Báo Công An Đà Nẵng

Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Thứ năm, 05/06/2014 10:31

(Cadn.com.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã kết thúc. Bên cạnh mặt được của kỳ thi thể hiện ở cách ra đề thi bám sát chương trình học, có tính thời sự, thực tiễn cao, tránh hiện tượng học “tủ”, học “vẹt”... cũng có nhiều dư luận trong cách tổ chức thi năm nay.

Mặc dù đến thời điểm này, cả nước chưa phát hiện có sự cố đáng tiếc nào xảy ra từ việc tổ chức thi các môn tự chọn theo 2 ca trong một buổi thi, nhưng nhìn vào số liệu thống kê từ hội đồng thi (HĐT) đến phòng thi, số lượng thí sinh (TS) đăng ký dự thi các môn tự chọn, có thể thấy, có quá nhiều sự bất cập trong cách tổ chức thi.

Chỉ riêng tại Đà Nẵng, trong môn thi tự chọn Lịch Sử, có HĐT chỉ có 3 TS; môn tự chọn Ngoại ngữ, có HĐT chỉ có 11 TS. Trong khi đó, việc bố trí giám thị coi thi vẫn thực hiện đúng quy chế: số phòng thi x 2,8. Đó là chưa kể đến đội ngũ lãnh đạo các HĐT, thư ký HĐT, nhân viên y tế, lực lượng CA làm nhiệm vụ coi thi vẫn phải đảm bảo đúng như một HĐT...

Điều này không chỉ gây tâm lý ức chế cho TS trong quá trình làm bài thi mà còn tạo ra sự lãng phí không đáng có. Trong môn thi tự chọn cuối cùng, phải đến hơn 12 giờ trưa, TS mới rời khỏi HĐT, ra về giữa trời nắng gay gắt...

Kết thúc môn thi cuối cùng, TS ra về giữa trời nắng chang (hơn 12 giờ trưa).

Dù TS chỉ thi 4 môn, nhưng trên thực tế, bộ phận ra đề thi và bộ phận coi thi phải làm việc với 8 môn thi (2 môn thi bắt buộc là Toán- Văn, 6 môn thi tự chọn). Điều này cũng đồng nghĩa với việc chi phí cho kỳ thi không hề giảm đi. Cụ thể có thể thấy rõ nhất ở đây đó là, chi phí trả cho công tác ra đề thi phải tăng từ 6 môn lên 8 môn thi...

Qua tìm hiểu, được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, số TS dự thi ở Đà Nẵng giảm so với năm 2013 khoảng 1.000 TS. Thế nhưng, nguồn kinh phí  cho toàn bộ kỳ thi này lại không hề giảm. (Dù số buổi thi giảm xuống còn 5 so với 6 buổi như trước đây, môn thi giảm từ 6 môn xuống còn 4 môn). Đó là một nghịch lý cần được nghiêm túc xem xét...

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi nghe không ít lời bàn ra, tán vào của các phụ huynh có con em thi tốt nghiệp năm 2014. Nhiều người than trời vì phải bỏ dở công việc để chở con đến HĐT hoặc chở con đi thi về, bởi trong các buổi có môn thi tự chọn, có ca đến gần 10 giờ 30 sáng, lại có ca đến hơn 15 giờ 30 chiều mới bắt đầu phát đề làm bài thi. Sự lắc nhắc, rối rắm về thời gian ấy khiến không ít phụ huynh cảm thấy mệt mỏi, phiền hà...

Ai cũng biết trong thi cử hẳn nhiên phải có áp lực. Thi cử là để phân loại học lực của TS, từ đó biết chất lượng dạy-học để có sự chỉnh đốn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục... Tuy nhiên, trong những năm qua, với tỉ lệ TS đỗ tốt nghiệp THPT đạt gần như ở con số tuyệt đối, dư luận cho rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT không giải quyết được vấn đề gì, chỉ gây tốn kém, lãng phí không cần thiết cho toàn xã hội, gây ức chế tâm lý cho HS và cả phụ huynh.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ GD-ĐT nên nghiêm túc ngồi lại đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế trong việc vội vàng thay đổi phương thức tổ chức kỳ thi tốt nghịêp THPT năm nay, đồng thời cần có một kế sách, chiến lược mang tính khoa học, dài hơi đối với vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện, không nên cứ “nước đến chân mới nhảy”, điển hình như việc thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT năm 2014 khiến dư luận bất bình...

P.T