Báo Công An Đà Nẵng

Nhìn lại bức tranh kinh tế Đà Nẵng 2019

Thứ sáu, 29/11/2019 08:33

Bên cạnh số ít điểm sáng thì bức tranh kinh tế Đà Nẵng 2019 đã bộc lộ nhiều lo ngại, đang đặt nhiều áp lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Mùa hè hoạt động du lịch trên bãi biển Đà Nẵng thu hút đông đảo du khách.

Ít điểm sáng

Một số điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Đà Nẵng 2019 có thể kể đến là tình hình thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, CNTT, du lịch. Từ đầu năm tới nay TP đã thu hút được hơn 8,6 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và gần 660 triệu USD vốn FDI, trong đó có một số dự án lớn như Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển Đà Nẵng tổng vốn 4.942 tỷ đồng, dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tổng vốn 170 triệu USD, dự án Mikazuki Spa & Hotel Resorts tổng vốn 100 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp được cấp phép cũng tăng hơn 4,5 ngàn DN (gần 23 ngàn tỷ đồng), đưa tổng số DN tại Đà Nẵng trên 30,4 ngàn (tổng vốn hơn 207 ngàn tỷ đồng). Như vậy, chỉ tính 2 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư vừa qua, Đà Nẵng có khoảng 10 ngàn DN mới được thành lập với tổng vốn đăng ký hơn 47,5 ngàn tỷ đồng. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh ở Đà Nẵng đang được cải thiện hấp dẫn hơn. Cũng trong năm 2019, một điểm sáng khác là tăng trưởng khá của ngành CNTT và truyền thông. Tổng doanh thu toàn ngành này đạt gần 30 ngàn tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm trước. Ngành du lịch cũng tạo ấn tượng về tổng lượng khách (khoảng 6,8 triệu, tăng 18%), doanh thu lưu trú ước đạt hơn 7,1 ngàn tỷ đồng (tăng 9,4%).

Ngoại trừ những điểm sáng đã nêu, kinh tế Đà Nẵng cũng đang bộc lộ những yếu tố đáng lo ngại. Chẳng hạn chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) trong năm chỉ tăng khoảng 4% trong khi kế hoạch tăng 7,2%. Theo phân tích, chỉ số IIP đạt thấp so với kế hoạch 3 phân ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn hiện nay gồm: sản xuất sắt thép, điện tử, xe có động cơ giảm mạnh so với năm trước. Cụ thể sản xuất sắt thép ước giảm 28% do 2 nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc dừng hoạt động; điện tử giảm 10% do Cty Foster Đà Nẵng cắt giảm sản xuất vì khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới; sản xuất xe có động cơ giảm 25% do Cty TCIE tạm dừng hoạt động để tập trung triển khai dự án đầu tư mở rộng; Cty Fujikura Automotive và một số DN sản xuất bộ phận, phụ tùng ô-tô cắt giảm sản xuất do thiếu lao động, thị trường xuất khẩu kém thuận lợi. Cũng vì những lý do đó kéo theo tình hình xuất khẩu thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (chỉ đạt 92% trong khi kế hoạch tăng 12-13%). Do những rào cản bảo hộ thương mại, cạnh tranh về giá, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên nhiều lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Đà Nẵng như giày da, thủy sản, may mặc, thiết bị điện… tăng thấp.

Một yếu tố đáng lo ngại khác với kinh tế Đà Nẵng chính là việc giải ngân vốn đầu tư chậm. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP cả năm ước đạt khoảng 40 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng 2,3% trong khi kế hoạch phải tăng từ 5-6%. Nguyên nhân việc giải ngân chậm do thủ tục quy định còn bất cập dẫn tới việc phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài. Bên cạnh đó việc lập và giao kế hoạch, bố trí vốn còn chậm, chưa sát thực tế; việc giải tỏa mặt bằng còn khó khăn do chính sách đền bù ở một số dự án chưa thỏa đáng, giá đất bồi thường cho dân thấp hơn thị trường. Có thể kể tới nhiều dự án trọng điểm hiện tiến độ giải ngân vốn còn thấp như Dự án phát triển bền vững Đà Nẵng tổng vốn đầu tư 7.610 tỷ đồng, năm 2019 thực hiện 576 tỷ đồng đạt gần 59% kế hoạch năm; dự án san nền khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân tổng vốn đầu tư 497,8 tỷ đồng, năm 2019 ước thực hiện trên 22 tỷ đồng đạt hơn 21% kế hoạch năm; dự án đê, kè biển Liên Chiểu (đoạn Xuân Thiều đến Nam Ô) tổng mức đầu tư 168 tỷ đồng hiện thực hiện đạt khoảng 36%...

