Báo Công An Đà Nẵng

Nhìn từ các vụ bạo hành trẻ: Khi giáo dục mầm non chưa thực sự đảm bảo

Thứ tư, 29/11/2017 10:43

Việc quá tải ở các trường mầm non hiện nay đã buộc nhiều phụ huynh tìm đến các nhóm trẻ, trường tư thục gửi con. Tuy nhiên, những cơ sở này lại tiềm ẩn nguy cơ cao về tính an toàn cho trẻ. Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ bị phanh phui nhưng có cách gì để giải quyết vấn đề tận gốc?

Vẫn còn rất nhiều đứa trẻ thiếu may mắn, chưa được học tập trong điều kiện đảm bảo như thế này (ảnh minh họa)

Thiếu lớp cho trẻ ở các khu công nghiệp

Có thể thấy, điểm chung ở các trường hợp trẻ bị bạo hành là do cha mẹ ít có điều kiện chăm sóc con cái nên trao niềm tin vào các nhóm trẻ, trường tư thục. Đơn cử như trường hợp trẻ bị giáo viên “hành hạ” tại trường mầm non Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh) khiến dư luận dậy sóng những ngày qua, hầu hết cha mẹ đều làm công nhân may nên bận rộn từ sáng đến tối. Các bé được gửi đi học từ sáng đến tối mịt, vì vậy khi trẻ có biểu hiện lạ cha mẹ cũng không có thời gian lưu tâm, phát hiện kịp thời. Đây là tình trạng chung của rất nhiều địa phương khác.

6 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Mai (27 tuổi) đã tất bật đưa 2 đứa con (một cháu 5 tuổi, một cháu 3 tuổi) đi ăn sáng để kịp đến trường cách đó 8km. Là công nhân may của Cty Sedo Vinako (H. Duy Xuyên, Quảng Nam), chị Mai đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến tối mịt. Chồng làm cơ khí tận TP Đà Nẵng, ông bà nội lại bận bịu nên việc chăm sóc con cái đều do một tay chị, dù công việc của một công nhân may hết sức bận bịu. “Bình thường, 7 giờ sáng tôi phải có mặt ở Cty để 7 giờ 30 là vào ca. Dù gia đình có việc thì cũng không đi trễ được dù chỉ 1 phút. Buổi chiều sớm nhất thì 6 giờ chiều tôi về đến nhà. Những ngày cuối năm này tăng ca liên tục nên có hôm 8 giờ tối tôi mới đến nhà. Nói thật, làm công nhân như thế này thời gian cơ bản cho mình còn không có huống hồ con cái”, chị Mai tâm sự.

Bận mưu sinh nên việc ăn uống ngủ nghỉ của con, chị Mai đều giao cho một trường mầm non tư thục gần Cty. “Là mẹ nhưng tôi không lo lắng gì được cho con, nhiều lúc buồn lắm. Từ khi 6 tháng hết thai sản, tôi đã gửi cháu đi trẻ rồi. Nhiều khi con đau ốm mà mẹ thì không xin nghỉ làm được nhưng biết làm thế nào đây? Những ngày qua, báo đài đưa tin trường mầm non bạo hành trẻ tôi vô cùng lo lắng, nhưng bất lực. Bây giờ không đi làm ở nhà ôm con thì lấy gì mà sống?”, chị Mai lo lắng.

Nỗi niềm của chị Mai cũng là tâm tư của những phụ huynh đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Không có trường đảm bảo, nhiều phụ huynh phải gửi con cho các nhóm trẻ, kể cả những nhóm trẻ không phép để được đi làm, dù biết những cơ sở này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho con. Hiểu được bất cập này nhưng các địa phương vẫn khó quản lý, bởi cung không đủ cầu. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Nam, tính đến tháng 5-2017, toàn tỉnh có 267 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 236 trường công lập và 31 trường mầm non tư thục đã được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, hiện có 12 trường mầm non tư thục đã có quyết định thành lập nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động do đang còn trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 2.987 nhóm, lớp mầm non, mẫu giáo, trong đó có 563 nhóm trẻ tư thục và 101 lớp mẫu giáo tư thục. Đến nay còn 177 nhóm trẻ tư thục không có giấy phép hoạt động. Điển hình như Phòng GD-ĐT H. Núi Thành, dù được đánh giá là địa phương làm tốt công tác quản lý hoạt động giáo dục mầm non ngoài công lập, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều nhóm trẻ tư thục chưa được cấp phép. Đến ngày 5-4-2017, toàn H. Núi Thành có 63/118 nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động. Hoặc như thị xã Điện Bàn - nơi có cụm công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, có 21 trường mầm non tư thục, 73 nhóm trẻ nhưng vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Để phục vụ cho nhu cầu của công nhân, nhiều nhóm trẻ “chui” vẫn mọc lên bất chấp qui định. Và các công nhân ở đây cũng phải nhắm mắt liều mình gửi con để mưu sinh.

