Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh và 2 mỏ đất phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía đông giai đoạn 2021- 2025 của Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng. Các mỏ đất này đều nằm sát cạnh nhau, sử dụng chung đường công vụ để phục vụ cho việc khai thác và vận chuyển. Quan sát tại các mỏ, việc vận chuyển đất ra khỏi khu vực khai thác không có trạm cân, camera giám sát… liệu những doanh nghiệp này có thực sự minh bạch thông tin, thống kê đầy đủ, chính xác trữ lượng khai thác?. Khoản 2, điều 42 nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật khoáng sản, quy định tổ chức, các cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Quy định này kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân nhằm ngăn chặn tình trạng khai báo sai thực tế sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng tháng, khi kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong thời gian qua chống thất thu ngân sách nhà nước, tuy vậy những doanh nghiệp này đã bỏ qua quy định đó.
Từ các mỏ, hàng dài các phương tiện nối đuôi nhau vào ra chở đất, hoạt động khai thác và vận chuyển diễn ra rất tấp nập hàng ngày. Vẫn còn đó một số phương tiện có dấu hiệu chở quá tải trọng, cơi nới thành thùng vô tư di chuyển trên tuyến ĐT21 ra tuyến ĐT3 để chở đến các công trình trên địa bàn huyện Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh để san lấp. Quá trình vận chuyển, nhiều phương tiện di chuyển với tốc độ cao, bạt che chắn sơ sài làm đất đá rơi văng xuống đường gây ô nhiễm môi trường, đường sá bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Một người dân sống gần khu vực khai thác của các mỏ đất cho biết: "Hàng ngày chứng kiến hàng trăm lượt xe vận chuyển đất từ mỏ về các công trình khiến bụi bay mù trời, người dân ở đây rất bức xúc nhưng không biết kêu ai cả. Nhiều gia đình đã phải mua tôn, bạt về quây kín nhà để che chắn nhưng vẫn không ăn thua, bụi vẫn len lỏi bám đầy các vật dụng trong nhà. Ảnh hưởng đến môi trường dân sinh lắm".
Ông Phan Tuấn Cường- Chuyên viên phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho biết: "Huyện Thạch Hà có 8 mỏ khai thác đất san lấp (trong đó có 4 mỏ phục vụ cho Dự án cao tốc), tuy nhiên, mới chỉ có 3 mỏ là đầy đủ thủ tục pháp lý. Cũng theo ông Cường, các mỏ hiện chưa đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định gồm: Mỏ đất của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh: chưa có chủ trương đầu tư, chưa lắp đặt camere giám sát, chưa có trạm cân (năm 2022- 2023 đã khai thác vượt công suất); mỏ của Công ty CP cơ giới và Xây dựng 5-3 chưa có thủ tục thuê đất, không có trạm cân, không có camra giám sát lưu trữ dữ liệu; mỏ của Công ty CPĐT&TM Tràng An Việt Nam cũng chưa lắp đặt trạm cân, camera giám sát, thủ tục giấy tờ cũng chưa hoàn thiện; mỏ của Công ty 319 Bộ Quốc phòng thì chưa đền bù xong cho dân nên chưa có thủ tục thuê đất. Riêng mỏ của Công ty CPVT&XD 2-9 thì đã bị đình chỉ hoạt động mấy tháng qua do khai thác khoáng sản vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản.
Nhiều vi phạm trong việc khai thác và vận chuyển khoáng sản trên địa bàn huyện Thạch Hà đã và đang diễn ra, tuy nhiên vẫn chưa được chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để. Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Thạch Hà cần nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra từ đó có biện pháp xử lý theo quy định.
X.SƠN