Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

Thứ tư, 10/07/2019 08:31

Quảng Nam- Ngày 9-7, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) với sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh.

Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất cao về việc cần thiết phải ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) trong giai đoạn hiện nay nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn thực hiện thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng cần thêm mục “Thanh niên xung phong” trong Chương II của dự thảo để định danh rõ những công lao, cống hiến, hy sinh to lớn của lực lượng thanh niên xung phong đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, qua đó đề ra những chính sách đãi ngộ cụ thể. Tại Điều 14 ở Điểm 10 nên điều chỉnh điều kiện, tiêu chuẩn được công nhận liệt sĩ “Do vết thương tái phát đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên do thương tật”, thay vì 81% trở lên như dự thảo đưa ra.

Tại Điều 41 của dự thảo quy định Nghĩa trang liệt sĩ là nơi chỉ an táng hài cốt liệt sĩ nhưng trong thực tế ở nhiều địa phương Nghĩa trang liệt sĩ có cả phần mộ của các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, thương binh. Vì vậy, các đại biểu cho rằng dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) cần quy định giữ nguyên những phần mộ khác đã có trước đó trong Nghĩa trang liệt sĩ, còn khi Pháp lệnh có hiệu lực sẽ chỉ an táng hài cốt liệt sĩ trong Nghĩa trang liệt sĩ. Tại Điều 42, dự thảo Pháp lệnh nên quy định thêm rằng việc tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ không được đụng chạm tới hài cốt liệt sĩ, trừ những trường hợp theo quy định của Chính phủ. Tại Điều 36, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, dự thảo cần xác định cụ thể hình thức trợ cấp một lần hoặc hàng tháng đối với từng đối tượng. Tại Điều 5 chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, việc làm để tạo sự công bằng trong các kỳ thi...

Những ý kiến góp ý tại hội nghị được ĐBQH tỉnh Quảng Nam tổng hợp, tiếp thu để gửi Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV xem xét.

Q.N