Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều ý kiến, đề xuất đóng góp xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

Thứ năm, 13/07/2023 20:05
Tàu vận tải hàng hóa và tàu khách du lịch cập cảng Đà Nẵng.

Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía lãnh đạo TP Đà Nẵng có ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, nhằm thúc đẩy phát triển logistics Việt Nam trong thời gian đến, đặc biệt là đưa hàng hóa Việt Nam vươn rộng hơn ra thế giới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo thực hiện soạn thảo Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045. Dự kiến, dự thảo lần 1 đề án này 1 sẽ hoàn thành vào tháng 9-2023, sau đó, tiếp tục ý kiến của các địa phương, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo vào cuối năm 2023 và phấn đấu trong quý I/2024, chậm nhất vào quý II/2024 trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương TP Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã chia sẻ với Đoàn công tác của Bộ Công Thương về tình hình phát triển logistics ở 3 địa phương này vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở Công Thương 3 địa phương đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan có sự quan tâm đặc biệt, nhất là ban hành các chính sách, cơ chế ưu đãi hỗ trợ logistics của 3 địa phương này nói riêng, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói chung phát triển mạnh mẽ trong thời gian đến, bắt kịp hai đầu đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trao đổi tại buổi làm việc.

Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo để hình thành tuyến đường cao tốc kết nối trực tiếp Cảng Liên Chiểu với Hành lang Đông - Tây qua Cửa khẩu Lao Bảo; chỉ đạo đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ kết nối các cửa khẩu khác trên Hành lang Đông - Tây (Cửa khẩu La Hay) và Hành lang Đông Tây 2 qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) để kết nối các cửa khẩu của Lào và Thái Lan; tạo điều kiện thuận lợi để TP Đà Nẵng tham gia nhiều hơn các chương trình, định chế hợp tác song phương, đa phương gắn với Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC); có cơ chế khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam tăng cường, mở rộng đầu tư tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và trên EWEC để góp phần hình thành các đầu mối sản xuất, phấn phối, nguồn hàng ổn định cho thị trường nội địa và xuất khẩu; cho thành lập tổ công tác hoặc Ban chỉ đạo phát triển dịch vụ logistics cấp vùng để thúc đẩy phát triển logistics khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh lưu ý thêm để các địa phương, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý triển khai hoạt động logistics, trong Đề án cần cụ thể khái niệm logistics, nhất là về hạ tầng logistics, đất logistics, v.v…; tại 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế nói riêng, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói chung hiện có nguồn hàng hóa ít, cần thu hút nguồn hàng quốc tế, do vậy, cần bổ sung vào Đề án thêm hai nội dung là khu phí thuế quan và khu thương mại tự do…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân kết luận tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cục Bưu điện Trung ương (Bộ Thông tin và Truyền thông), v.v… đã đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Đề án cũng như gợi mở hướng phát triển logistics của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên như: phát triển logistics dựa trên thế mạnh, tiềm năng của mỗi địa phương trong vùng như logistics phục vụ xuất khẩu nông lâm thủy sản, logistics phục vụ du lịch, v.v…; hình thành liên kết vùng để điều phối hoạt động logistics một cách hiệu quả, tối ưu, tránh lãng phí, cạnh tranh không lành mạnh; xây dựng hệ sinh thái logistics, logistics xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số cho logistics…

Kết luận tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đã đồng tình, thống nhất với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo TP Đà Nẵng, các sở, ban, ngành của 3 địa phương trên và các chuyên gia; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, đề xuất, kiến nghị này để đưa vào dự thảo Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp thêm thông tin, số liệu về tình hình hoạt động logistics của 3 địa phương này để các thành viên, chuyên gia có thêm tài liệu tham khảo, phân tích, đánh giá phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Đề án.

PHÚ NAM