Nhìn từ khủng hoảng di cư ở Châu Âu
(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến II chính là phép thử quan trọng đối với khả năng ứng phó của Châu Âu cũng như sẽ giúp tái định hình bức tranh chính trị lục địa già.
Thực tế cho thấy, các nước Liên minh Châu Âu (EU) đang chạy đua với thời gian để giải bài toán này, đề ra chính sách toàn diện, trong đó mỗi quốc gia thành viên sẽ cùng chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người di cư bằng hạn ngạch bắt buộc. Nhưng giới phân tích cho rằng, trong điều kiện khác nhau của mỗi quốc gia EU, cả về chính trị và kinh tế, việc thiết lập hạn ngạch này xem ra khá khó khăn.
Người di cư Syria đến Châu Âu trên những con thuyền ọp ẹp như thế này. Ảnh: Time |
Đức đang mở toang cửa đón người di cư, đặc biệt là người Syria. Thủ tướng Angela Merkel thậm chí ra tuyên bố rất “tự hào và biết ơn” khi thấy hầu hết người dân Đức đều nồng nhiệt chào đón người tị nạn. Chiến thắng dành cho người di cư cũng chính là chiến thắng cho cả Đức. Khi dân số đang già đi nhanh chóng, một dòng chảy hàng trăm ngàn lao động mới sẽ rất cần thiết cho nền kinh tế Đức. “Hầu hết những người tị nạn còn trẻ, có học, và có động lực làm việc rất cao”, Time dẫn lời Dieter Zetsche, Chủ tịch Daimler AG, hãng sản xuất ô-tô Mercedes-Benz, nhận định. Và theo ông, “đó chính là những người chúng tôi đang tìm kiếm”.
Nhưng các nước EU khác không có được lợi thế như Đức. Dân số của họ vẫn đang phát triển chóng mặt và nền kinh tế đang tụt dốc. Một số quốc gia đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ ở trong nước khi tiếp nhận người di cư đến từ các quốc gia Hồi giáo. Khi thuyết phục cả Châu Âu cùng chia sẻ gánh nặng này, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, chỉ ra rằng, “Châu Âu là một lục địa, nơi hầu hết mọi người đã từng là một người tị nạn”. Và vì thế, theo ông, “Chúng ta, những người Châu Âu nên biết và không bao giờ quên mất lý do vì sao chấp nhận người tị nạn và tuân thủ các quyền cơ bản là rất quan trọng”.
Mỹ và các quốc gia có biên giới với Mỹ không trực tiếp đối mặt thách thức từ làn sóng người di cư này. Tuy nhiên, là một nước lớn, Mỹ phải sẵn sàng cam kết và đón nhận nhiều người tị nạn hơn nữa. Trước áp lực và chỉ trích liên tiếp từ cộng đồng quốc tế, Tổng thống Barack Obama hôm 11-9 tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận ít nhất 10.000 người tị nạn Syria trong tài khóa 2016, so với 1.500 của năm 2015. Nhà Trắng tuyên bố, con số nói trên phản ánh “một sự gia tăng đáng kể” trong cam kết của Mỹ đối với việc tiếp nhận những người tị nạn, song nhấn mạnh, an toàn và an ninh của Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu khi Washington tính tới việc tiếp nhận thêm người tị nạn.
Nhiều người đổ lỗi cho chính sách của các nước Châu Âu đối với Syria đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Và vì vậy, lục địa già phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với những người tị nạn Syria. Trước tiên, một cơ chế nhập cư mới và có trật tự phải được thiết lập, duy trì và phải ưu tiên cho những người đang thực sự chạy trốn nguy hiểm. EU ước tính, 2 trong số 3 người di cư đủ điều kiện được cấp quyền tị nạn. Những người di cư đến Châu Âu chỉ để tìm kiếm một cơ hội kinh tế tốt hơn, cuối cùng, có thể sẽ phải hồi hương.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục các nỗ lực tập trung khuyến khích một chính phủ ổn định và hòa bình ở các nước Trung Đông và Châu Phi để người tị nạn có thể vui vẻ trở về nhà. Cho đến lúc đó, EU, với dân số nửa tỷ người, sẽ dễ thở hơn trong việc tiếp nhận hàng trăm ngàn người mới đến. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng cũng không phải là bất khả thi.
Khả Anh