Nhiều áp lực

Năm 2020 Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-9%, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,5%, tổng vốn đầu tư phát triển tăng 9-10%... là một áp lực rất lớn trong điều kiện phải đối mặt nhiều thách thức hiện nay. Nhìn vào ngành mũi nhọn du lịch, tuy lượng khách tăng cao (tăng 18%) nhưng doanh thu lưu trú tăng chưa tương xứng (tăng 9,4%), trong khi đây là ngành được TP đầu tư nguồn lực rất lớn. Điều này đặt ra dấu hỏi về tính bền vững, hoặc chất lượng du lịch Đà Nẵng quá thấp, thiếu dịch vụ đẳng cấp để giải trí, chi tiêu hoặc thất thu thuế. Nói gì thì Đà Nẵng cũng cần nâng cao chất lượng du lịch nhắm vào phục vụ đối tượng khách giàu có, chi tiêu cao thay vì chạy theo số lượng khách. Mà để thu hút được khách chất lượng, chịu chi tiêu thì đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ du lịch của Đà Nẵng phải nâng tầm đẳng cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế về đêm, giải tỏa những áp lực về hạ tầng như môi trường, giao thông, nước sinh hoạt. Hiện sân bay Đà Nẵng có 41 đường bay quốc tế trực tiếp tần suất 482 chuyến/tuần và 9 đường bay nội địa tần suất 649 chuyến/tuần đang trong tình trạng quá tải. Cảng Tiên Sa với dòng hàng hóa lưu thông bằng xe container tần suất dày đặc sẻ ngang trung tâm TP, luôn ám ảnh tai nạn giao thông với người dân, du khách. Đặc biệt, khu vực ven biển phía Đông, hạ tầng du lịch cơ bản của Đà Nẵng đang chịu áp lực lớn tắc nghẽn giao thông, thiếu bãi đậu xe, mùa hè cao điểm du lịch thì thiếu nước sinh hoạt, hệ thống thu gom nước thải chưa hoàn thiện dẫn tới nhiều  thời điểm mưa nước thải qua các cửa xả tràn ra biển gây ô nhiễm… Số lượng khách đông nhưng chất lượng khách không cao dẫn tới hạ tầng du lịch gánh áp lực quá tải lớn trong khi nguồn thu không tương xứng. Đây là bài toán khó, đặt ra nhiều thách thức với ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng.

Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững Đà Nẵng cần nhiều hơn những dự án đầu tư lớn về hạ tầng cơ bản, dịch vụ thương mại, công nghệ cao, CNTT… Tuy nhiên, quỹ đất lớn ngoài khu công nghiệp của Đà Nẵng hiện rất khan hiếm, đấu giá cao gây trở ngại lớn cho nhà đầu tư. Ngay cả các KCN của Đà Nẵng cũng đã lấp đầy, muốn thu hút đầu tư cần xây dựng các KCN mới song quy trình thủ tục, giải phóng mặt bằng tốn nhiều thời gian. Dưới góc độ các dự án hạ tầng quy mô lớn, mang tính động phát triển Đà Nẵng hiện thủ tục khá trầy trật, chưa thể kỳ vọng đóng góp vào tăng trưởng trong ngắn hạn. Đơn cử như các dự án cảng Liên Chiểu, Làng đại học, Di dời ga đường sắt dù được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, TP cũng có nhiều động thái tích cực song giờ vẫn còn loay hoay ở cơ chế, thủ tục. Dự án tuyến Tramway nối Đà Nẵng- Hội An mang tính động lực quan trọng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư, trong khi dự án khơi thông sông Cổ Cò vẫn đang nạo vét, một số điểm đang đền bù rất khó để hình thành sớm một tuyến du lịch, vận tải đường thủy. Dưới góc độ nhân lực cao, hiện các địa phương cạnh tranh gay gắt, Đà Nẵng chưa phải chỗ trũng, nơi có thu nhập cao, môi trường sống vượt trội để nguồn nhân lực chất lượng cao chảy về. Đây cũng là thách thức lớn trong thu hút các dự án về CNTT, CNC cần nhân lực chất lượng. 

Với thực trạng như vậy, triển vọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng  lúc này là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu CNC, Khu CNTT tập trung vốn đã có sẵn hạ tầng.

HẢI QUỲNH