Báo Công An Đà Nẵng

Nhìn lại 2 năm thực hiện chính quyền đô thị ở Đà Nẵng

Thứ hai, 17/07/2023 06:45

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Ông Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng cho biết, ưu điểm rõ nét nhất sau khi triển khai mô hình CQĐT là bộ máy quản lý đô thị tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên (khoảng 40 tỷ đồng/năm), giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho dân. Ước tổng thời gian giảm của 89 nội dung phân cấp, uỷ quyền là 233 ngày. Ngoài ra, khi thực hiện mô hình CQĐT thì tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao; các khoản thu trên địa bàn quận, phường được chuyển về ngân sách TP quản lý đã tạo được nguồn lực lớn cho ngân sách TP chủ động cân đối triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Sau khi thực hiện mô hình CQĐT việc phân cấp, phân quyền diễn ra mạnh mẽ giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân.

Tuy vậy, ưu điểm nổi bật hơn cả sau khi thực hiện mô hình CQĐT là quá trình phân cấp, ủy quyền diễn ra mạnh mẽ hơn. Hiện Đà Nẵng đã phân cấp 16/18 nội dung, ủy quyền 73/73 nội dung của đề án. Nổi bật như HĐND TP phân cấp cho UBND TP được quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm C; Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho chủ tịch UBND quận được phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dân sinh có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng. Việc này đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án phục vụ cho đời sống dân sinh, được các địa phương đồng tình ủng hộ. Theo ông Tuấn, việc phân cấp ủy quyền bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực và địa bàn; đảm bảo một việc không quá 2 cấp quản lý. Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền còn đảm bảo tăng cường thẩm quyền, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, quản lý đất đai, quản lý tài chính, ngân sách và quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức...

Dự toán ngân sách phường phải qua 6 cửa

Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện mô hình CQĐT cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Cụ thể, khi không còn HĐND cấp quận (giảm 215 đại biểu), cấp phường (giảm 1.275 đại biểu) thì việc tiếp nhận ý kiến giữa người đại biểu dân cử với cử tri, người dân ít được sâu rộng hơn so với trước. Chưa kể, số người hoạt động chuyên trách ở HĐND quận, phường giảm 63 người, đồng nghĩa với việc dồn chức năng, đối tượng giám sát, nhiệm vụ lên HĐND TP rất nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Theo thường trực HĐND TP, trong thời gian đầu thực hiện mô hình CQĐT, việc chuyển cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế quận nhiều nơi đã phát sinh tư tưởng, tâm tư của cán bộ phường; có sự so sánh về chế độ, chính sách, chế độ công vụ so với công chức làm việc tại phường. Chưa kể, chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách phường, xã chưa đảm bảo như cán bộ, công chức trong khi chế độ làm việc và áp lực công việc lại như cán bộ, công chức phường, xã. Tại Đà Nẵng, số lượng công chức, viên chức nghỉ thôi việc theo nguyện vọng tương đối lớn (3 năm qua là 873 người), mà nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp, không đảm bảo được đời sống trong điều kiện chi phí sinh hoạt tương đối cao, áp lực quá tải công việc (do tinh giảm biên chế).

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khi thực hiện mô hình CQĐT mà các quận, phường đều phản ánh chính là cơ chế về tài chính, phải chuyển thành đơn vị dự toán ngân sách. Ông Lương Công Tuấn cho biết, khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT thì quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách (theo Luật Ngân sách) để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác đảm bảo an sinh xã hội như một cấp ngân sách. Thực tế quá trình điều hành trên địa bàn quận, phường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là xử lý vấn đề thiên tai, sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, chi phát sinh đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn bất khả kháng…nhưng không còn là cấp ngân sách nên không chủ động trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách ở khu dân cư, điều này dễ phát sinh sự bức xúc của người dân. Trong khi đó, quá trình xây dựng dự toán chi cho cả năm không thể bao quát hết nhiệm vụ, tình huống phát sinh thực tế trong quá trình quản lý nhà nước của một cấp chính quyền có một số nhiệm vụ chi nhưng không thể chi hết trong năm, nhưng không kết chuyển cho nhiệm vụ khác được; đồng thời việc điều chỉnh dự toán ngân sách theo quy định hiện nay không thể kịp thời.

Mặt khác, UBND quận, phường là đơn vị dự toán thì không còn nguồn dự phòng ngân sách theo Luật Ngân sách để chủ động chi cho công tác phòng, chống dịch và khắc phục hậu quả thiên tai… mà phải bị động chờ thời gian dài để thành phố phân bổ kinh phí. Ông Tuấn nói, quá trình xin dự toán ngân sách từ cấp phường lên phải qua 6 cửa mới có ngân sách chi thực hiện các nhiệm vụ, rất tốn thời gian, không chủ động trong xử lý công việc.

Cho đến nay, nhiều vướng mắc, phát sinh vẫn chưa được tháo gỡ đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả, tính ưu việt khi triển khai mô hình CQĐT ở Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH