Báo Công An Đà Nẵng

Nhìn lại 4 năm rạn nứt quan hệ Mỹ - Âu

Thứ bảy, 24/10/2020 16:00

Năm 2016, Thủ tướng Đức Angela Merkel gửi lời chúc mừng chiến thắng đến Donald Trump bằng một cảnh báo đặc biệt: bà chỉ hợp tác với ông chủ mới của Nhà Trắng với điều kiện ông tôn trọng các giá trị dân chủ. Mọi thứ không được cải thiện từ đó.

Từ trái qua- Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự các buổi lễ tại thủ đô Paris năm 2018.   Ảnh: AP

4 năm sau, các động thái chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump, thường được công bố bằng những dòng chữ viết hoa trên Twitter đã khiến không chỉ Đức mà nhiều quốc gia Châu Âu xa lánh. Tờ Dailysabah dẫn lời Sudha David-Wilp, một thành viên cao cấp xuyên Đại Tây Dương tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho rằng: “Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thực tế phải dựa trên sự hỗ trợ lẫn nhau”. Các chuyên gia cho biết, ngay cả khi người thách thức đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 3- 11, cũng sẽ không có sự hàn gắn thần kỳ nào trong mối quan hệ Mỹ -Âu, vốn đã bị rạn nứt nghiêm trọng trong 4 năm qua.

Các cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, hình ảnh Mỹ trong mắt người dân Châu Âu đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục, với chỉ 26% người Đức hiện có quan điểm thuận lợi về siêu cường số 1 thế giới này. Từ việc rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, cho đến việc áp thuế đối với sản phẩm thép và nhôm của các nước Liên minh Châu Âu (EU), và làm mất uy tín của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng thống Trump đã giáng một đòn vào chủ nghĩa đa phương, một cách tiếp cận được đánh giá cao của Châu Âu đối với những thách thức toàn cầu.

Đức, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch EU, là mục tiêu thường xuyên khiến ông Trump nổi giận, thường là do nước này không đạt được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO. Tổng thống Trump từng chỉ trích gay gắt các nước đồng minh trong NATO về việc này. Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO năm 2018, nhà lãnh đạo Mỹ đã thúc giục các nước cam kết chi 4% GDP cho quốc phòng, cao gấp đôi so với mục tiêu 2% hiện nay. Ngân sách quốc phòng là mâu thuẫn lớn giữa Mỹ với các nước Châu Âu. Từ lâu, ông Trump luôn cho rằng, Wasington phải chi quá nhiều để đảm bảo an ninh cho các đồng minh, trong khi các nước NATO không đảm bảo đủ ngân sách quốc phòng.

Và trên phương diện cá nhân cũng vậy, không có tình yêu nào giữa người phụ nữ quyền lực nhất Châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel, người sẽ rời nhiệm sở vào năm tới, và ông trùm bất động sản ở Nhà Trắng. Không giống như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã cố gắng thuyết phục ông Trump bằng một cuộc diễu hành quân sự và bữa tối rực rỡ trên tháp Eiffel trước khi mối quan hệ trở nên chai sạn, bà Merkel không bao giờ cố gắng xoa dịu người đồng cấp Mỹ. Mối quan hệ thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn vào tháng 6 sau khi bà Merkel từ chối lời mời tham gia sự kiện G-7 ở Washington viện dẫn mối lo ngại về dịch bệnh Covid-19. Ngay sau đó, ông Trump tuyên bố sẽ cắt giảm số lượng quân đội Mỹ đóng tại Đức.

Nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn có một số bạn bè ở lục địa già này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người có chung quan điểm chống người nhập cư, đang công khai ủng hộ ông tái đắc cử. Chuyên gia Justyna Gotkowska từ Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông cho biết, Ba Lan, quốc gia được hưởng lợi từ cuộc cải tổ quân đội của ông Trump, đã trải qua “một cuộc tái can thiệp của Mỹ” và nhất trí với việc Washington phản đối hệ thống đường ống Nord Stream 2 gây tranh cãi giữa Nga và Đức.

Và thêm một tác dụng phụ không mong muốn của cuộc hỗn loạn lần này là ngày càng nhiều người nhận ra rằng, Châu Âu đã nói và hành động nhiều hơn. Các cuộc tấn công của ông Trump cho thấy, Châu Âu đang tận dụng những gì Mỹ có để đóng góp nhiều hơn cho NATO và chấp nhận chia sẻ gánh nặng hơn trong các vấn đề an ninh. Có rất nhiều trở ngại phía trước đối với câu lạc bộ 27 thành viên này với những lợi ích khác nhau, đặc biệt là tình trạng hỗn loạn Brexit sắp xảy ra và các cuộc bầu cử đang đến gần ở các quốc gia thành viên quan trọng.

KHẢ ANH