Nhìn từ vụ xóa sổ biệt thự kiến trúc Pháp 100 năm tuổi ở Huế
(Cadn.com.vn) - Đến sáng 3-4, một biệt thự kiến trúc Pháp 100 năm tuổi nằm ở khu đất “vàng” số 5 - Lý Thường Kiệt (TP Huế) đã bị san bằng để phục vụ cho việc mở rộng khách sạn Heritage. Từ sự việc này, các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu và kiến trúc sư lo ngại nó sẽ tạo một tiền lệ xấu…
Biệt thự 100 tuổi bị san bằng
Đến ngày 3-4, toàn bộ ngôi biệt thự cổ hơn 100 tuổi có quy mô 2 tầng với diện tích sàn khoảng 277m² ở khu đất “vàng” số 5-Lý Thường Kiệt, TP Huế đã bị san bằng. Ngôi biệt thự này thuộc sở hữu của Cty CP đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt (Cty Thành Đạt). Năm 2016, Cty Thành Đạt có văn bản xin UBND TP Huế cho phép phá dỡ biệt thự này với lý do công trình xuống cấp. Sau gần 1 năm xin phép và 2 lần đơn vị thuê Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng TT-Huế thẩm định chất lượng, kết quả xác định công trình đã xuống cấp, nguy hiểm cấp C. Từ kết quả này, đầu tháng 12-2016, UBND tỉnh TT-Huế giao Sở Xây dựng và UBND TP Huế hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tháo dỡ công trình. Giữa tháng 3-2017, Sở Xây dựng đã có công văn hướng dẫn tháo dỡ biệt thự nói trên. Việc phá dỡ biệt thự nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư mở rộng khách sạn Heritage (ngôi biệt thự nằm trong khuôn viên khách sạn Heritage - P.V).
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở VH- TT tỉnh TT-Huế, từ đề xuất của chủ đầu tư xin phép phá dỡ ngôi biệt thự nói trên với lý do công trình xuống cấp, Sở Xây dựng đã từng họp bàn với UBND TP Huế, Sở VH-TT, Hội VHNT, các nhà nghiên cứu, Hội Kiến trúc sư… để đánh giá về công trình. Tại cuộc họp, đa số ý kiến cho rằng công trình biệt thự này có giá trị lịch sử, cũng như kiến trúc nghệ thuật và hình thức cân đối, hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực. Hơn nữa, trước khi xây khách sạn Heritage, xét thấy có giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật nên Hội đồng Quy hoạch kiến trúc tỉnh TT-Huế đã yêu cầu giữ lại ngôi biệt thự này.
Ông Lê Phùng - Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TT-Huế cho biết, khi được mời họp để lấy ý kiến, ông và những nhà văn hóa, nhà chuyên môn khác không ai đồng tình phá bỏ ngôi biệt thự này. Lúc đó, các ý kiến đều cho rằng nên tôn tạo công trình để giữ lại vẻ đẹp cho Huế. Việc chính quyền không lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà văn hóa khi cho phá bỏ công trình này là vô cùng đáng tiếc. “Đó là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ. Dù nó xuống cấp nhưng vẫn có thể đầu tư tôn tạo để giữ lại” - ông Phùng nói. Chung quan điểm, TS.KTS Trần Đình Hiếu - Trưởng khoa Kiến trúc Trường ĐHKH Huế khẳng định: Biệt thự hơn 100 năm tuổi này có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, khá điển hình cho phong cách kiến trúc Á - Âu kết hợp giai đoạn đầu thế kỷ XX. Nó hoàn toàn có thể tu bổ được.
Biệt thự 100 năm tuổi kiến trúc Pháp bị đập bỏ để mở rộng xây dựng khách sạn. |
Cần phải bảo vệ
Theo ghi nhận, các công trình kiến trúc cổ kiểu Pháp ở Huế thường nằm ở các vị trí đắc địa trong lòng đô thị. Những công trình này như dòng chảy thời gian, gắn liền với lịch sử thăng trầm của vùng đất cố đô Huế, mang giá trị văn hóa và đó là một “vật báu” đô thị cần gìn giữ. Hiện chưa có nghiên cứu, dự án chính thống đánh giá hiện trạng cụ thể, chất lượng đồ án từng công trình, tu bổ về lĩnh vực này mà chỉ thống kê khái quát phục vụ cho công tác quy hoạch đô thị. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp dần bị mai một theo thời gian. Điều này dẫn đến việc làm mất đi giá trị văn hóa, bản sắc đô thị. Do vậy cần sớm có một đề án để thực hiện công tác bảo tồn, đưa ra một kế hoạch lâu dài. “Kiến trúc Pháp ở Huế là một catalogue kiến trúc Đông Dương mang phong cách của nhiều vùng miền nước Pháp mà trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ riêng của nó và chúng đã cấu thành một bộ phận không thể tách rời đối với di sản kiến trúc của Huế nên cần có kế hoạch bảo tồn cũng như quảng bá về loại hình du lịch di sản kiến trúc này” - nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh nhìn nhận.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cho biết, trên đất Huế, có nhiều kiến trúc của Pháp. Trải qua thời gian, rất nhiều nhà, trụ sở kiến trúc Pháp bị đập bỏ để xây mới hoàn toàn hoặc bị tháo dỡ một cách rất đáng tiếc... Ngoài một số công trình do Nhà nước đang quản lý thì cũng có một số kiến trúc Pháp ở Huế là nhà của tư nhân. Người dân tùy tiện sửa chữa, xây lại tường rào... đã làm mất đi giá trị công trình, rất đáng tiếc” - ông Hoa chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, trước sự việc biệt thự Pháp 100 tuổi ở số 5 - Lý Thường Kiệt bị đập bỏ là một báo động, nhắc nhở cần phải hệ thống hóa lại kiến trúc di sản Pháp tại Huế, tránh việc đập bỏ một cách tùy tiện. Vấn đề đặt ra hiện nay là trên cơ sở đó, ngành Xây dựng và UBND TP Huế phải nắm lại kiến trúc Pháp còn lại tại Huế. Cần có một hội đồng đánh giá và đưa ra những giải pháp gìn giữ, phát huy. Nếu không có giải pháp, không có cách để bảo vệ thì dần dần kiến trúc Pháp sẽ mất đi trên đất Huế.
H.Lan