Báo Công An Đà Nẵng

NGÀY LÀM VIỆC THỨ 8, KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Nhiều ý kiến khác nhau về thẻ căn cước công dân

Thứ tư, 29/10/2014 07:59

(Cadn.com.vn) - Chiều 28-10, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước công dân.

Giữ tên gọi “Luật căn cước công dân”

Nhiều đại biểu tán thành với tên gọi “Luật căn cước công dân” theo Tờ trình của Chính phủ và quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi tên gọi này phù hợp với nội hàm chủ yếu của dự thảo Luật quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, việc quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong Luật này vì đây là cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu căn cước công dân... Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng, quản lý, do đó Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Luật này là phù hợp. Mặt khác, tên gọi Luật căn cước công dân đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18-6-2013 của Quốc hội.

Về tuổi được cấp thẻ căn cước công dân, hiện vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh. Song, cũng có một số ý kiến đề nghị quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật Căn cước công dân; trẻ em chưa đủ 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh như hiện nay và quy định trong Luật Hộ tịch. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi là chưa thật sự cần thiết vì những thông tin quan trọng về nhân dạng của công dân chưa được thể hiện trên thẻ, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Quan điểm trên của đại biểu được rất nhiều ý kiến đồng tình.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng cần tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em và không cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi. Dự thảo Luật cần quy định mang tính nguyên tắc về tích hợp thông tin của cá nhân công dân để khi đủ 14 tuổi, làm thẻ căn cước công dân với đầy đủ thông tin như vân tay, đặc điểm nhân dạng. Việc này đảm bảo quyền lợi trẻ em, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước và phù hợp với các luật khác.

Trước những ý kiến còn khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, chủ trì phiên họp cho biết Quốc hội sẽ có phiếu xin ý kiến đại biểu về nội dung độ tuổi trước khi thông qua toàn bộ dự án Luật.

Cũng liên quan đến thẻ căn cước công dân, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thông tin nhóm máu trên thẻ. Nhóm máu là đặc điểm riêng nhận biết từng người và việc xác định nhóm máu là vì mục đích nhân đạo. Quy định thông tin về nhóm máu chưa được thể hiện trong nội dung Luật là chưa phù hợp, nên đưa thông tin nhóm máu vào nội dung thẻ căn cước công dân, đồng thời trang bị thêm các điều kiện về cơ sở y tế cần thiết cho các địa phương để họ có thể xác định nhóm máu.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, là dữ liệu gốc gồm những thông tin cơ bản về công dân để phục vụ quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Vì vậy, chỉ nên quy định những thông tin cơ bản về công dân như Điều 9 dự thảo Luật trình Quốc hội.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nơi tập hợp thông tin cơ bản về công dân được dùng chung trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân, là căn cứ để cấp thẻ căn cước công dân và các giấy tờ công dân như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu. Do đó, các thông tin về công dân được cập nhật trong cơ sở dữ liệu này phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng các nội dung trên, cần chính xác, tránh sai sót dẫn đến phải bổ sung nhiều lần. Cần bổ sung trong dự thảo Luật một số nội dung như họ tên, số định danh, các con, anh chị em trong gia đình... Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ nội dung thông tin nào bắt buộc và không bắt buộc trong thu thập, cập nhật các thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân.

(Đại biểu TRẦN THỊ DIỆU THÚY phát biểu về Cơ sở dữ liệu quốc gia quy định trong dự thảo Luật Căn cước công dân).

Đề nghị tiếp tục cấp Giấy khai sinh

Trước đó, sáng 28-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch.

Thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch, đề cập việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành, bởi vì đây là nhu cầu và là quyền của người dân được sử dụng thuận lợi từ nhiều năm nay để bảo vệ lợi ích của mình.

Tờ trình dự án Luật ban hành văn bản pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Việc xây dựng dự án luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương với nhiều đổi mới về nội dung nhằm góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả... Dự thảo Luật gồm 16 chương, 159 điều (tăng 4 chương, 64 điều so với Luật năm 2007, ít hơn 2 chương, tăng 8 điều so với tổng số chương, điều của cả hai Luật về ban hành văn bản pháp luật  hiện hành).

Bên lề kỳ họp, đại biểu Đinh Xuân Thảo chia sẻ với báo giới những vấn đề quan tâm của mình xung quanh dự án Luật này. Đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng những ý kiến đề nghị giữ lại giấy khai sinh chứ không nên thay bằng thẻ căn cước công dân, là thỏa đáng và chính xác. Đại biểu nêu lý do: Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới vẫn sử dụng giấy khai sinh. Pháp luật của các nước cũng quy định trẻ em có quyền khai sinh, khi đi khai sinh sẽ được ghi vào sổ và cấp giấy khai sinh. Giấy khai sinh đó được sử dụng vào nhiều việc. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, giấy khai sinh như giấy thông hành để sử dụng vào việc              đi lại.

Cũng theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, thủ tục cấp giấy khai sinh đơn giản, thuận tiện, chi phí rẻ. Việc bỏ cấp giấy khai sinh để làm thẻ căn cước sẽ nảy sinh một số bất cập, đặc biệt đối với trẻ em dưới 14 tuổi. Đại biểu dẫn chứng: Trên thế giới hiện có 3 nhóm nước, một nhóm quy định thẻ căn cước bắt buộc, nhóm thứ hai là các nước sử dụng thẻ căn cước nhưng không bắt buộc, nhóm ba hoàn toàn không có khái niệm thẻ căn cước. Những nước cấp thẻ căn cước bắt buộc, không bắt buộc đối với những đối tượng có độ tuổi từ 12 tuổi, đa số từ 14, 15 tuổi trở lên. Như vậy, thẻ căn cước chỉ có tác dụng ở việc chứng minh cá nhân người đó và chỉ được sử dụng trong lãnh thổ quốc gia, ý nghĩa giống thẻ chứng minh nhân dân của Việt Nam hiện nay.

Theo dự kiến, thẻ căn cước sẽ không có hình ảnh nhưng có tên bố, mẹ, mặt sau thẻ không có vân tay. Như vậy, những dữ liệu ở thẻ căn cước đã có trong giấy khai sinh rồi. Mặt sau của thẻ căn cước dưới 14 tuổi sẽ có một con chip ghi dữ liệu vào đó. Nhưng thực tế trẻ dưới 14 tuổi cũng chưa có nhiều dữ liệu để đưa vào mà chíp này chủ yếu chỉ sử dụng cho những đối tượng từ 15 tuổi trở lên.

Ngoài ra, thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi có tên bố mẹ, nhưng đến 15 tuổi lại bỏ dữ liệu này. Như vậy có nghĩa là một mẫu giấy tờ nhưng không thống nhất. Nếu theo cách làm này sẽ tạo thêm sự phức tạp. Đối với vùng sâu, vùng xa, quy trình làm giấy khai sinh rất đơn giản mà người dân còn không làm, nếu thực hiện quy trình như thế này sẽ có rất nhiều người không có giấy tờ tùy thân. Việc khám chữa bệnh, đến trường học của trẻ em sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) cho rằng, việc tiếp tục cấp giấy khai sinh là cần thiết vì từ lâu giấy khai sinh gắn liền với đời sống và đặc biệt quan trọng với trẻ em. Hiện nay, giấy khai sinh đang là loại giấy tờ cần thiết trong nhiều quy trình thực hiện chính sách liên quan đến đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi như bảo hiểm y tế và việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch; lệ phí hộ tịch; thủ tục, thời hạn đăng ký hộ tịch; công chức tư pháp - hộ tịch.

Thu Thủy - TTXVN