Nhiều vướng mắc trong đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà
Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã báo cáo với UBND tỉnh về tình hình thực hiện và các vướng mắc trong việc đấu nối và lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Gia Lai vào chiều 7-7.
Gia Lai đang được đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà. |
* Tỉnh Gia Lai hiện có 547 công trình đã nghiệm thu đóng điện với tổng công suất 36,831kWp. Điện lực Gia Lai đã ký hợp đồng mua bán điện với 510 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền điện đã trả cho khách hàng hơn 12 tỷ đồng. Ngoài ra, có 378 hồ sơ điện mặt trời mái nhà đăng ký đấu nối vào lưới điện hạ áp (TBA công cộng) với tổng công suất đăng ký là 9,765MWp; 95 hồ sơ điện Mặt Trời mái nhà đã thỏa thuận đấu nối với tổng công suất đã thỏa thuận đấu nối vào lưới điện trung áp (22kV, 35kV) là 86,514kWp và 711 hồ sơ điện Mặt Trời mái nhà đăng ký đấu nối với lưới điện trung áp tổng công suất đăng ký là 683MWp. Gia Lai là tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng điện Mặt Trời và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện ở mức cao, chính vì thế, đã có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều cơ chế, đến nay, việc đấu nối và lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập khiến các nhà đầu tư lẫn chính quyền địa phương đang loay hoay, chưa có hướng xử lý phù hợp. |
Đây là vấn đề mà các nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Gia Lai đang rất quan tâm, theo dõi các văn bản hướng dẫn mới từ Chính phủ để tiến hành thực hiện các dự án dang dở trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Duy Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc là do Bộ Công Thương mới chỉ xây dựng, đang lấy ý kiến, chưa ban hành Thông tư quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mua đất, vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, trong khi chưa đảm bảo các thủ tục về đất đai. Đồng thời, chưa đăng ký đấu nối với với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn công trình. Cũng có một số dự án khi hoàn thành không đảm bảo khả năng giải tỏa công suất, bị vướng mắc về thủ tục đất đai, tiềm ẩn rủi ro gây nợ xấu ngân hàng.
Trong khi đó, các chủ trương triển khai đầu tư các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi nhà đầu tư kết hợp đầu tư hệ thống điện Mặt Trời mái nhà đã khiến các nhà đầu tư chưa hoàn thiện được dự án.
Một hạn chế khiến các nhà đầu tư bức xúc nữa đó là khi các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương liên quan chưa xác định được công trình xây dựng được xây dựng đúng quy định hay chưa. Việc giải quyết các thủ tục đăng ký đấu nối, thỏa thuận đấu nối còn chưa công khai, minh bạch nên đã để xảy ra một số khiếu nại, khiếu kiện.
Trước những vướng mắc trên, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh Gia Lai có những quyết sách phù hợp về chủ trương đầu tư phát triển hệ thống điện Mặt Trời mái nhà trên địa bàn tỉnh đáp ứng tiêu chí áp dụng giá bán điện được quy định tại Điều 8 của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Từ đó, thực hiện các thỏa thuận cần thiết nhằm triển khai đầu tư xây dựng, kịp thời đưa vào vận hành chậm nhất đến hết ngày 31-12-2020. Đồng thời, xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo để thống nhất triển khai việc đầu tư hệ thống điện Mặt Trời mái nhà trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thống nhất chủ trương triển khai đầu tư các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn (trang tại trồng trọt, chăn nuôi,...) nói riêng cũng như các dự án khác nói chung theo phân cấp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt để tránh vướng mắc về các thủ tục về đất đai khi các dự án được triển khai.
Cùng với đó, tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Không yêu cầu các đơn vị điện lực và các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thực hiện các thủ tục hành chính không có trong quy định. Sở Công Thương tỉnh Gia Lai còn đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai tiếp tục thực hiện công khai khả năng giải tỏa công suất của các xuất tuyến đường dây do đơn vị quản lý vận hành. Bên cạnh đó, giải quyết thủ tục đăng ký đấu nối, thỏa thuận đấu nối và các thỏa thuận chuyên ngành điện lực khác một cách công khai, minh bạch, theo trình tự thời gian đăng ký và đúng quy định, không để xảy ra các khiếu kiện, khiếu nại trong quá trình giải quyết các thủ tục, hồ sơ. Ngoài ra, Công ty Điện lực Gia Lai ưu tiên giải quyết đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên các công trình xây dựng hiện hữu. Chịu trách nhiệm đảm bảo hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không gây quá tải lên hệ thống điện hiện hữu.
Ông Văn Đình Hậu, Giám đốc Điện lực Gia Lai đề nghị Sở Xây dựng có hướng dẫn cụ thể các công trình được xác định xây dựng đúng quy định để Điện lực Gia Lai có cơ sở ký thỏa thuận đấu nối và hợp đồng mua bán điện, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư. Điện lực Gia Lai cũng nêu rõ quan điểm, hiệu lực Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam chỉ có hạn đến 31-12 tới và khả năng truyền tải của lưới điện trung hạ thế của tỉnh chỉ có hạn (tối đa 481Wp). Do vậy, để thực hiện khuyến khích của Chính phủ, góp phần tăng nguồn điện cho lưới điện quốc gia và đóng góp ngân sách cho địa phương do đó, Điện lực Gia Lai đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển điện Mặt Trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe các báo cáo và kiến nghị, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong đầu tư phát triển điện Mặt Trời mái nhà để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, đơn giản hóa, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hồng Điệp