Báo Công An Đà Nẵng

Nhớ hương sói trà B'lao

Thứ ba, 30/09/2014 08:50

(Cadn.com.vn) - Một loại hương góp phần làm nên thương hiệu trà B'lao (H. Bảo Lộc, Lâm Đồng) với mùi hương rất riêng, đó chính là nhờ hương vị của hoa sói. Vậy nhưng, hiện nay người dân đã chặt bỏ loài cây này, khiến nguy cơ danh trà B'lao mất cái hương vị đặc trưng ấy.

ĐÂU RỒI THỜI HOÀNG KIM!

Cây trà xuất hiện đầu tiên ở Lâm Đồng vào năm 1927 tại Cầu Đất (Đà Lạt), sau đó có mặt tại Di Linh và Bảo Lộc sau năm 1930. Và cũng từ đó, cây sói theo chân cây trà đến “định cư” nơi đây. Trà ướp hương là một sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu Trà B'lao với những hương liệu tự nhiên như hoa lài, hoa ngâu, hoa sói, trà tiên... Tuy chỉ là một loại cây trồng tự phát chưa nằm trong định hướng quy hoạch chuyển đổi chung của TP Bảo Lộc, nhưng với đặc thù là một loại cây hương liệu không thể thiếu trong kỹ thuật ướp chè, nhanh cho thu hoạch, giống gốc dễ tìm, cây cho nguồn thu kinh tế ổn định mỗi ngày với giá ổn từ 25-30 ngàn đồng/kg (có khi lên đến 70-80 ngàn đồng/kg), hoa sói đã nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực cho nhiều hộ gia đình nơi đây.

Anh Nguyễn Văn Tài ở khu phố 7, P. Lộc Tiến - TP Bảo Lộc, người đã thoát nghèo từ loại hoa này cho biết: “Những năm trước, hoa sói luôn ổn định ở mức 25-30 ngàn đồng/kg, mỗi sào hoa sói với năng suất trung bình 3kg/sào/ngày thì mỗi tháng người trồng sói thu trên 2,5 trệu đồng lúc đó thì thu nhập khá cao so với các loại cây trồng khác”.

Một đồi chè ở b'lao (Lâm Đồng).

NGUY CƠ “XÓA SỔ” MỘT LOÀI HƯƠNG

Tính riêng trên địa bàn P. Lộc Tiến hiện có 16 doanh nghiệp (DN) chế biến trà ướp hương và có hơn 20 hộ cá thể thường xuyên ướp trà. Vào mùa cao điểm, trung bình một ngày mỗi DN cần khoảng 10 kg hoa sói để ướp hương. Với nhu cầu này, lượng hoa sói trên địa bàn Lộc Tiến, Lộc Châu, Đại Lào không đủ để cung ứng. Các DN buộc phải mua thêm hoa sói ở các tỉnh khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên là vì nông dân trồng hoa sói không tìm được nguồn tiêu thụ nào khác mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của các cơ sở chế biến trà tại địa phương. Vì vậy giá lên hay xuống là do các DN này định đoạt. Điều bất ngờ là trong khoảng 7 năm trở lại đây, giá loại hoa này vẫn “ổn định” ở mức 25 – 30 ngàn đồng/1kg đã làm cho không ít hộ nông dân bức xúc và quay lưng phá bỏ loại cây này.

Gắn bó với cây hoa sói gần chục năm, thế nhưng gia đình ông Lê Văn Me, khu phố 3 P. Lộc Tiến lại quyết định chặt bỏ toàn bộ hoa sói để chuyển sang trồng các loại cây khác. “Vùng này là vùng ướp chè cần hoa sói. Không phải mang đi đâu hết vì tư thương mua tận vườn, không đòi hỏi chất lượng quá cao. Nói chung trồng là không bao giờ ế. Có một điều làm chúng tôi phải quay lưng với loại cây này là do các cơ sở chế biến “xúm lại” ép giá!”, ông Me giải thích.

Ông Cao Văn Lưu-Chủ tịch Hội Nông dân P.Lộc Tiến, là nơi có phố trà ướp hương nổi tiếng của Bảo Lộc với hàng chục DN sản xuất, chế biến chè ướp hương tiêu thụ một lượng lớn nguồn hương liệu tự nhiên, cho biết: “Trong thời gian 2004- 2006, toàn phường có hơn 20 ha hoa sói được trồng chuyên canh và xen canh trong vườn chè, cà-phê. Nhưng hiện tại, diện tích này còn khoảng 1ha và diện tích chuyên canh hoa sói gần như không còn.

 

Cần “cứu” lấy loài cây làm nên "linh hồn" trà B'lao. Anh Trần Đại Bình, DN Trà Thiên Thành, khẳng định: “Hương liệu tổng hợp hiện được sử dụng khá phổ biến, nhưng để tạo được hương vị đặc trưng của trà thì hương liệu tự nhiên mà chính là hoa sói thì không thể thiếu. Nó được xem là nguyên liệu chính để tạo nên hương vị riêng, mang tính đặc trưng, truyền thống của từng danh trà”. Cũng theo anh Bình, nếu ngành trà ướp hương còn được duy trì, thì sản phẩm trà ướp hương được người tiêu dùng ưa chuộng. Và khi ấy, tất yếu các cây hương liệu vẫn còn... đất sống.

Theo ông Nguyễn Thành Tứ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Bảo Lộc, Lễ hội Văn hóa Trà lần thứ 3 vừa qua đã công bố quyền sở hữu chứng nhận nhãn hiệu Trà B'lao. Điều này đồng nghĩa với việc thương hiệu Trà B'lao đang tìm lại “tên tuổi” của mình. Và, sự sống còn của các loại cây nguyên liệu ướp trà sẽ góp phần không nhỏ vào việc khôi phục, phát triển thương hiệu Trà B'lao. Vậy nên, để cho người nông dân khôi phục lại cây hoa sói như trước, cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng ở địa phương trong việc tìm đầu ra cho hoa sói. Cách tối ưu là giữa những người trồng hoa sói nên liên kết theo mô hình hợp tác xã để tổ chức trồng, thu hoạch và tiêu thụ hoa sói theo quy trình khép kín. Từ đó, cây hoa sói mới có thể tồn tại và phát triển trên vùng đất trà B'lao.

Tất cả đều khẳng định cứu lấy cây hoa sói trước nguy cơ bị “xóa sổ” là điều cần thiết với “vương quốc trà” B'lao. Theo chúng tôi, khẩn trương bắt tay vào công tác quy họach, từng bước hình hành vùng nguyên liệu, hương liệu phục vụ nghề ướp hương và chế biến chè có lẽ là điều mà các ngành chức năng TP Bảo Lộc  cần tính đến.

Lê Kiên