Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014):

Nhớ những ngày khoét núi ngủ hầm...

Thứ sáu, 25/04/2014 11:00

(Cadn.com.vn) - Tôi sinh ra ở Thanh Hóa. Bố mất sớm khi tôi mới 8 tuổi, anh cả đã vào bộ đội năm 1950. Lớn lên, tôi và các trai làng đều tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc. Công việc của tôi lúc đó là thống kê lúa gạo để bổ sung lương thực cho chiến trường. Một ngày của năm 1953, Phân đoàn trưởng gọi để họp Phân đoàn Thanh niên cứu quốc: "Chỉ thị của Trung ương đoàn là đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Bây giờ chiến trường đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng, rất cần những thanh niên xung kích ra mặt trận, ai xung phong?". Chớp thời cơ tôi đăng ký tham gia. Được chấp nhận, tôi vui mừng chạy về nhà báo tin cho mẹ và chuẩn bị hành trang: dép cao su, lương thực tự túc 2 ngày, võng... Tập trung điểm danh và được làm công tác tư tưởng xong, chúng tôi đi bộ hai ngày lên bắc Thanh Hóa, đến nơi tập kết thì hình thành nên một Đại đội thanh niên xung phong của Thanh Hóa với quân số hơn 100 người. Lúc này, chúng tôi mới biết các tỉnh đều có các đại đội như thế. Tôi nhớ lúc ấy thanh niên các tỉnh về tập kết đông lắm, khoảng gần 20 đại đội.

Nhiệm vụ đầu tiên của Đại đội Thanh niên xung phong Thanh Hóa là gánh gạo để phục vụ chiến trường Tây Bắc. Những ngày đầu, chúng tôi được giao cho hai cái bồ với gánh, đổ đầy 30 kg gạo. Chúng tôi đi 6 ngày liên tục nên mọi người gần như kiệt sức. Mặc dù có những trạm để dừng lại để ăn nghỉ nhưng do mới làm việc, lại quá nặng nên cũng có người chịu không nổi đã sốt, phải san sẻ cho người khác vì không thể phung phí lương thực giữa đường. Sau khi quen dần với địa hình, chúng tôi chuyển sang tải gạo ban đêm. Vẫn đau vai, mỏi mệt, nhưng chúng tôi ai nấy đều đi trong khí thế ra trận, đi trong tiếng hát vang rừng. Đúng thật là sức trẻ!   

Ông Lê Văn Sơn bây giờ.

 Sau tải gạo, chúng tôi chuyển sang làm đường. Đó là những con đường nách rẽ vào Lai Châu. Do là đường rừng nên chúng tôi phải phạt cây cao, đào đất, đổ đất san bằng để ô-tô có thể đi được. Hai người với một cái cáng cứ thế mà xúc, đổ rồi san, lấp. Cứ một đại đội thanh niên xung phong được làm chung với một tiểu đội công binh. Khi làm xong chặng đường vào Lai Châu, Đại đội chúng tôi lại được giao nhiệm vụ đào hầm ở trên các mỏm đồi. Hầm được đào thành một hình tròn nhưng bên trên có cây cối che chắn. Mỗi hầm đều có nách để trú ẩn, khí tài, súng đạn...

Cứ thế, hết việc này đến việc khác. Nhưng chúng tôi chỉ biết làm theo mệnh lệnh của cấp trên chứ chưa biết mình đang tham gia vào một chiến dịch lịch sử của dân tộc... Mãi đến một đêm, khi các đơn vị bộ đội kéo pháo đến thì mọi người mới đoán ra là sắp có đánh lớn... Ai nấy đều háo hức, phấn khởi, như được tiếp thêm sức lực. Và, khi pháo bắt đầu lên tiếng, chúng tôi lao vào tải đạn, không để cho các khẩu pháo ngưng nghỉ, dù nhiều hầm bị pháo địch bắn trúng... Cứ thế, trong khi lực lượng pháo binh của ta khống chế pháo địch, ngăn xe tăng của địch thì lực lượng thanh niên xung phong chúng tôi cùng bộ binh, dân công hỏa tuyến đào hầm, đào công sự. Đào ngày, đào đêm. Mình đào thì địch phá, địch phá thì mình lại tiếp tục đào. Chia ca, trung đội này đào thì trung đội kia nghỉ, cứ thế liên tục mà đào. Những công sự, địa đạo vươn đến sát sân bay Mường Thanh.

Ông Lê Văn Sơn (ngoài cùng bên phải) đang chỉ huy bay thử ở sân bay Đà Nẵng (năm 1980).

Rồi ngày đại thắng đến. Khi tin tức quân ta chiếm được toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng  De Castries thì tất cả mọi người trong các khu rừng đều rộn ràng một không khí không thể diễn tả được, một sự hân hoan đến tột độ. Trong niềm vui chiến thắng, ai ai cũng hô vang: "Thắng lợi rồi, Quân ta thắng lợi rồi! Hồ Chí Minh muôn năm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm"...

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được tuyển vào lực lượng bộ đội chính quy, sau đó được chọn đi học 10 năm trong nước và nước ngoài. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc nhà máy A39 (Yên Bái), sau giải phóng chuyển về làm Giám đốc nhà máy A32 (Đà Nẵng)... Trải qua nhiều trận chiến, công việc khác nhau, nhưng ngoài cảm giác đất nước hoàn toàn độc lập vào Đại thắng mùa xuân 1975, chưa bao giờ tôi có được cảm xúc mãnh liệt như những ngày tham gia "khoét núi, ngủ hầm" và chứng kiến giờ phút chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

(Ghi theo lời kể của ông Lê Văn Sơn, cựu TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ)
Lê Anh Tuấn