Nhớ chuyến lên Tây Nguyên năm ấy !
(Cadn.com.vn) - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Ông là một trong những "kiến trúc sư" tài danh, nổi tiếng trong thời kỳ đổi mới, tên tuổi của cố Thủ tướng luôn gắn với các công trình như: Trị An, Thác Mơ, Yaly, đường dây 500KV Bắc-Nam, cầu Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh lịch sử, Nhà máy lọc dầu Dung Quất... Không chỉ lo quốc kế, dân sinh ở tầm chiến lược vĩ mô, sinh thời, ông là vị lãnh đạo luôn quan tâm đến đời sống bà con vùng sâu, vùng xa... Kỷ niệm 7 năm Ngày Thủ tướng về cõi vĩnh hằng, tôi xin kể câu chuyện về tình cảm của cố Thủ tướng dành cho bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm đồng bào làng Tum 2, H. Chư Par, tỉnh Gia Lai (tháng 2-1996). |
Lúc đang là phóng viên Báo Công an tỉnh QN-ĐN (nay Báo CATP Đà Nẵng), năm nào cũng vậy, cứ vào đầu mùa khô là tôi lại có cuộc hành trình lên Tây Nguyên. Còn nhớ một ngày đầu hè năm 1996, tôi đón xe từ Đà Nẵng lên phố núi Pleiku, Gia Lai. Đến nơi, người mệt lả sau một đêm thức trắng nhưng khi nghe anh Ksor Nham, Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị nội bộ CA tỉnh Gia Lai (nay là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ CA) cho hay hôm qua Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm, làm việc tại tỉnh Gia Lai, sẽ dành nhiều thời gian xuống cơ sở thăm hỏi, kiểm tra thực tế tình hình, đời sống của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tôi liền liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh xin được đi theo đoàn nhưng khi đến nơi thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã về huyện Ayun Pa.
Với quyết tâm không bỏ lỡ dịp may hiếm có này, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp ở Phòng Công tác Chính trị CA tỉnh dùng xe máy để theo đoàn về thị trấn Ayun Pa. Lúc này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Ayun Pa nhiều vấn đề quan trọng. Sau khi biết tôi là phóng viên, lực lượng bảo vệ cho tôi và anh bạn vào bên trong phòng làm việc để tác nghiệp. Không biết trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo những gì, song đến khi tôi vào trong phòng thì cứ nghe Thủ tướng hỏi đi, hỏi lại: "Cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của huyện nhà hiện nay ra sao, các đồng chí? Bà con có còn đói không? Tôi sốt ruột quá!".
Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo huyện lần lượt báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, QP-AN của tỉnh, Thủ tướng gợi mở nhiều hướng đi mới để Ayun Pa vận dụng trong cuộc hành trình hướng tới tương lai và căn dặn: "Phải chú trọng đến đời sống bà con ở các bản làng, bày cho họ cách làm ăn và giúp đỡ kịp thời, tuyệt đối không để họ đói". Chiều hôm đó Thủ tướng cũng về với bà con huyện biên giới Đức Cơ rồi đến thăm dân làng xã Ia Dom. Trong mái nhà rông, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngồi xếp bằng dưới sàn nhà uống rượu cần, chuyện trò thoải mái với các già làng, trưởng bản, với nhiều chàng trai, cô gái Ba Na, Gia Rai...Qua chuyện trò, tôi thấy Thủ tướng tỏ vẻ không vui khi biết đời sống bà con dân tộc thiểu số của xã biên giới xa xôi này còn quá nghèo về vật chất lẫn tinh thần.
Qua một ngày thị sát hai huyện Ayun Pa, Đức Cơ, biết rõ cuộc sống của đồng bào còn thiếu thốn, chật vật, Thủ tướng nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh: "Từ lâu, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, đầu tư cho Tây Nguyên thông qua các chương trình kinh tế, xã hội nhưng khi triển khai lại thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp nên hiệu quả còn quá thấp. Vì vậy mới thấy chủ trương, chính sách là cần thiết nhưng việc làm như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra mới là yếu tố hết sức quan trọng". Thủ tướng còn ân cần căn dặn rất nhiều điều xoay quanh cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số như đề nghị Gia Lai phải nắm thật cụ thể cả tỉnh hiện giờ còn bao nhiêu hộ đang sinh sống rải rác ở các cụm dân cư nhỏ lẻ tại các bản, làng heo hút. Các hủ tục lạc hậu còn tồn tại nhiều không, đồng bào vùng sâu, vùng xa sống dựa vào cái gì là chủ yếu, họ đang thụ hưởng được gì về y tế, giáo dục...? Nếu tiếp tục để bà con dân tộc thiểu số sống phân tán thưa thớt trong rừng thì việc chống chọi với đói nghèo, bệnh tật sẽ còn triền miên, dai dẳng, do đó chúng ta cần chọn những vùng đất tốt tươi, màu mỡ, thuận lợi về giao thông để xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, bố trí tái định cư cho họ để dần dần cải thiện cuộc sống, bởi Gia Lai còn mênh mông đất ba-zan tươi tốt, rất thích hợp với cây cao su, cà-phê, hồ tiêu... nhưng vẫn còn khao khát bàn tay của con người.
Nếu không làm được việc này thì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo may ra chỉ thực hiện được ở thành phố, thị trấn và những nơi thuận lợi về giao thông thôi. Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc nhở, lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa đến con em đồng bào dân tộc thiểu số, đưa số thanh niên vào các nông, lâm trường để họ có công ăn, việc làm ổn định. Thủ tướng còn dành thời gian vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai thăm Anh hùng Núp đang điều trị bệnh tại đây. Sự ân cần, chu đáo, những lời động viên chứa chan tình cảm của một vị lãnh đạo cấp cao của Chính phủ khiến Anh hùng Núp xúc động vô cùng...
Chuyến về thăm hỏi, kiểm tra cuộc sống thực tế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Ayun Pa, Đức Cơ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chứng minh một điều rằng: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, lo lắng đến cái ăn, cái mặc cho đồng bào dân tộc thiểu số, ao ước bà con ở xứ sở bạt ngàn màu xanh của núi rừng trùng điệp có cuộc sống ngày hôm nay no đủ hơn ngày hôm qua, mong những cái khổ, cái nghèo của bà con nhanh chóng lùi về quá khứ!
Thái Mỹ