Nhìn lại những bước đi để lật ngược tình thế (Bài 2: Lùi một bước để tiến xa hơn)
BV Đà Nẵng trở thành "tâm điểm" Covid-19 khi xuất hiện nhiều ca nhiễm có liên quan cả bên trong và bên ngoài BV. Và trong khi "cuộc chiến" ngày càng gian khó, ngành y và lãnh đạo thành phố đưa ra chủ trương tạm thời "rút quân", thực hiện phương châm "chia nhỏ để trị" và chủ động thành lập những "cứ điểm".
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng động viên y bác sĩ tại BV dã chiến Hòa Vang. |
Những cuộc "di tản"
BV Đà Nẵng trở thành "Bạch Mai thứ hai" nhưng với quy mô và độ phức tạp lớn hơn. Ngành y tế TP ngay lập tức tổ chức các đoàn xe đưa các nhân viên y tế của BV Đà Nẵng đến các khách sạn bên ngoài cách ly tập trung để giảm tải. Có khoảng hơn 1.000 y bác sĩ và 800 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân được đưa đến các địa điểm cách ly mới để BV Đà Nẵng được giãn cách.
Cùng với đó, 11 ca nhiễm SARS-CoV-2 có bệnh lý nền nặng cũng được tính toán chuyển ra BV Trung ương Huế cơ sở 2 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) chữa trị. Xuyên đêm, nhiều chuyến xe cấp cứu 115 được lệnh vượt hầm Hải Vân. "Trước hết là hệ thống y tế phải "chia lửa" với Đà Nẵng, không phân biệt giữa địa phương với Trung ương, giữa địa phương với địa phương", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo trong một cuộc họp trực tuyến với các BV về công tác phòng chống dịch bệnh.
Ngày 31-7, thành phố lập 8 chốt kiểm soát ở cửa ngõ thành phố nhằm ngăn dịch lây lan ra ngoài. Nỗ lực này cũng khiến khoảng 10.000 người mắc kẹt lại Đà Nẵng. Ngày 11-8, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 là 389 ca, 15 ca tử vong. Đà Nẵng tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần 2. Tình hình dịch vẫn chưa có dấu hiệu kiểm soát, Đà Nẵng quyết định xin phép Thủ tướng cho mở chuyến bay chở du khách bị mắc kẹt trở về nhà. Trưa 12-8, những chuyến bay đầu tiên cất cánh đưa gần 1.500 du khách mắc kẹt tại Đà Nẵng về lại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sau đó, những địa phương như Quảng Ngãi, Đắk Nông, Quảng Bình... cũng tổ chức hàng chục chuyến xe đưa hàng ngàn công dân trở về theo nguyện vọng.
Những cuộc "di tản" bất đắc dĩ được giám sát chặt chẽ cả chiều đi và chiều đến góp phần giảm gánh nặng cho thành phố hơn 1,1 triệu dân. Nhờ những nước đi này, áp lực từ các vấn đề khác như dân sinh, nhân đạo, an ninh trật tự... cũng có điều kiện được giải quyết ổn thỏa. "Lửa" được chia, chính quyền và người dân Đà Nẵng yên tâm tập trung nguồn lực để chiến đấu với dịch bệnh tốt hơn.
BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn được xây dựng "thần tốc" trong 72 giờ. |
Lập "cứ điểm" mới để chống dịch
"Giả sử Đà Nẵng là một chiến trường thì khi mình tạm thua ở chiến trường này, phải lui về cứ điểm khác, không cho nó lan rộng ra quá nhiều nơi. Mình phải lập chiến địa mới để chiến đấu", Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Phó khoa Hồi sức Tích cực, BV Bạch Mai phân tích. Từ đây, "chiến trường" Đà Nẵng được "bài binh bố trận" lại. Trung tâm y tế huyện Hòa Vang và BV Phổi Đà Nẵng được "chọn mặt gửi vàng" để xây dựng hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sau ngày 31-7, Trung tâm y tế Hòa Vang bắt đầu "lột xác", trở thành một BV dã chiến. Từ cơ sở y tế tuyến huyện hạng 3, Trung tâm được sửa chữa, nâng cấp trở thành đơn vị ngang tuyến Trung ương hạng 1. Trong vài ngày, 200 giường bệnh để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, 14 máy chạy thận, 12 máy thở, 2 phòng ICU (săn sóc tích cực)... được huy động và lắp đặt nhanh chóng. Các y, bác sĩ được tập huấn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và cả tâm lý. Họ lao vào "trận chiến" giáp lá cà với Covid-19. "Việc BV dã chiến Hòa Vang nâng cao năng lực chuyên sâu là một dấu hiệu đáng mừng, có thể mở ra một xu thế mới trong tương lai về chăm sóc, điều trị bệnh nhân liên quan đến các bệnh lý truyền nhiễm", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Cùng lúc, BV Phổi Đà Nẵng được giao cho đoàn công tác của BV Chợ Rẫy phụ trách, chữa trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và hồi sức. Cũng chỉ trong 5 ngày, Khoa Hồi sức tích cực của BV Phổi Đà Nẵng trở thành một cơ sở có các phòng ICU đạt tiêu chuẩn với đầy đủ thiết bị từ máy theo dõi, máy thở đến máy ECMO, hệ thống oxy khí nén... Khi "hỏa lực" là máy móc, thiết bị được trang bị tối tân, các "cứ điểm" bắt đầu "phản công", lần lượt nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính. Đỉnh điểm có ngày 31 ca nhiễm được BV dã chiến Hòa Vang chữa khỏi và cho xuất viện.
Ngoài 2 cơ sở trên, BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn cũng được gấp rút thi công làm phương án dự phòng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu hơn. "Cứ điểm phòng thủ" này được thần tốc xây dựng trong 72 giờ, lắp đặt 284 giường bệnh và có khả năng nâng cấp với quy mô 700 - 1.000 giường bệnh. Thiết lập kỷ lục về quy mô số giường và thời gian xây dựng nhưng đến nay, BV dã chiến Tiên Sơn đã chưa phải dùng đến. Một sự "lãng phí" mà cả Đà Nẵng và người dân cả nước đều... vui mừng.
Từ ngổn ngang trăm mối, dần dần những "cứ điểm" tấn công và phòng thủ đã cứu cánh và phát huy hiệu quả. Chấp nhận lùi lại một bước để có thời gian và không gian bố trí lại "trận địa", quyết định đúng đắn này đã góp phần to lớn để Đà Nẵng chiến thắng dịch bệnh.
MAI VINH
Bài 3: Giải bài toán nhân lực cho "chiến trường"