Nhịp cầu nối những miền quê
(Cadn.com.vn) - Vùng đầm phá Tam Giang, tỉnh TT-Huế rộng hơn 22.000 ha, lớn nhất Đông Nam Á, chạy suốt từ H. Quảng Điền cho đến Phú Lộc, nếu không có phương tiện thuyền máy như bây giờ, thuyền chèo tay đi cả ngày xa thăm thẳm. Chẳng thế mà, trước đây người ta thường truyền tụng câu ca: Thương anh em cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Đó là hình ảnh của vùng sông nước Tam Giang trong ký ức của mỗi người. Ai đã từng sống ở thị trấn Thuận An từ ngày đầu giải phóng vẫn nhớ như in, năm 1978 - ít năm sau khi quê hương được giải phóng, trong lúc cả tỉnh phải đối mặt với bao khó khăn nhưng vẫn dành vốn xây cầu Thuận An dài gần cả cây số qua phá Tam Giang. Ngày khánh thành đưa cầu vào sử dụng, cả thị trấn không ngủ.
Sau cầu Thuận An, năm 2003, người dân bên kia phá Tam Giang lại có thêm cầu Trường Hà, cây cầu thứ 2 bắc qua phá Tam Giang hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối huyết mạch giao thông dọc các xã ven biển. Giao thông thuận lợi, đời sống của người dân được nâng lên từng ngày. Lãnh đạo xã Vinh Thanh cho biết: Từ khi có cầu Trường Hà, chợ Vinh Thanh được mở rộng diện tích lên gấp đôi nhưng vẫn quá tải. Hàng hóa thông thương, tôm cá bán được giá cũng cao gấp đôi so với trước.
Liên tiếp các năm sau đó, năm 2004, TT-Huế xây thêm cầu Tư Hiền; năm 2008 xây xong cầu Ca Cút kết nối xã Hương Phong với xã Hải Dương (Hương Trà). Cầu Ca Cút được xem là điểm nhấn cuối cùng nối liền mạch giao thông các xã ven biển trong tỉnh. Cầu do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 311,5 tỷ đồng, là chiếc cầu thứ tư vượt phá Tam Giang (sau các cầu Thuận An, Trường Hà và Tư Hiền). Công trình cầu Ca Cút hoàn thành nối liền tuyến Quốc lộ 49 ven biển với các khu dân cư vùng đầm phía Bắc, cửa Thuận An với TP Huế, đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH gắn QP-AN của tỉnh.
Cầu Trường Hà bắc qua đầm Thủy Tú trên phá Tam Giang nằm ở miệt Phú Vang. |
Chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế Nguyễn Văn Cao đánh giá: Công trình cầu trên phá Tam Giang hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân, nâng cao đời sống văn hóa, thúc đẩy sản xuất, phát triển du lịch - dịch vụ, kinh tế - xã hội của các xã vùng đầm phá ven biển. Chính phủ đã phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh TT-Huế đến năm 2020", trên cơ sở phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực ven biển miền Trung đến năm 2020; gắn tăng trưởng kinh tế với xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai hiện phát triển mạnh ngành nuôi, trồng thủy sản trong nước lợ, nước mặn ven biển theo hướng hài hòa với môi trường, đồng thời với việc phát triển và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm sản phẩm của nghề thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và tăng thu nhập. Vùng phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề để tạo khả năng tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển và đầm phá, giúp cho công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển và đầm phá phát triển bền vững. Tỉnh chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; đầu tư phát triển các mô hình trình diễn, tổng kết đánh giá để nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả...
Sắp tới, TT-Huế tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa trong đầu tư, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để xây dựng nâng cấp các công trình phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Xây dựng và phát triển kinh tế biển, đầm phá gắn với quản lý tài nguyên, môi trường biển và đầm phá theo hướng phát triển bền vững; phân vùng và tiểu vùng, quản lý tổng hợp các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản, hình thành các đô thị và dân cư ven biển. Tỉnh đang hình thành các tuyến du lịch sinh thái Huế-đầm Lập An-đầm Cầu Hai-phá Tam Giang, Huế-Cảnh Dương-Lăng Cô-Bạch Mã tạo điều kiện cho khách du lịch đi tham quan, nghỉ mát, vừa kết hợp các loại hình du lịch sinh thái, tắm biển với văn hóa, khai thác tốt các lễ hội truyền thống như Lễ hội cầu ngư, đua thuyền, tăng nguồn thu, đồng thời tạo động lực cho kinh tế vùng ven biển, ven đầm phá phát triển.
Bức tranh toàn cảnh trên đầm phá TT-Huế dần sáng hơn khi các lợi thế và tiềm năng ven biển, ven đầm phá được khai thác tốt hơn nhờ hệ thống giao thông thuận tiện. Đây thực sự là chìa khóa vàng, thời cơ thuận lợi để TT-Huế mở cửa ra biển lớn, lấy kinh tế biển và đầm phá làm động lực quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quốc Việt