Báo Công An Đà Nẵng

Nhịp đời trên bến cá

Thứ sáu, 30/06/2017 10:01

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đến bến cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) lúc 23 giờ. Giờ này, những chiếc thuyền thúng, ghe nhỏ lác đác chở cá từ thuyền lớn vào, trên bờ một số người lao động đã đứng chờ sẵn để vận chuyển cá từ dưới lên. Số khác lại chuẩn bị sẵn sàng thau, chậu, khay nhựa và ngồi đợi ở phía sau, sát với lối ra vào cảng. Tìm hiểu được biết, ở đây hoạt động thu mua được thực hiện theo quy trình và tạm gọi được phân chia theo nhóm. Ví như nhóm một, bắt đầu tiếp nhận sản phẩm từ thuyền mang vào, đặt ngay ngắn theo "lãnh thổ" mà cho là thích hợp, thuận lợi, tiến hành phân loại sau đó sẽ có người đến cân hàng. Nhóm này hoạt động bắt đầu từ 23 giờ trở đi. Còn nhóm thứ hai, tạm gọi là "nhóm đợi" hay là nhóm buôn thúng, bán bưng sẽ thực sự hoạt động khi các đầu nậu thu gom hàng xong, họ sẽ có thao tác mua lại để phục vụ cho chị em tiểu thương các chợ và công việc của họ thường bắt đầu tầm 2-3 giờ sáng và kết thúc lúc 4-6 giờ. Phải đến 1 giờ sáng không khí tại bến cá mới thực sự "nóng". Những chiếc tàu liên tiếp buông neo cũng là khi tiếng gọi nhau í ới cất lên tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn.

Một góc bến cá Thọ Quang lúc 1 giờ sáng.

Đang ngồi phân loại cá, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (1978, quê ở Quảng Nam) cho biết: Ở quê không có việc làm nên chị ra đây làm thuê. Công việc thường bắt đầu từ 11 giờ khuya đến 4-5 giờ sáng mới kết thúc. Vất vả, thu nhập không nhiều nhưng đây lại là nguồn thu nhập chính của cả gia đình nên chị càng phải cố gắng. "Mùa nào khổ theo mùa ấy, nắng thì mùi hôi thối nồng nặc, mưa lạnh thì nhếch nhác... nhưng theo riết thành quen. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt tôi cũng dành dụm được 2-3 triệu đồng/tháng. Con cái học hành đều trông chờ cả vào đây nên cứ xong việc chỗ này ai thuê tôi lại qua làm cho họ. Nói thật cũng không có thời gian để nghỉ ngơi một khi thuyền cập bến. Những người làm thuê như chúng tôi chỉ mong trời yên biển lặng, các chủ tàu mà trúng thì chúng tôi cũng được "no" theo"..., chị Hạnh chia sẻ thêm.

Không được "chuyên nghiệp" như chị Hạnh, chị Nguyễn Thị Phương Hồng đến từ TT-Huế lại thụ động hơn. Khi các tàu lớn cập bến, nếu may mắn được chủ tàu gọi đến để phân cá vào khay thì còn có thu nhập. Chỉ cần chậm chân, khi chủ tàu đã đủ nhân lực thì chỉ biết đi qua đi lại nhìn ngó và hôm đó coi như "về mo". "Một tháng tui vào đây chừng 20 ngày mới về quê. Hàng ngày, trả tiền nhà 15 ngàn đồng cộng thêm chi phí sinh hoạt khác cũng mất khoảng 50 ngàn đồng. Cố chắt chiu lắm tháng tui cũng còn được 1,5- 2 triệu đồng... Ở đây, tiền công được tính theo ngày, theo tiếng, theo khối lượng công sức lao động bỏ ra nên ai cũng tranh thủ đến sớm. Bọn tui ở đây đêm là ngày, vất vả nhưng đó cũng là niềm vui cuộc sống", chị Hồng cho biết. Góp mặt trong "bản nhạc" sôi động tại bến cảng, không chỉ có bóng dáng những người phụ nữ mà cánh đàn ông, thanh niên cũng tham gia rất... chuyên nghiệp. Tay thoăn thoắt phân loại cá, anh Bình (Đà Nẵng) cho biết, anh làm việc ở đây hơn một năm. Công việc hàng ngày của anh là phân loại các loại cá, mực... vào đá để đóng thùng cho các công ty. Khi được hỏi, là thanh niên anh có gặp khó khăn gì so với các chị, các bà ở đây hay không, anh xua tay: "Riêng tôi thấy mình lợi thế vì sức thanh niên "cầm cự" lâu hơn. Hồi đầu còn luống cuống, bây giờ thì nhắm mắt cảm nhận cũng có thể làm được". Đúng như lời anh Bình nói, đôi bàn tay anh thoăn thoắt, vừa nói chuyện với chúng tôi nhưng trong nháy mắt, đống cá của anh đã đâu vào đấy theo từng loại.

Cá được phân loại trước khi cân cho thương lái.

Cuộc sống với những người dân ở đây dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, đêm muộn lý ra là lúc thảnh thơi nhất của mỗi người lại trở thành thời khắc giúp cuộc sống của họ có thêm nhiều màu sắc. Chính vì vậy, những người như họ ai cũng có niềm tin vào ngày mai no đủ hơn. Ở bến cá này, ngoài số lao động thời vụ, nhiều cuộc đời đã gắn chặt với nó cả mấy chục năm. Có thể trong số họ là những người vợ, người mẹ có chồng, con đi biển và cũng có không ít người gắn bó bởi vì nó từ lâu đã là một nghề. Công việc của họ cứ thế như một guồng quay hết tháng này qua năm khác tìm kiếm niềm vui trong "công cuộc" mưu sinh. Có theo chân những người lao động tại cảng cá, có mục sở thị thì mới cảm bằng hết những gì đang diễn ra nơi đây. Nó như một bức tranh được phối bởi vô vàn gam màu sáng tối, có sắc màu, có âm thanh, có mùi vị... tạo nên một tổng thể hài hòa. Với những người lao động nơi đây, từ sau 12 giờ đêm mới thực sự là ngày làm việc mới, chính họ đã tạo nên một quang cảnh, nhịp sống rất riêng của mình. Mỗi chuyến tàu cập bến đầy ắp cá, tôm là lúc nhịp đời của người dân sống trong lòng biển lại bắt đầu hối hả. Và, chính niềm hạnh phúc nho nhỏ ấy lại được đong đầy trong từng sóng cá để họ luôn nở nụ cười trong hành trình mưu sinh của mình...

TRANG TRẦN