Nhìn lại chương trình phát triển nhà ở của Đà Nẵng
Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đặt mục tiêu tới năm 2020 đạt 12 triệu m2 sàn nhà ở. Tuy vậy, đến nay mục tiêu này chưa đạt và đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là việc phát triển nhà ở xã hội, quản lý nhà chung cư...
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng kiểm tra dự án nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm. |
* Theo kế hoạch 5 năm tới Đà Nẵng sẽ phát triển hơn 11,3 triệu m2 sàn nhà ở, trên diện tích hơn 2,4 ngàn ha, tổng vốn hơn 101 ngàn tỷ đồng. Trong số đó, nhà ở thương mại được phát triển nhiều nhất với hơn 4,6 triệu m2 sàn, tổng vốn hơn 51,3 ngàn tỷ đồng. |
Chưa đạt mục tiêu nhà ở xã hội
Theo mục tiêu của Chương trình, trong 3 năm vừa qua Đà Nẵng phải phát triển khoảng 12 triệu m2 sàn nhà ở. Do đó, việc quy hoạch quỹ đất, cơ chế thúc đẩy các loại hình nhà ở, đặc biệt với nhà ở xã hội hết sức quan trọng. TP ưu tiên chọn quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, hạ tầng xung quanh hoàn chỉnh để kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội. Theo đó, ngoài 4 dự án chuyển tiếp có tổng diện tích gần 16 ha, TP đã chọn 15 vị trí mới với diện tích gần 60 ha để đầu tư nhà ở xã hội. Số liệu cho thấy, qua 3 năm đã có 10 dự án với 8,7 ngàn căn, tổng diện tích sàn khoảng 480 ngàn m2 được xây dựng. Năm 2020, dự kiến hoàn thành hơn 3,1 ngàn căn, tổng diện tích sàn gần 140 ngàn m2, vốn thực hiện trên 1,2 ngàn tỷ đồng. Tương tự, kế hoạch phát triển nhà ở thương mại dự kiến trên 2,4 triệu m2 sàn, trong thực tế đã đầu tư xây dựng 51 dự án thương mại, khu đô thị có nhà ở thương mại, trong đó có 28 dự án chuyển tiếp và 23 dự án mới. Đến hết năm 2020, dự kiến tại TP sẽ hoàn thành hơn 8,6 ngàn căn, tổng diện tích sàn hơn 1,3 triệu m2, vốn thực hiện khoảng 11,5 ngàn tỷ đồng.
Với các loại hình nhà ở khác đều phát triển vượt mục tiêu theo Chương trình phát triển nhà ở của TP đến năm 2020. Cụ thể với nhà ở hỗ trợ người có công đạt 89/53 ngàn m2 (166%). Tổng cộng hơn 5,4 ngàn hộ gia đình có công đã được hỗ trợ nhà ở, tổng vốn 176 tỷ đồng. Về nhà ở tái định cư, theo chương trình không phát triển các dự án nhà ở tái định cư riêng biệt mà kết hợp giữa việc bồi thường bằng đất ở, bồi thường bằng tiền để người dân tự lo chỗ ở (tự xây dựng nhà ở trên đất ở hợp pháp, mua nhà ở thương mại) và bố trí thuê mua nhà ở xã hội. Tuy vậy, do phát sinh nhu cầu thực tế nên TP đã đầu tư dự án Chung cư phục vụ tái định cư dự án khu vực cống thoát nước Khe Cạn giai đoạn 1 với 160 căn hộ, tổng diện tích sàn hơn 10,3 ngàn m2, tổng mức đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Về phát triển nhà ở tự xây, mục tiêu hơn 9,2 triệu m2 sàn, trong thực tế các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng (tại các khu dân cư hiện hữu và các dự án phát triển đô thị có chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở) tăng thêm khoảng 9,6 triệu m2, vốn thực hiện trên 53,2 ngàn tỷ đồng.
