Báo Công An Đà Nẵng

Nhịp cầu kết nối trường học miền xuôi, miền ngược

Thứ tư, 02/05/2018 12:23

Chương trình kết nghĩa giữa các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được các cơ sở giáo dục cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động sinh động, mang lại ý nghĩa thiết thực và nhân văn. Cán bộ, giáo viên các trường học nhìn nhận, chương trình kết nghĩa như chiếc cầu nối giữa trường học miền xuôi với miền ngược, giữa người giáo viên ở đồng bằng, thành thị với giáo viên miền núi. Nhịp cầu kết nối không chỉ là sự sẻ chia mang giá trị tinh thần, mà còn góp phần tạo động lực phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng dạy học ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình kết nghĩa tạo sự phấn khởi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh các trường học.

Sáng kiến hay cần nhân rộng

Sau khi ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam phát động, chương trình kết nghĩa giữa các trường học thu hút tất cả những trường THPT đồng bằng và miền núi. Chương trình kết nghĩa được thực hiện theo hình thức mỗi một trường THPT miền núi kết nghĩa với 2-3 trường THPT đồng bằng. Các đơn vị trường THPT đồng bằng được phân công xây dựng kế hoạch hỗ trợ, tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh tham gia hỗ trợ chương trình và xem như là một hoạt động giáo dục đạo đức, giá trị sống cho đội ngũ giáo viên, học trò.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho hay, chương trình kết nghĩa giữa các trường THPT đồng bằng và miền núi nhằm tăng cường tình đoàn kết, giao lưu giữa các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh chia sẻ khó khăn, giúp học sinh miền núi vượt khó vươn lên trong học tập, các trường sẽ tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng. Nhà trường có thể phối hợp nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn còn giáo viên chia sẻ tài liệu giảng dạy, phương pháp giảng dạy, công tác ôn tập, phụ đạo, ra đề kiểm tra.

"Nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng chương trình kết nghĩa, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Các trường THPT miền núi phải chủ động đề xuất những vấn đề, nội dung cần hỗ trợ, giúp đỡ. Hy vọng, với sự tổ chức bài bản, đồng bộ, việc kết nghĩa sẽ giúp cho các trường THPT miền núi phát triển hơn, xóa bỏ khoảng cách giữa đội ngũ giáo viên, học sinh đồng bằng và miền núi, cũng là thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với giáo dục miền núi", ông Hà Thanh Quốc nói.

Ông Hà Thanh Quốc cho biết thêm: Lâu nay, việc kết nghĩa chưa được tổ chức bài bản, quy củ nên sự hỗ trợ, giúp đỡ của các trường miền xuôi đối với miền ngược chưa như mong muốn. Các trường, học sinh miền núi rất khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, giảng dạy và học tập nên cần được giúp đỡ. Không chỉ vậy, họ còn có nhu cầu được hỗ trợ rất lớn về chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ giảng dạy. Lần đầu tiên Sở GD-ĐT tổ chức việc này cũng là triển khai thực hiện đổi mới công tác quản lý, điều hành. Qua chương trình, việc giúp đỡ, hỗ trợ sẽ đi vào thực chất, đúng nghĩa, hiệu quả, thiết thực hơn, tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chia sẻ cho giáo dục miền núi.

Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho các trường học phát triển, nâng cao chất lượng dạy học.

Các hoạt động cần đi vào chiều sâu chuyên môn

Cán bộ quản lý các trường học cũng nhìn nhận, thật ra hoạt động kết nghĩa đã được các trường thực hiện nhiều năm qua theo chủ trương của Công đoàn ngành Giáo dục với nhiều hoạt động hết sức cụ thể. Tuy nhiên, tất cả hoạt động kết nghĩa này mới chỉ dừng lại ở việc giao lưu, thăm hỏi, tặng quà, mà chưa có những hoạt động liên quan đến phát triển chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý, giảng dạy để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Theo thầy Nguyễn Đình Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ), hoạt động kết nghĩa lâu nay giữa các trường chủ yếu là các trường đồng bằng hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất nhằm chia sẻ khó khăn cho các trường miền núi, chứ chưa có động thái hỗ trợ chuyên môn.

Nói về những khó khăn, hạn chế của các trường học miền núi hiện nay, thầy Trần Phúc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa (huyện miền núi Bắc Trà My) bày tỏ: "Bên cạnh nhu cầu khá nhiều về cơ sở vật chất như nhà ở nội trú, trang thiết bị, quần áo ấm cho học sinh…, đội ngũ giáo viên còn chưa vững chuyên môn vừa thiếu kinh nghiệm đang là nỗi lo lớn nhất của các trường học miền núi hiện nay".

Có nhiều năm công tác ở miền núi, thầy Đinh Văn Tư - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang (huyện biên giới Tây Giang) chia sẻ: "Thông qua chương trình kết nghĩa, thời gian qua, các trường THPT ở Hội An đã hỗ trợ, giúp đỡ cho Trường THPT Tây Giang khá nhiều. Tuy nhiên, việc hỗ trợ về chuyên môn giảng dạy, công tác quản lý chưa được thực hiện. Hiện nay, ở các trường học miền núi đang còn tồn tại một thực trạng chung là trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên miền núi chưa cao, tuổi nghề cũng còn rất trẻ, nhiều giáo viên mới chỉ đứng lớp 2-3 năm nên thiếu kinh nghiệm. Chính vì vậy, thông qua hoạt động kết nghĩa lần này cần có hoạt động giao lưu, sinh hoạt nghiệp vụ chuyên môn với giáo viên đồng bằng để giúp các thầy cô nâng cao nghiệp vụ".

Với sự tổ chức bài bản, đồng bộ của chương trình kết nghĩa lần này, cán bộ lãnh đạo các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tỏ ra hết sức phấn khởi. Thầy Châu Anh Khiêm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP Tam Kỳ) nhìn nhận: "Chương trình kết nghĩa giữa trường THPT đồng bằng và miền núi của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam lần này là chủ trương hết sức ý nghĩa. Mong rằng việc kết nghĩa không chỉ đơn thuần giúp đỡ vật chất, mà còn cả vấn đề hoạt động trao đổi, hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; đồng thời tạo thêm nguồn sinh khí mới cho các hoạt động giao lưu, giúp đỡ, học hỏi qua lại lẫn nhau giữa các trường, thầy cô và học sinh. Hy vọng thông qua chương trình kết nghĩa giữa các trường THPT sẽ kết hợp cùng với chương trình kết nghĩa của Công đoàn ngành GD-ĐT triển khai trong những năm qua sẽ tạo động lực mới cho các trường học phát triển, nâng cao chất lượng dạy học".

KHẢI MINH