Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều ý kiến về dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu, bia

Thứ bảy, 06/10/2018 16:10

Ngày 5-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHRB). Hội nghị do các ĐBQH: Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng chủ trì với sự  tham dự của đại biểu các ngành: Y tế, Giáo dục, Du lịch, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Chi nhánh Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng...

Các ĐBQH nghe ý kiến góp ý của các đại biểu.

Góp ý vào các nội dung dự thảo Luật, ông Nguyễn Thanh Phúc (Chi nhánh Công ty bia Heineken) thống nhất bố cục, nội dung, tên gọi dự thảo Luật đồng thời kiến nghị cần kiểm soát chặt chẽ rượu bất hợp pháp. Ông Phúc cũng đề nghị nên có các cảnh báo tác hại rượu bia bằng biểu tượng dễ hiểu, dễ nhận biết trên nhãn hàng hóa thay vì bằng các văn bản dài dòng mà người sử dụng ít khi tiếp cận. Đại diện VCCI thì cho rằng để giảm tác hại thì phải giảm cầu về rượu, bia bằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, làm cho giá bia rượu tăng thì người ta sẽ ít sử dụng. Đại diện Trung tâm Y tế Hải Châu kiến nghị cần xử phạt nặng những trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, không chỉ với lái xe ô-tô mà cả lái xe mô-tô vì những vụ TNGT do rượu bia thường để lại những hậu quả rất thảm khốc. Ông Nguyễn Văn Khanh (TTYT Liên Chiểu) thì đề nghị cấm khuyến mãi rượu, bia và cấm bán rượu, bia trong các trường đại học và các cơ sở dạy nghề...

Một số cử tri góp ý việc DN sản xuất rượu bia tài trợ cho các chương trình thể thao, văn hóa, giải trí dành cho đối tượng khán giả trên 18 tuổi hoặc tài trợ các chương trình y tế, giáo dục, an sinh xã hội chỉ nên đưa tên doanh nghiệp, không quảng bá hình ảnh rượu, bia. Một số cử tri lo rằng theo dự thảo luật này, ngay cả khi các DN được phép tài trợ các sự kiện thể thao, văn hóa nhưng lại không được phép quảng bá tên và hình ảnh của DN thì họ cũng sẽ gần như không được lợi gì, như vậy thì các nguồn tài trợ sẽ được mang hết cho các sự kiện thể thao ở nước ngoài, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Các cử tri cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc cấm bán rượu, bia trực tuyến trên mạng Internet và máy bán hàng tự động là không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các DN rượu, bia. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng việc Bộ Y tế chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật PCTHRB là chưa phù hợp, dễ dẫn đến việc ngành nào làm luật sẽ chọn những điều có lợi cho ngành của mình. Một góp ý khác cho rằng, đề xuất hạn chế thời gian bán rượu bia sẽ thúc đẩy hành vi tiêu thụ bất hợp pháp bởi người tiêu dùng vẫn sẽ có nhu cầu uống rượu bia sau giờ giới hạn bán, như vậy, nếu không được uống rượu bia hợp pháp, họ sẽ uống trái phép. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cũng dẫn đến việc giảm nguồn thu thuế.

Ý kiến của các cử tri đã được Đoàn ĐBQH TP tiếp thu, ghi nhận và cho biết sẽ tập hợp chuyển đến cơ quan soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

K.T