Nói về tình trạng thiếu trường mầm non cho con em công nhân, ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là vấn đề thường trực. Theo ông Chương, hướng giải quyết lâu dài nhất vẫn là việc xã hội hóa giáo dục mầm non, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp tập trung đông công nhân. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đầu tư xây dựng trường mầm non ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, gồm 8 phòng học với 35 trẻ/phòng khi đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, trong dự án nhà ở cho công nhân cũng có mục xây dựng nhà trẻ, nhóm trẻ. Điều này sẽ giải quyết một phần nào đó nhu cầu cho con em công nhân. Như thế, con em công nhân lao động được gửi ở nơi an toàn, cha mẹ yên tâm sản xuất.

Giờ ngủ trưa của các bé mầm non. 

Bất lực tình trạng thiếu giáo viên mầm non

Không chỉ thiếu trường cho trẻ mà thực tế có những nơi có trường nhưng lại thiếu giáo viên mầm non. Tình trạng 1 giáo viên phải trông nom hàng chục cháu cả ăn, ngủ, tắm rửa không phải là hiếm. Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), PV ghi nhận tình trạng thiếu giáo viên ở mức báo động. Đơn cử như vào đầu năm học 2017-2018 vừa qua, Trường Mầm non Sơn Ca (P. Tân Thạnh) không thể nhập học cho 50 học sinh trong độ tuổi mầm non. Cô Lê Thị Thúy Dưỡng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca cho biết, trường đề xuất với UBND TP Tam Kỳ tuyển sinh 20 lớp mầm non trong năm học 2017-2018 nhưng chỉ được thông qua tuyển sinh 15 lớp cho các cháu có hộ khẩu trên địa bàn. Điều này đã dẫn đến việc năm học bắt đầu nhưng vẫn có 2 lớp gồm 50 cháu không đi học được. Tình thế bắt buộc TP Tam Kỳ phải chuyển giáo viên trường khác về dạy tạm tại trường Sơn Ca; đồng thời cho kèm thêm 5 cháu/lớp để kịp năm học.

Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ cho biết, thiếu giáo viên là thực tế chung của các trường học trên địa bàn Tam Kỳ suốt nhiều năm qua. Trước tình trạng này, phòng đã đề nghị Phòng Nội vụ tham mưu UBND TP Tam Kỳ cho quyết định để các trường mầm non được tuyển giáo viên theo hợp đồng ngắn hạn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Chủ trương của UBND tỉnh là chỉ có giáo viên được biên chế mới dạy học ở cấp mầm non. Dù thiếu giáo viên mầm non và mong muốn các cháu trong độ tuổi mầm non đều được đến trường nhưng thành phố không thể đi ngược lại quy định. Hiện nay, UBND TP Tam Kỳ đã đệ trình lên UBND tỉnh Quảng Nam về nhu cầu cần 22 giáo viên bậc mầm non và chờ kết quả thi tuyển công chức, viên chức trong thời gian tới để tỉnh có thể bố trí giáo viên về giảng dạy ở cấp mầm non.

Chỉ một lát cắt trong bức tranh giáo dục mầm non đã cho thấy biết bao nhiêu bất cập khi giáo dục cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Để rồi, khi cung không đủ cầu, trẻ em vẫn còn bị gửi đến những điểm trường không đảm bảo với những giáo viên không có trình độ chuyên môn, không có lòng yêu trẻ. Đã đến lúc cả cộng đồng cần phải chung tay để các em được học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh và chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ nhức nhối suốt thời gian qua.

ĐỒNG DAO