Báo Công An Đà Nẵng

Nhớ những lần gặp Bác

Thứ bảy, 16/05/2020 18:44

Những hình ảnh được tận mắt thấy và cả lời nói được chính tai nghe từ Bác Hồ mãi in sâu trong tim và sẽ đi theo đến suốt đời ông Lê Đình Thái (1934, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Với ông Thái, khi nhắc lại những lần gặp mặt Bác, hình ảnh về một vị lãnh tụ vĩ đại vẫn còn vẹn nguyên như thể Người chưa hề rời xa.

Ông Lê Đình Thái kể về những lần gặp Bác Hồ khi học tập và làm việc tại Hà Nội.

Dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng ông Lê Đình Thái vẫn nhớ như in ngày đầu tiên được gặp Bác Hồ ở cự ly rất gần vào mùa hè của năm 1960. Nói là ở "cự ly rất gần" bởi vì trong khoảng thời gian này, ông Thái công tác tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 211, Cục quản lý doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần. Ông đã được thấy Bác Hồ qua bức tường rào rất nhiều lần.

Ông Thái kể, Đại đội 2 có nhiệm vụ củng cố, bảo vệ tường rào xung quanh nhà Chính phủ. Lúc bấy giờ, Đại đội của ông đóng tại phố Ngọc Hà, từ doanh trại chỉ cần nhìn qua những khe của bức tường là có thể nhìn thấy Bác. Ông Thái bảo rằng: "Mỗi người lính trong doanh trại thường bảo nhau nếu muốn nhìn thấy Bác chỉ cần canh đúng giờ Bác dậy, sẽ nhìn thấy Bác bước xuống từ nhà sàn tập thể dục rồi đi vòng quanh hồ cho cá ăn. Hằng ngày giờ sinh hoạt buổi sáng của Bác đều đặn không thay đổi". Đối với những chiến sĩ cách mạng ngày đó, được gặp, được nhìn thấy Bác khỏe mạnh mỗi ngày là niềm vui, hạnh phúc là động lực để các chiến sĩ học tập và chiến đấu vì Tổ quốc.

Ông Thái bồi hồi kể lại ngày cả Tiểu đoàn được chính thức gặp Bác: "Hôm đó, sau khi nhận được tin Bác sẽ đến thăm Đại đội, tuy không được báo giờ giấc cụ thể  nhưng mọi người ai nấy đều dậy từ rất sớm, chuẩn bị tươm tất, gọn gàng mọi thứ, bàn bạc nhau là phải đón Bác như thế nào, phải đứng ở đâu để đón Bác. Đúng 6 giờ, đội bảo vệ Bác đi trước đã dừng ngay cửa phòng nhưng vẫn chưa thấy Bác đi vào, mọi người đều nhốn nháo ngó nghiêng xung quanh nhưng không ai dám rời vị trí. Bỗng nhiên vài phút sau vang lên giọng nói nhẹ nhàng của Bác với những câu hỏi rất bình dị: "Ô các chú ở đây à, các chú có khỏe mạnh không? Các chú làm việc có vất vả không?". Mọi người đều đồng thanh hô to dõng dạc: "Thưa Bác, khỏe ạ, không vất vả gì ạ". Sau khi nắm được tình hình của các chiến sĩ, Bác dặn: "Mùa hè các chiến sĩ phải cố gắng bảo vệ sức khỏe, khỏe mạnh thì mới làm việc được, trước hết phải chú ý tam tinh tứ diệt, mỗi người phải có một vỉ ruồi, ngủ phải mắc màn. Mùa hè bệnh dịch tả, đau bụng thì các chú không làm gì được, có khi nguy hiểm đến tính mạng".

Cũng theo ông Thái, vừa nói Bác vừa đưa vỉ ruồi được đan bằng tre lên cho các chiến sĩ thấy. Kết thúc buổi gặp mặt Bác Hồ nhẹ nhàng chúc cả Đại đội sức khỏe, cố gắng hoàn thành công việc của mình.

Hai ngày sau chiến sĩ nào cũng có riêng cho mình một chiếc vỉ ruồi bằng tre giống như của Bác. Ông Thái tâm sự: "Không ai bảo ai, mọi người đều đi tìm tre, tìm nứa bằng mọi cách để đan vỉ ruồi mà Bác đã dặn làm để diệt ruồi, đảm bảo vệ sinh cho thức ăn để tránh bệnh tả cháu ạ. Không ai nghĩ một vị Chủ tịch nước lại quan tâm từng chi tiết nhỏ nhất, từng việc làm đơn giản để quan tâm đến sức khỏe các chiến sĩ, chứ không phải việc gì quá to tát".

Tôi thắc mắc: Lúc mọi người đợi Bác Hồ vào mà không thấy thì Bác đi đâu?. Ông Thái liền cho biết, Bác đi ngay sau đội bảo vệ nhưng chưa vội đi vào. Bác đi vòng ra đường bên hông ghé ngang qua bếp, vào phòng vệ sinh rồi mới về lại cửa chính. Bác kiểm tra các chiến sĩ ăn ở thế nào, có sạch sẽ, vệ sinh không.

Sau lần gặp đó, Đại đội của ông Thái được Bác Hồ cho qua Phủ Chủ tịch xem phim. Bộ phim mang tên "Đàn sếu bay qua" của Liên Xô ngày ấy. Cùng buổi xem phim với các chiến sĩ có Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bác Hồ nhỏ nhẹ dặn cô thuyết minh làm thế nào nói cho rõ ràng, cho hay để các chú xem cho rõ nội dung của bộ phim. Theo như lời ông Thái kể, bộ phim được chiếu lên tấm màn bằng vải to, cả khán phòng đều im phăng phắc theo dõi, lắng nghe từng câu nói của cô thuyết minh cho đến hết bộ phim. Đến khi kết thúc các chiến sĩ chợt nhận ra Bác Hồ đã rời khỏi khán phòng lúc nào không hay. 

Đến tận bây giờ, ông Thái cho rằng việc gặp Bác là món quà to lớn nhất mà cuộc đời ông nhận được. Hình ảnh dáng người mảnh mai, tóc bạc phơ, râu dài cùng cử chỉ, lời nói dịu dàng của Bác mãi in đậm sâu trong trái tim của người lính cụ Hồ trên 60 năm tuổi Đảng. Sau giải phóng, ông Thái công tác tại nhiều nơi, khi về hưu ông được bầu làm tổ trưởng dân phố. Dù làm việc ở đâu, dù là cương vị nào ông vẫn luôn mang theo tinh thần học tập noi gương Bác Hồ. Ông Thái luôn nhắc nhở con cháu, luôn sống giản dị, cần kiệm liêm chính, phải sống sao cho xứng đáng với lòng tin yêu của Bác.

DIỆU HUYỀN