Báo Công An Đà Nẵng

Nhìn từ Kỳ thi THPT quốc gia 2017

Thứ hai, 26/06/2017 10:45

(Cadn.com.vn) - Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã chính thức khép lại vào sáng 24-6 với phần làm bài thi tổ hợp môn khoa học xã hội 150 phút. Dưới đây là những điều nhìn từ kỳ thi quan trọng này.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được đánh giá thành công, an toàn, đúng quy chế và đặc biệt gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh cùng gia đình. Ảnh: P.THỦY

Số thí sinh bị đình chỉ thi giảm

Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, có thể thấy, mặt được lớn nhất chính là sự giảm chi phí, tốn kém tiền của cho gia đình và xã hội; giảm tải được tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn khi không phải đón hàng ngàn lượt TS từ các nơi đổ về dự thi như những năm trước đây. Cùng với việc ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm với các mã đề thi khác nhau ở 2 bài thi độc lập (Toán - Ngoại ngữ), 2 bài thi theo tổ hợp môn: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội (KHTN, KHXH) đã phần nào làm hạn chế tình trạng quay cóp, trao đổi bài và các tiêu cực khác trong phòng thi. Con số chỉ có 72 TS của cả nước bị đình chỉ thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã phần nào nói lên được điều này (Cụm thi số 4 Đà Nẵng, có 4 TS bị đình chỉ thi với cùng một lý do mang ĐTDĐ vào phòng thi). Năm 2016, số TS bị đình chỉ thi của cả nước là 328 TS...

Đề thi - còn đó sự trăn trở

Ngay sau khi kết thúc đề thi môn Văn, dư luận và cộng đồng mạng xôn xao tranh cãi phần đọc hiểu (3 điểm) về sự thấu cảm và lòng trắc ẩn của đoạn văn trích “Thiện, ác và Smartphone” của Đặng Hoàng Giang (NXB Hội Nhà văn, 2017, tr275). Phần lớn chê nhiều hơn khen. Hãy khoan bàn đoạn văn trích đó hay hay dở, từ “thấu cảm” là từ ghép chủ quan trong giao tiếp nên không phải ai cũng hiểu, hãy nói đến mục đích của phần thi này là gì? Mục đích của phần thi này là thông qua việc đọc hiểu trích đoạn sẵn có trong đề thi, TS trả lời 4 câu hỏi nhỏ gồm: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Theo tác giả (chứ không phải theo TS), thấu cảm là gì? Hãy nhận xét hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích. Hãy nêu quan điểm của TS (và vì sao) có đồng tình hay không về ý kiến của tác giả (trong đoạn trích) khi cho rằng “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”. Như vậy, mục đích của phần đọc hiểu là yêu cầu TS phải đọc kỹ đoạn trích để trả lời các câu hỏi nêu trên. Với trình độ kiến thức lớp 12, những câu hỏi theo yêu cầu trong phần đọc hiểu thiển nghĩ là không khó, nếu không muốn nói là quá dễ (trừ câu 4 nhỏ, tùy thuộc vào trình độ thẩm thấu, nhận định và khả năng diễn đạt của mỗi TS). Bởi lẽ, câu trả lời nằm ngay trong văn bản chứ không ngoài văn bản, không hề đánh đố TS.

Riêng với câu 2 điểm ở phần làm văn (phần này có 2 câu, một câu 2 điểm và 1 câu 5 điểm) yêu cầu trên cơ sở đoạn trích của phần đọc hiểu TS hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Cứ cho rằng cách giải thích “thấu cảm” của tác giả là chủ quan “khó thấu cảm” đi chăng nữa, thì bằng sự thẩm thấu văn bản, TS vẫn có thể trình bày quan điểm, suy nghĩ riêng mình về vấn đề này. Xét cho cùng, mục đích mà phần thi này nhắm tới là muốn tránh hiện tượng học văn mẫu, văn tủ. Thế nên, từ văn bản (có thể hay, dở, chuẩn hay chưa chuẩn) để buộc TS vận dụng những kiến thức đã học về văn nghị luận cùng sự hiểu biết và cảm nhận cuộc sống của riêng mình để trình bày ý nghĩa của sự thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia. Đấy mới chính là đích thực của việc dạy-học Văn.

Trước những tranh cãi trên cộng đồng mạng, một TS ở Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đã bày tỏ quan điểm: “Em không hiểu tại sao cứ tranh cãi mãi từ “thấu cảm”? Điều quan trọng là thông qua đoạn trích này, các bạn hiểu văn bản đó như thế nào để trình bày quan điểm của mình. Nếu các bạn không đồng ý hãy bày tỏ quan điểm của mình. Đoạn trích này là dạng văn nghị luận, nên người đọc có quyền đồng ý hay không đồng ý. Với riêng em, em hiểu từ thấu cảm là từ ghép của thấu hiểu và cảm thông để từ đó mà có sự chia sẻ”. Đồng quan điểm, nhiều TS ở Đà Nẵng cũng cho rằng phần đọc hiểu hay và rất thực tế, mang tính thời sự. Bởi thời đại công nghệ số bùng nổ, không ít người sống ảo, nhất là các bạn trẻ, ngoài giờ học giam mình trong bốn bức tường với chiếc máy tính, ít giao tiếp với thế giới xung quanh nên kỹ năng sống hạn chế, thiếu hiểu biết xã hội, thiếu sự đồng cảm, thấu cảm nên sống vị kỷ và ích kỷ hơn.

Thế nên, dù có tranh cãi, nhưng phần đọc hiểu phần nào cũng đã thành công trong việc tránh hiện tượng dạy học văn mẫu. Qua đó cũng cho thấy lỗ hỏng trong văn hóa đọc của một bộ phận người hiện nay.

Cũng liên quan đề thi, việc xảy ra lỗi ở 7 mã đề của môn Vật lí trong tổ hợp môn KHTN lại là một điều cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm, dù rằng Bộ GD-ĐT đã kịp thời phát hiện và bổ sung phần đính chính kèm theo ngay khi phát đề thi môn. Dư luận xã hội phản ứng về vấn đề này là không sai, bởi lẽ khâu ra đề thi vô cùng quan trọng ảnh hưởng không ít đến tâm lý của TS cũng như của người nhà có TS dự thi...

Với cách ra đề “bám sát kiến thức cơ bản, chương trình SGK” phổ điểm thi năm nay dự kiến sẽ cao hơn phổ điểm năm ngoái. Có người lập luận, phải chăng vì đây là năm đầu tiên có nhiều điểm đổi mới, nên để tránh bị dư luận “vạch lá tìm sâu”, Bộ GD-ĐT đã chọn cách ra đề thi tương đối an toàn? Và mặt khác, dù đã có nhiều cố gắng trong việc ra đề thi trắc nghiệm với 24 mã đề thi khác nhau nhằm tránh các hiện tượng tiêu cực trong thi cử, nhưng phải công bằng mà nói, độ vênh giữa mã đề này khó hơn mã đề kia là khó tránh khỏi. Rất đồng ý với ý kiến của TS Khánh Ngọc khi cho rằng, khó hay dễ là tùy thuộc vào năng lực cũng như sự ôn tập của mỗi TS. 

Mùa thi nào cũng vậy, cứ sau khi kết thúc lại dấy lên những làn sóng bình luận, tranh cãi. Tranh cãi, phản biện là vô cùng cần thiết trong cuộc sống, nhất là với giáo dục thì điều này càng quan trọng. Nhưng tranh luận, góp ý cần phải dựa trên sự khách quan, không nên áp đặt chủ quan, đồng thời phải có cái nhìn công tâm, có sự đối chiếu đa chiều.

P.THỦY