Báo Công An Đà Nẵng

Nhớ nhà văn Nguyễn Chí Trung!

Thứ ba, 30/05/2017 10:08

(Cadn.com.vn) - Hồi còn dạy Văn Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn, Quảng Nam, tôi đã đọc tác phẩm Bức thư làng Mực nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Chí Trung. Qua Bức thư làng Mực, nhiều người mới biết đến tên, nếp sống, chiến đấu và chiến công của một cái làng đồng bào ở Nam Giang, Quảng Nam. Còn tôi biết đến ông, phong cách làm việc, văn phong trữ tình của ông để truyền đạt cho học sinh trong phần phụ đạo cho học sinh giỏi  Văn của trường. Sau này, khi nhập ngũ, về làm phóng viên chiến trường Mặt trận 579 Quân khu 5 trong 6 tháng của hai năm 1987- 1989, tôi mới hiểu thêm nhiều điều về Nguyễn Chí Trung. Cán bộ, chiến sĩ nói về ông như những chuyện huyền thoại, trong đó có chuyện ông hay đãng trí. Nào là ở chiến trường, ông treo võng nằm bên suối, khi xuống suối tắm trở lên trên võng mình, ông phê bình: "Bây giờ chuẩn bị đi truy quét địch, cậu nào còn treo võng nằm đây?". Anh em chiến sĩ bảo: "Thưa thủ trưởng, võng của thủ trưởng đó ạ", ông mới ngớ người ra: "Chu cha, võng mình à!". Anh em còn nói, vô số chuyện ông có thể quên, riêng về các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương thì ông nhớ từng dòng.

Thiếu tướng-nhà văn Nguyễn Chí Trung gặp lại một trong những nhân vật
truyện "Bức thư làng Mực".

Thời làm trợ lý Tổng Bí thư, ông hay về Đà Nẵng chủ công vận động sức người, sức của và trí tuệ để năm 1996 xây dựng tấm bia Ngọn lửa đá ghi tên gần 200 văn nghệ sĩ khu 5 trong 2 cuộc  kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông bàn với mọi người và trực tiếp chọn đá hoa cương của Bình Định làm tấm bia khắc chữ để bền mãi, vĩnh cửu với thời gian; đặt bia tại khu vực Bảo tàng Quân khu 5 và Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh Quân khu 5. Ông còn dành thời gian và công sức huy động anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng, các cán bộ tuyên huấn Quân khu 5 tập hợp bài vở tổ chức bản thảo và in nhiều cuốn sách về văn, thơ, âm nhạc, mỹ thuật có giá trị của Làng Tuyên một thời oanh liệt. Phải nói công lao, trí tuệ và tâm huyết của ông với anh em văn nghệ sĩ khu 5 trong hai cuộc kháng chiến khó có ai bằng.

Thời tôi làm phóng viên Cơ quan thường trực báo Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng, đóng tại đường Duy Tân, ông hay đến chơi. Có lần gần gũi, ông tâm sự: "Mình là dân Chợ Mới Ba Xã thuộc Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng, mình còn nợ với quê nhà xứ Quảng nhiều lắm". Ông hay ăn mặc bình dị nhưng ở những cuộc lễ lạt, hội nghị quan trọng cũng biết diện áo vét, cà vạt nghiêm chỉnh. Nhiều ngày ông đặt "bản doanh" tại  Cơ quan đại diện báo Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng. Ông lo tập trung công việc văn nghệ và chính trị đến mức quên cả ăn trưa, ăn tối. Tới bữa, tôi chở ông ra quán ăn cơm, ông bảo: "Cậu cho mình một ổ bánh mì là xong!". Cuối đời, ông nghiên cứu về sự duy trì mô hình hợp tác xã nông nghiệp thời đã qua và hô hào anh em văn nghệ sĩ chúng tôi nên đi về các huyện của xứ Quảng viết bài và đúc kết mô hình này để học tập và nhân rộng phát huy.

Tính nết của ông nhiều khi rất cực đoan, yêu đến tận xương thịt và ghét cũng đến tận da. Tuy nhiên, điều tôi thấy ở ông là lòng nhiệt thành, chăm lo cho nhiều người khác, nhất là anh em văn nghệ sĩ kháng chiến, những người chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh. Với tôi, ông là một tấm gương sáng về sự tận tụy, trung thành, thủy chung, son sắt hết mực với Đảng, với Bác Hồ, với cách mạng, với quân đội.  Nhưng cũng có nhiều việc , nhiều chuyện cũng  đành: "Thưa Tướng quân, nhà văn, tôi xin phép "kính nhi viễn chi"!

Lê Anh Dũng