Nhớ ngày trở về trên dòng sông huyền thoại
Ông Minh (1948), quê Triệu Trạch, H.Triệu Phong (Quảng Trị), tham gia cách mạng từ sớm và là thành viên lực lượng bảo vệ lãnh đạo tỉnh thuộc Huyện ủy Triệu Phong. Năm 1968, khi mới 20 tuổi, đang hoạt động tại địa bàn xã Triệu Sơn (H.Triệu Phong) thì ông bị địch bắt. Trước đó một thời gian ngắn, bố ông là cơ sở nuôi giấu cách mạng, cũng đã hy sinh trong một trận càn pháo của địch. Anh trai ông là bộ đội địa phương đã hy sinh vào năm 1965. Bao nhiêu mất mát, đau thương dồn dập cứ ập lên người mẹ kiên trung của ông ở quê nhà. Bị bắt, ông bị giam, tù đày ở nhiều nơi, địch tra tấn liên tục nhưng không hề “moi” được gì ngoài một lời khai nhất quán không thay đổi. Nhớ quãng thời gian tù đày ở “địa ngục trần gian”, ông Minh như lật giở từng hồi nhớ bi hùng, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng. Trong hoàn cảnh gian nguy, hà khắc, ý chí càng lớn, họ càng đấu tranh quyết liệt cho tự do, cho hòa bình dân tộc.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Một trong những nội dung quan trọng Hiệp định là trao trả tù binh, tù chính trị. Từ trong trại giam, ông Minh và đồng đội đã nghe đến mốc son lịch sử quan trọng đó. Niềm vui, phấn khởi lan tỏa, khiến tinh thần đấu tranh, khát vọng chiến thắng càng cao. Tuy chưa biết được ngày về, song anh em trong tù đã làm công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng. Đó là góp sức may sẵn lá cờ Giải phóng cỡ nhỏ, được giấu rất kỹ. Một ngày gần giữa tháng 3-1973, ông Minh và nhiều người nữa được đưa ra khỏi nơi giam giữ. Trước lúc đi, mỗi người được phát 1 túi quần áo và đồ dùng cá nhân nhưng tất cả không nhận. Chuyến bay đáp xuống Phú Bài rồi ô-tô tiếp tục chở các tù chính trị yêu nước hướng ra Quảng Trị. Vài tiếng đồng hồ di chuyển trong căng thẳng, ông Minh đã nhìn thấy bờ nam sông Thạch Hãn. “Nhìn sang bờ bắc, bãi đón bên đó rất đông bà con, cờ Giải phóng bay phấp phới mới tin chắc rằng mình đã thoát, được sống”, ông Minh bồi hồi nhớ lại. Theo kế hoạch, khi ra giữa dòng Thạch Hãn mới lấy lá cờ ra tung vẫy nhưng do quá phấn khích, chỉ mới 3- 4 mét cách mép bờ, nhóm chiến sĩ đã lấy cờ ra. Lập tức, địch yêu cầu quân cảnh đưa cano quay trở lại. Ngay lúc đó, một cuộc đấu trí, cân não diễn ra trên dòng sông, ông Minh cùng các đồng đội không cho quân cảnh quay mũi cano vào bờ. Và cái kết chiếc cano phải thẳng ra bờ Bắc, hướng về bãi đón. Bộ quần áo tù cũng đã được các chiến sĩ tháo vứt trước khi đặt bước chân đầu tiên lên vùng đất Giải phóng. Không thể đợi lâu, còn chừng 5- 6 m, tất cả nhảy xuống sông và lao về phía đồng bào, trong vỡ òa hạnh phúc. Sau ngày trở về lịch sử này, ông Minh cùng đồng chí, đồng đội được đưa ra miền Bắc điều trị và chăm sóc sức khỏe, đến đầu năm 1974 mới quay trở lại Quảng Trị, tìm mẹ và người thân ở quê nhà. Đằng đẵng bao nhiêu năm kể từ ngày ông Minh bị bắt, người mẹ mừng khôn tả vì tưởng đã mất con vĩnh viễn. Nhưng hội ngộ chưa lâu, ông lại lên đường nhận nhiệm vụ mới, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận Trị - Thiên.
Ông Trần Minh Thuyết, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thị xã Quảng Trị cho biết, cả thị xã có hơn 30 cựu tù chính trị yêu nước thuộc trường hợp được trao trả vào tháng 3-1973 tại nhiều điểm như sông Thạch Hãn, Lộc Ninh. Trải qua bao nhiêu gian khổ, khí phách người chiến sĩ cách mạng luôn ngời sáng trong họ, trở thành tấm gương mẫu mực trong cuộc sống. Ông Thuyết cũng cho biết, nhiều hoàn cảnh khó khăn cũng đã đón nhận sự sẻ chia ấm áp từ đồng đội, đồng chí. Như ngày 18-3 vừa qua, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam và nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing đã trao tặng nhà, trợ giúp cho các cựu tù chính trị khó khăn trên địa bàn Quảng Trị, đồng thời trao nhiều phần quà khác. Với tư cách là người đồng chí, đồng đội từng bị địch bắt tù đày và được trao trả tại sông Thạch Hãn vào tháng 3-1973, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều xúc động mỗi lần về thăm Quảng Trị, thăm đồng đội và mong muốn các cựu tù chính trị tiếp tục nêu gương sáng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Những cuộc gặp gỡ, nhắc nhớ như dày thêm cảm xúc tự hào. 50 năm Ngày Chiến thắng trở về, đây cũng là dịp để tri ân công lao to lớn của thế hệ cha anh kiên cường, bất khuất vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông đầy tự hào, vẻ vang ấy.
Bảo Hà