Nhớ những ngày tháng Tám sục sôi!
Trong những ngày toàn tỉnh Quảng Nam và cả nước sục sôi khởi nghĩa, ông Lê Hường và ông Huỳnh Ngân là người phụ trách Đoàn thanh niên, trực tiếp tham gia cướp chính quyền tại xã Tam Nghĩa (H.Núi Thành). Sau này ông Lê Hường thoát ly ra miền Bắc rồi về quê khi nước nhà thống nhất và chuyển vào công tác vào miền Nam, ông Huỳnh Ngân bám trụ tại quê nhà, bí mật hoạt động cách mạng. Tuy xa quê hương, nhưng hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám, hai ông vẫn nhớ như in ngày nổi dậy khởi nghĩa tại quê nhà năm ấy...
Ông Huỳnh Ngân kể chuyện về ngày nổi dậy ở Tam Nghĩa. |
Ông Lê Hường kể: "Tôi còn nhớ, vào 4 giờ sáng 19-8-1945, tại làng Tam Nghĩa, phủ Tam Kỳ, nay là xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành (Quảng Nam), những hồi trống, thanh la làm rung chuyển khắp nẻo đường, lệnh khởi nghĩa vang lên, thúc giục báo hiệu cuộc cách mạng "long trời lở đất" giành chính quyền về tay nhân dân! Sáng hôm ấy, những hồi trống mõ, thanh la... từ phía đầu làng các thôn trong xã đồng loạt vang lên dồn dập, tiếp theo là từng đoàn dân quân địa phương cùng cả nam, phụ, lão, ấu với những bước chân rầm rập như nước vỡ bờ, kéo về các đình làng khiến những tên tay sai của chính quyền phong kiến trong các làng phải tháo chạy nhưng không còn lối thoát. Đoàn biểu tình từ mọi ngả đường ở các làng từ làng Tịch Tây đến An Thiện, Long Phú, An Tân, Long Bình... trong toàn tổng Đức Hòa (xã Tam Nghĩa) lan rộng ra khắp các thôn, xã khác trên địa bàn toàn phủ Tam Kỳ. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu hòa với tiếng trống, mỏ vang lên, cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Tam Nghĩa thật sự đồng khởi cướp chính quyền, với bao nỗi căm hờn dồn lên tiếng trống!
Đoàn người biểu tình thôn Tịch Tây do cụ Nguyễn Quý, cụ Nguyễn Cừu dẫn đầu; tại làng Long Phú có cụ Nguyễn Mười, cụ Nghệ; làng Long Bình có cụ Dương Tứ, Dương Loan..., vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh, Việt Minh quyết thắng!..."; "Đánh đổ đế quốc Pháp, tiêu diệt phát xít Nhật. Việt Nam độc lập muôn năm!", rồi tiến chiếm các công sở của bọn hương lý và quân đội Nhật"! Ông Huỳnh Ngân, được lệnh theo cụ Lê Bá, Nguyễn Đình Lang, Nguyễn Nhất Tấn, Huỳnh Ái trực tiếp đến bắt tên Chánh tổng Đức Hòa. Ông Huỳnh Ngân nhớ lại: "Chúng tôi, lưng thắt dây dừa, tay cầm gậy tiến đến phủ đường Tổng Đức Hòa. Đến nơi, cụ Lê Bá nói giọng đanh thép với tên Chánh Tổng Đức Hòa như ra lệnh: "Tất cả chính quyền của các ông đã bị xóa bỏ, các ông muốn sống bình yên hãy mau trao ấn tín cho chúng tôi và thông báo cho hương, lý trong toàn tổng đứng về phía chúng tôi, giành chính quyền về tay nhân dân, lật đổ bọn phong kiến thối nát". Chỉ trong một ngày, đoàn biểu tình tiến chiếm nhà ga An Tân, các thôn khác cũng đến trụ sở bọn hương lý thu hết tài liệu, ấn tín và hoàn toàn giành chính quyền về tay nhân dân. Lúc này, thanh thế của Việt Minh càng lên cao, hệ thống chính quyền tay sai trong tổng Đức Hòa nhanh chóng tan rã. Đến 21 giờ ngày 19-8-1945, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên các đình làng, báo hiệu cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi. Các cơ quan của chánh, phó tổng đều răm rắp trao hết sổ sách, công quỹ, ấn tín và vũ khí cho đoàn quân cách mạng. Sáng 22-8-1945, xã Tam Nghĩa tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, do cụ Nguyễn Tuyên làm Chủ tịch, cụ Nguyễn Huấn làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban tự vệ cứu quốc xã. Tại lễ mít-tinh thành lập chính quyền cách mạng lâm thời có treo khẩu hiệu: "Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập vạn tuế!". "Mặt trận Việt Minh vạn tuế!". "Đả đảo phát xít Nhật - Pháp". Ông Lê Hường còn lưu giữ những dòng kỷ niệm bằng thơ khó quên do ông sáng tác trong ngày quê hương đứng lên giành chính quyền: "Tiếng trống đình làng/ Tiếng trống Tịch Tây/ Tiếng trống Tam Nghĩa/Kêu vang lớn nhất/ Già trẻ gái trai, dao phay gậy gộc, hô vang khẩu hiệu:/ Ủng hộ Việt Minh? Việt Minh quyết thắng/ Lật đổ bù nhìn/ Cường hào ác bá/ Dựng xây chính phủ/ Dân chủ Cộng hòa/ Tiếng trống vang lên/ Cờ đỏ sao vàng/ Tung bay phấp phới/ Tam Nghĩa đồng khởi, đi cướp chính quyền/ Tiếng trống vang dồn/Đòi áo đòi cơm/ Bao nỗi căm hờn/ Dồn lên tiếng trống"!
Ông Lê Hường sinh tại thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, hiện nay sống tại tỉnh Lộc Ninh; ông Huỳnh Ngân hiện ở thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa, hai ông đều có công cách mạng và đều trên 80 tuổi, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích hoạt động cách mạng. Trong không khí của những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, làng quê Tam Nghĩa nơi khởi đầu cuộc cách mạng 72 năm về trước đã khang trang với những con đường bê tông rộng thoáng chạy dài theo từng thôn xóm. Những đồng lúa chín vàng cùng những ngôi nhà xây khang trang cho thấy đời sống người dân đang thay da đổi thịt trên các lĩnh vực, tạo nên cuộc sống ngày càng sung túc.
TƯỜNG HUY