Báo Công An Đà Nẵng

Nhớ anh Kostas Nguyễn Văn Lập

Thứ sáu, 02/07/2021 15:31

Tối 25-6 (theo giờ Việt Nam), ông Kostas Saratidis, người Hy Lạp, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Lập đã qua đời ở tuổi 94. Đại tá Võ Văn Minh, hiện sống tại Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, là đồng đội,
là người bạn từng chiến đấu với người lính mang 2 quốc tịch Hy Lạp- Việt Nam này đã có bài viết tưởng nhớ ông. Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng trân trọng gửi đến bạn đọc.  

Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập (áo trắng) cùng đồng đội xưa ở Liên khu V chụp ảnh lưu niệm với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năm 2015.

Một dòng chữ đậm nét trong căn phòng bé nhỏ giữa thủ đô Athen  "NGƯỜI  VỀ  HY  LẠP - TIM  Ở  VIỆT  NAM". Đó là căn phòng của Kostas Nguyễn Văn Lập và đó cũng là mối nghĩa tình sâu sắc đã in đậm vào anh cho đến suốt cuộc đời…

Nhớ 75 năm trước đây, đất nước Việt Nam đối với anh- một thanh niên Hy Lạp mới 19 tuổi đời quả là xa lạ. Nhưng cái gì đã khiến anh phải có những suy nghĩ, ngay từ những ngày đầu khi anh vừa mới bước chân đến Việt Nam? Đó, có thể nói là mối nghĩa tình nhân hậu, tấm lòng thương cảm giữa người với người.

Ôi, nhân dân Việt Nam có tội tình gì mà chúng đến đây thẳng tay chém giết? Các cụ già, em bé Việt Nam có tội tình gì mà chúng chặt đầu, xé xác? Anh có thể nào quên hình ảnh một cụ già, chúng trói cụ hai ngày không cho ăn uống. Thương cụ quá, anh đem nước cho cụ. Tưởng anh là đồng bọn của lũ giặc, cụ hất ngay chén nước, ưỡn ngực trước tên Pháp Restener, ý nói, tao không cần! Không một chút lương tâm, tên Pháp rút súng, nhằm ngực ông bóp cò, tiếng súng nổ, xé nát lồng ngực ông. Anh nhắm mắt lại, trời ơi, anh không thể sống với bè lũ ác thú này, dù chỉ một ngày.

Tháng 2-1946, anh đến Sài Gòn. Tháng 6-1946 anh tìm cách thoát. Cảm động thay bức thư  anh viết gửi về cho cha mẹ anh ở Hy Lạp, một ngày trước khi anh ra đi:  "Ba mẹ thân yêu!  Đất nước ta, đã từng bị bọn phát-xít giày xéo. Con đến đây, cũng lại chứng kiến những cảnh chém giết dã man này. Có thể nào con lại chung sống với chúng được. Nên con đã có một một quyết định. Và quyết định này, con nghĩ sẽ có khó khăn với gia đình, với ba mẹ. Con sẽ đi đây. Rất mong gia đình, ba mẹ thông cảm cho con. Con của ba mẹ.  Kostas!".

Kostas Nguyễn Văn Lập trong những ngày tham gia kháng chiến ở Liên khu 5.

Ôi!, bức thư ngắn ngủi, nhưng cũng là bước ngoặt lớn lao cho cả cuộc đời. Anh đã về với một đất nước nghèo nàn, với một đội quân vô cùng thiếu thốn, chân đất, đầu trần. Tôi may mắn gặp anh, sống chung với anh hai năm 1948- 1949. Quên sao được trận Hương An (Quảng Nam) ngày 13-4-1948, khẩu trọng liên 12,7 ly của anh, đỏ rực nòng, khi anh bắn xối xả vào đội hình giặc Pháp. Quên sao được ngày 6-11-1948, đơn vị bắn rơi máy bay, bắt sống 3 sĩ quan Pháp, mà anh là xạ thủ khẩu súng máy Boren đầu bạc.

Một nhiệm vụ chính trị mà anh luôn nhớ: Đồng chí Nguyễn Chánh - Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5 đã tin tưởng giao cho anh phụ trách trại tù binh Âu Phi số 3 Quảng Ngãi- một trại tù nhưng không phải trại tù mà đây phải là trường giáo dục, chăm sóc, nuôi nấng, cải tạo.

Chăm sóc gì đây? Nhớ lời đồng chí Nguyễn Chánh căn dặn: Hãy cố gắng cải thiện đời sống của tù binh theo hết khả năng cho phép trong điều kiện chiến tranh. Như vậy là đêm đêm, anh lại cùng cấp dưỡng, cùng hai tù binh đi chợ đêm mua thức ăn. Anh nói với bà con, nước ta còn nghèo, việc nuôi dưỡng tù binh cũng có hạn. Với chính sách khoan hồng nhân đạo của ta, rất mong bà con thông cảm, giúp đỡ, bán rẻ cho. Nghe những lời anh nói, hầu hết bà con ở chợ đều vui vẻ bán sản phẩm giá rất rẻ gần như cho không. Bữa ăn được cải thiện… Vì vậy, ngày chia tay, sau Hiệp định Genève, một sĩ quan tù binh Đức đã nói: "Sếp Linh ơi! (tên anh được gọi ở trại) anh không phải là Pháp, là Nga, không phải trên trời xuống, nhưng tôi biết anh là người chân chính, là Bộ đội Cụ Hồ. Xin hết sức cảm ơn anh!".

Năm 1965 anh về nước, lúc này chưa có Đại sứ ta ở Hy Lạp, anh đã lặn lội tìm bà con Việt kiều- tổ chức Hội Việt kiều yêu nước. Anh được bà con tin yêu giao làm Chủ tịch hội.  Anh đã dành hết tâm huyết và sức lực của mình để vun đắp cho tình hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam. Bà con ta người Việt ở Hy Lạp còn nói "Ông tuy là người Hy Lạp nhưng yêu Việt Nam còn hơn cả người Việt"…

Ngày 7-1-2011 anh đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị và quyết định công nhận là một công dân Hy Lạp được nhập quốc tịch Việt Nam.

Ngày 30-8-2013 anh lại được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Nhận Huân chương và quyết định từ tay Chủ tịch nước tôi thấy anh rút khăn lau những dòng nước mắt. Anh thật sự xúc động và chúng tôi- những bạn chiến đấu của anh- cũng không cầm được nước mắt.
Được tin anh đã ra đi, thương anh, tiếc anh, quý anh- một đồng đội, một đồng chí, một công dân của hai nước Việt - Hy nghĩa tình sâu sắc.

Bạn của anh!

ĐẠI TÁ VÕ VĂN MINH