Báo Công An Đà Nẵng

Nhớ ngày giỗ đầu nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (29-6-2015 - 29-6-2016): Đoàn giải phóng quân một lần ra đi !

Thứ ba, 28/06/2016 09:41

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng trước ngày bùng nổ Cách mạng tháng Tám, hoạt động trong tổ chức hướng đạo, Phan Huỳnh Điểu vào tuổi hai mươi, yêu thơ mới, say mê tân nhạc.  Gắn bó với các ca khúc trữ tình, hùng tráng, yêu quê hương, yêu đất nước của Hoàng Quí, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, chơi đàn  trong một nhóm nhạc của thành phố, anh tập tành sáng tác. Tháng 9-1945, Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Phong trào Nam tiến, rồi phong trào sinh viên, học sinh "xếp bút nghiên lên đàng" sôi nổi, lôi cuốn từ miền Bắc tới miền cực Nam Trung Bộ. Nườm nượp ngày đêm, những chuyến tàu lửa chở giải phóng quân từ Hà Nội vào, tiếp viện cho mặt trận miền Nam. Những bài ca yêu nước, chiến đấu vang lên! Từ Sài gòn:  Mùa thu rồi, ngày hăm ba Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến; Rền khắp trời, lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến đến chiến trường... (Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn). Từ Hà nội:  Tiếng súng vang sông núi miền Nam/ ầm đất nước Việt Nam / Tiếng súng vang lừng khắp non sông/ giục ta ra chiến đấu... (Tiếng súng Nam Bộ của Đỗ Nhuận). Từ Phố cổ Hội An: Trai hùng Nam quốc quyết đem thân ra sa trường/ Mau mài gươm báu đánh tan quân sài lang/ Hồn ai linh thiêng đâu đây giúp ta rửa thù chung/ Cùng tuốt gươm linh, ta thề cùng non sông... (Trai đất Việt-nhạc Dương Minh Ninh- lời Tôn Thất Thái - Duy Liễu)...

 

Ga Đà Nẵng trở thành ga trung tâm của hai đầu đất nước. Hàng ngày, vào khoảng 4-5 giờ chiều, đoàn tàu chuyển quân từ Hà Nội vào đến ga Đà Nẵng. Tàu phải dừng lại đây khá lâu, lấy than củi và đổ nước cho đầu máy. Nhà của Phan Huỳnh Điểu ở Ngã năm, trung tâm thành phố. Anh thường thấy những đơn vị giải phóng quân được tăng cường cho đất Quảng hành quân qua trước cửa nhà, nghe họ hát Tráng sĩ ca của Lương Ngọc Châu:

Một ra đi là không trở về

Lòng tráng sĩ thề không nao núng

Nợ cơm áo lòng trai không sờn

Cùng nhau ta liều thân quyết chiến...

hoặc Chiến sĩ Việt Minh của Văn Cao:

Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng/ Là trang nam nhi quyết chiến sa trường/ Sống thác coi thường, mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai...

Những bài hát này thôi thúc, khích lệ Phan Huỳnh Điểu  phải viết một bài hát thể hiện ý chí từa tựa như một ra đi không trở về, da ngựa bọc thân trai để góp phần vào việc hô hào, cổ vũ phong trào Nam tiến. Không có đàn, anh mượn cây măng-đô-lin của một người bạn. Chẳng nói với ai về việc sáng tác, trong phòng riêng, anh với cây đàn, búng khe khẽ từng tiếng theo lời ca. Nghe thích, nét nhạc ăn với lời, ghi âm thành nốt. Cứ thêm từng câu, từng từ, dò dẫm. Xong câu thứ nhất, tiếp nối câu thứ hai. Lúc làm lời trước, lúc đặt nhạc trước, tùy theo cảm hứng. Hai ngày sau, làm xong bài hát “Giải phóng quân”, giọng thứ, sôi nổi mà đằm thắm, kêu gọi mà mềm mại, không khô khan. Anh hát cho một người bạn nghe:

Đoàn giải phóng quân một lần ra đi

Lòng có mong chi đâu ngày trở về

Ra đi ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi ra đi thà chết chớ lui

Người bạn khen hay, nhưng không tin anh có thể sáng tác được bài hát này. Kể ra cũng khó tin thật, vì cho đến lúc này anh tự học mới có ít vốn liếng hiểu biết cơ bản về lư thuyết âm nhạc từ sách tiếng Pháp. Phan Huỳnh Điểu nhờ anh Nguyễn Trọng, một người bạn có giọng hát hay hát Giải phóng quân. Vào một buổi tối cuối tháng 9-1945, Đà Nẵng phát động phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Nguyễn Trọng hát giới thiệu Giải phóng quân, trong buổi phát thanh của phòng thông tin tuyên truyền thành phố. Tác giả vẫn còn nói dối là bài hát chép được của một anh giải phóng quân ở Hà Nội đưa vào. Ngay lập tức, bài hát được công chúng nhiệt liệt tán thưởng. Tới tấp, anh em giải phóng quân Nam tiến đến phòng thông tin xin chép. Sau đó, cứ chiều đến, chờ đúng giờ đoàn tàu Hà Nội vào, anh chị em ở phòng thông tin kéo nhau lên ga, đến từng  toa tàu, phổ biến bài hát. Sau một thời gian ngắn, bài hát Giải phóng quân được tung bay khắp nước. Bạn bè phải công nhận Phan Huỳnh Điểu là tác giả của bài hát và bắt đầu gọi anh là nhạc sĩ.  Tác giả sửa lời của câu thứ hai: Đoàn giải phóng quân một lần ra đi. Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về. Cùng lúc, được khuyến khích bởi lòng yêu mến của công chúng với nhạc phẩm của mình, đắm tâm hồn trong không khí cách mạng, anh hăng say sáng tác. Những bài hát: Tuyên truyền xung phong, Mùa đông binh sĩ, Những người đã chết (Thơ: Tế Hanh), Có một đàn chim (Lời: Phan Quang Định), nối tiếp nhau ra đời. Từ đó, trên con đường sáng tác, Phan Huỳnh Điểu đi lên.

Nghĩ về bài hát Giải phóng quân của mình ở thời kỳ "tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống" trên Tổ quốc ta, nhạc sĩ viết: "Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết chớ lui... Đó là lời thề son sắt của các đồng chí giải phóng quân cũng là lời thề đầu tiên của tôi đi theo cách mạng. Trong hơn 40 năm qua, tôi đã không lùi bước trước khó khăn, gian khổ. Chẳng những riêng tôi, nhiều bạn bè khắp nơi cũng đã hưởng ứng tiếng hát của tôi để đi theo cách mạng và đã hiên ngang tiến lên, không lùi bước trước cái chết. Một câu hát ngắn như một lời thề, qua hơn 40 năm vẫn luôn thúc giục tôi và mọi người hãy ngẩng cao đầu mà đi. Tin vào tương lai! Nhất định Tổ quốc chúng ta  sẽ đàng hoàng hơn và tươi đẹp hơn".

Trương Đình Quang