Báo Công An Đà Nẵng

Nhớ những ngày ăn ốc thay cơm

Thứ ba, 14/04/2015 10:13

(Cadn.com.vn) - Chiến thắng bất ngờ của quân giải phóng tại thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 10-3-1975 đã gây cho hàng ngũ chóp bu tại Quân đoàn I Vùng I chiến thuật choáng váng. Chúng nhanh chóng áp dụng biện pháp đối phó bằng cách mở rộng kiểm soát chặt chẽ vành đai chung quanh các đô thị lớn, TP Đà Nẵng là đô thị lớn thứ hai của miền Nam càng được địch chú ý tăng cường kiểm soát. Một kế hoạch mở rộng vành đai ở hướng Nam Đà Nẵng được triển khai rầm rộ vào giữa tháng Ba năm 1975, hàng chục xe cày ủi tung những cồn cát ở vùng An Nông - Trà Lộ của xã Hòa Hải, H. Hòa  Vang (nay là P. Hòa Hải thuộc Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), giáp với Cồn Chờ của Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam.

Sau đợt cày tạo vành đai trắng từ Khu Ba, Hòa  Vang đến Khu căn cứ của quận Ba, Đà Nẵng địch cho quân chiếm đóng kiểm soát động tĩnh của lực lượng kháng chiến đang bám trụ tại địa bàn này. Như vậy đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men của cơ sở nội thành cho lực lượng của quận Ba đã bị bịt kín, các cơ quan của quận đã lọt thỏm vào khu vực địch vừa cày ủi, ban ngày bọn lính gác hễ thấy đám bèo lục bình trôi trên sông Cổ Cò, Hòa Hải hoặc sông Điện Bình, Điện Bàn thì chúng xả từng loạt AR15 không tiếc đạn, ban đêm thì chúng cho pháo 105 ly ở trận địa pháo đồn Đờ Ni hoặc ở Cống Tiềm luân phiên bắn cầm canh vào khu vực này.

Trước tình hình khó khăn đó, lãnh đạo đơn vị quyết định giảm định lượng gạo nấu cơm hằng ngày, tăng lượng rau vào mỗi bữa ăn để chống đói, nhưng chỉ đến ngày 20-3 thì chị Sơn, y sĩ kiêm nuôi quân của đơn vị báo cáo với anh Nhung, Chánh văn phòng là chỉ còn vài bơ gạo cuối cùng. Hội ý chớp nhoáng các anh chị em văn phòng, theo đó từ ngày 21-3-1975 toàn cơ quan chuyển sang chế độ ăn cháo nhưng cũng chỉ duy trì được 2 ngày là hết sạch gạo, mắm muối cũng không còn. Để chống đói cho toàn đơn vị, lãnh đạo quận quyết định giao đám lính trẻ chúng tôi nhiệm vụ lợi dụng đêm tối lội sông bắt ốc, luộc chín ăn thay cơm. Phải thừa nhận rằng, đoạn cuối con sông Điện Bình ốc nhiều vô kể, đám thanh niên chúng tôi mặc quần đùi mang theo mỗi đứa một cái bao ngụp lặn bắt ốc, quờ chân qua lớp bùn non thì cơ man nào là ốc, chừng một giờ đồng hồ thì đứa nào cũng đầy bao ốc.

Ngâm qua đêm cho ốc nhả sạch bùn, sáng sớm tranh thủ lúc trời còn mờ sương, chị em phụ nữ nhóm lửa nấu ốc, còn đám thanh niên chúng tôi thì đứng quanh bếp, đứa thì cầm ni-lông che không cho ánh lửa lọt ra ngoài, đứa thì quạt cho khói tan nhanh kẻo địch phát hiện, đây là nguyên tắc “đi không để dấu, nấu không có khói, nói không tiếng” mà chúng tôi đều phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt trong vùng đang tranh chấp với địch. Ngày đầu cả đơn vị ăn ốc thay cơm cũng ngon đáo để, cánh trẻ chúng tôi thì tha hồ ăn thỏa thích, dù chỉ là ăn “chay” bởi đã mấy ngày đơn vị không còn một hạt muối, một giọt mắm nào.

Sang ngày thứ ba, ốc luộc xong dọn lên, mọi người ngồi vào mâm nhưng tay ngập ngừng chọn ốc chứ không như mấy bữa trước, vừa ăn mọi người vừa nhìn nhau ứa nước mắt, thỉnh thoảng có chị bụm miệng chạy vội ra đám chuối bên cạnh hầm tránh pháo nôn thốc nôn tháo. Nghe tiếng oẹ...oẹ..., phản ứng dây chuyền lan nhanh trong chị em, rồi hết thảy chị em cũng oẹ, trừ đám trẻ chúng tôi không còn ai dám ngồi ăn ốc nữa. Lúc ấy tôi nghe rất rõ tiếng thở dài của chú Sáu (tức đồng chí Đặng Phước Trung, Bí thư Quận ủy quận Ba) và ánh mắt đầy lo lắng của anh Ba (tức đồng chí Lê Thanh Vân, Phó Bí thư Quận ủy).

Ngay chiều hôm đó, các anh lãnh đạo họp khẩn bàn chuyện cứu đói cho toàn đơn vị, khi cơ sở hậu cần nội thành không thể tiếp tế cho quận thì quận cử một tổ bí mật luồn lách qua các chốt chiếm đóng của địch để tiếp cận cơ sở, nhanh chóng gùi gạo và thực phẩm về căn cứ, tháo gỡ cho bằng được tình thế nguy khốn mà đơn vị đang gặp phải. Đó là quyết tâm của lãnh đạo quận, đây chính là mệnh lệnh của cấp trên được truyền đạt cho cánh lính trẻ chúng tôi phải thi hành. Nhìn các chú các anh lãnh đạo, các chú lớn tuổi sức khỏe giảm sút nhanh thấy rõ, nước da ai cũng xanh mét mà thương, điều đó càng làm cho cánh lính trẻ chúng tôi thêm quyết tâm nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.

Đến tối, anh Nhung Chánh văn phòng gọi tôi cùng hai anh Phụ và Tiếu hình thành một tổ 3 người, yêu cầu chuẩn bị một cơ số gùi và súng đạn chiến đấu, bí mật vượt qua các khu vực địch cắm chốt để tiến về Vùng 3 Hòa Hải, tiếp cận cơ sở tại đây để nhận gạo và các nhu yếu phẩm khác. Đi trong đêm của tuần cuối tháng Ba, trời tối đen như mực đã ủng hộ cho chuyến “mở đường máu” của chúng tôi. Mờ sáng hôm sau, 3 anh em chúng tôi đã về đến đơn vị với 3 chiếc gùi đầy ắp gạo và những túi đựng nhu yếu phẩm cũng căng phồng. Cả đơn vị vui mừng nói cười theo nguyên tắc không thành tiếng. Thấy chú Sáu, anh Ba nở nụ cười như khen ngợi, làm tổ 3 người chúng tôi nhanh chóng quên đi sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng gùi gạo.

Mới đó mà đã 40 năm, bây giờ ngồi bên mâm cơm đầy đủ hương vị của cuộc sống mới, thi thoảng lại nhớ về những ngày ăn ốc thay cơm mà nghe lòng rưng rưng khó tả.

Mai Mộng Tưởng