Như vậy, so với mục tiêu 12 triệu m2 sàn thì tới nay TP mới hoàn thành hơn 11,2 triệu m2, tổng vốn hơn 66,2 ngàn tỷ đồng, đạt 92%. Sở dĩ diện tích nhà ở thấp hơn mục tiêu chủ yếu do nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đạt tỷ lệ phát triển thấp. Chẳng hạn nhà ở xã hội mới hoàn thành 140/389 ngàn m2, nhà ở thương mại hoàn thành 1,3/2,4 triệu m2. Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân chủ yếu vì một số dự án chậm tiến độ hoặc dừng triển khai do có vi phạm trong quá trình giao đất, triển khai dự án hoặc phải rà soát lại trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai theo Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ (giao đất khi chưa lập dự án đầu tư, giảm tiền sử dụng đất 5%, 10% ...).
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có xu hướng sụt giảm từ giữa năm 2019 đến nay và tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản và tiến độ triển khai các dự án. Đối với nhà ở thương mại, các dự án xây dựng nhà ở để bán rất khó tiêu thụ sản phẩm do người dân TP có xu hướng mua đất nền để tự xây dựng nhà ở. Nhiều khu nhà liền kề đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa có người dân đến ở gây lãng phí tài sản xã hội, điều này dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư dự án khu đô thị thường đề xuất phân lô bán nền trừ khu vực bắt buộc phải xây dựng nhà để bán.
Kế hoạch 5 năm tới Đà Nẵng phát triển hơn 9,6 ngàn căn nhà ở xã hội. |
Phải siết chặt quản lý
Để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở, TP đã cải thiện nhiều thủ tục, qui trình xây dựng, quản lý các dự án nhà ở. Chẳng hạn TP đã phân cấp cho quận, huyện được thẩm định, cấp phép công trình nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng. Riêng với các dự án nhà ở công nhân, Sở Xây dựng thực hiện việc rút ngắn thời gian thẩm định và miễn chi phí thẩm định hồ sơ quy hoạch, thiết kế và cấp phép xây dựng, tạo thuận lợi để chủ đầu tư triển khai dự án. Đặc biệt, để giúp người dân có thể tiếp cận mua, thuê nhà ở xã hội, TP đã hỗ trợ cho vay hơn 665 trường hợp với số tiền trên 260 tỷ đồng. Ngoài ra, với nhu cầu mua nhà ở xã hội tăng cao, TP đã thực hiện chủ trương thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để tái đầu tư. Theo đó, đã thí điểm bán 846 căn hộ chung cư tại KDC Làng cá Nại Hiên Đông, Phong Bắc và Đại Địa Bảo, thu về hơn 320 tỷ đồng. Việc thí điểm bán chung cư không chỉ tạo điều kiện cho người dân hưởng chính sách nhà ở xã hội, ổn định cuộc sống mà còn tạo nguồn thu để thi công hoàn thành các dự án nhà ở xã hội do TP đầu tư đang thi công dang dở. Đây cũng là giải pháp tạo thêm nguồn cung nhà ở xã hội, tăng cường hiệu quả chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn TP.
Tuy vậy, bên cạnh phát triển nhà ở thì việc bố trí, quản lý, sử dụng các dự án nhà ở cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, nổi lên là tình trạng cấp sai đối tượng nhà ở chung cư do TP đầu tư. Qua thanh tra, TP đã thu hồi 77 căn hộ và sẽ tiếp tục thu hồi thêm 132. Thậm chí, ngay cả dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, qua thanh tra TP cũng phát hiện nhiều vi phạm trong xét duyệt, quản lý và sử dụng. Nổi bật như tại chung cư An Trung 2 (Q.Sơn Trà), sau thanh tra đã yêu cầu xử lý 80 trường hợp sai phạm, xử lý một số cá nhân của Sở Xây Dựng. Tương tự với dự án nhà ở xã hội Khu dân cư Mân Thái, sau thanh tra đã xử phạt chủ đầu tư, xử lý 135 trường hợp người mua nhà chưa được cấp giấy chứng nhận.
HẢI QUỲNH