Báo Công An Đà Nẵng

Nho sĩ tuẫn tiết như dũng tướng!

Thứ bảy, 03/11/2012 00:00

* Bài 1: Xả thân nơi quan sơn muôn dặm...

(Cadn.com.vn) - Có một người con quê hương Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là nhà nho thanh bạch, đã anh dũng hy sinh như các bậc liệt anh, để lại tấm gương sáng về nghĩa khí, tấm lòng trung và nỗi thương tiếc khôn nguôi cho các bậc hậu thế. Đó là cử nhân Nguyễn Hữu Quân, một nho sỹ, nhưng trong lúc nguy nan, phủ thành bị giặc cướp phá, cụ đã anh dũng cầm gươm xông pha trong làn tên mũi đạn để giữ thành, rồi ngã xuống như một dũng tướng!

Theo gia phả tộc Nguyễn Hữu(*), cử nhân Nguyễn Hữu Quân tự là Trúc Hiên, sinh năm Bính Thân - 1836, người thôn Trúc An, tổng Phú Mỹ, H. Duy Xuyên, phủ Điện Bàn. Nay là làng Phước Yên, xã Đại An, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, hiếu học và có cuộc sống thanh bạch. Thân sinh cử nhân Nguyễn Hữu Quân là cụ Nguyễn Hữu Phước, một nhà nho được người dân trong vùng quý mến. Anh trai là Nguyễn Hữu Khát, 6 lần thi đều đỗ tú tài.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học và nền nếp, nên đường học hành, thi cử của Nguyễn Hữu Quân rất hanh thông. Khoa thi Đình tại trường Thừa Thiên năm Tự Đức thứ 20 (Khoa thi Đinh Mão - 1867), Nguyễn Hữu Quân đỗ cử nhân. Khoa thi Hội năm 1868, bài thi của ông có dự vào phân số điểm - có nghĩa là gần bằng điểm lấy đỗ tiến sĩ hoặc phó bảng, theo chế độ khoa cử dưới triều Nguyễn lúc bấy giờ.

Tháng 6-1868, cử nhân Nguyễn Hữu Quân được vua Tự Đức phê chuẩn vào ngạch Huấn đạo, làm Giáo thụ (phụ trách các công vụ về giảng tập và khảo hoạch) phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau đó gia đình có đại tang, Nguyễn Hữu Quân về quê thọ tang. Khi mãn tang, cụ được vua phê chuẩn làm chức Giáo thụ phủ đồng thời làm Quyền Nhiếp vụ (tri phủ) phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Thời điểm này, ngoài việc đương đầu với họa xâm lăng của thực dân Pháp, các tỉnh miền Bắc nước ta lúc bấy giờ còn đối phó với những dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc tràn sang cướp phá ở mạn Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng... và cả bọn giặc Tàu Ô ở biển Đông vào cướp phá ở mạn Quảng Yên, Hải Dương... Theo "Đại Nam thực lục chính biên" của Quốc sử quán triều Nguyễn, quan quân triều đình và địa phương đã nhiều lần ra công đánh dẹp, nhưng có không ít lần giặc Tàu Ô kéo vào rất đông, gây ra nhiều thiệt hại đối với quân dân ta.

Những tư liệu (sắc phong, chế...) liên quan đến cử nhân Nguyễn Hữu Quân được con cháu trong gia tộc lưu giữ cẩn thận. 

Vào đêm 26 tháng Giêng năm 1872, giặc Tàu Ô ngang nhiên đưa 90 chiến thuyền và 1.300 tên vào cướp phá phủ thành Nam Sách. Cụ Nguyễn Hữu Quân đã mang gươm lên mặt thành chỉ huy binh lính đánh trả quyết liệt. Do lực lượng quan quân ít (600 quân, quá nửa là quân mộ dũng), chưa bằng phân nửa số giặc cướp nên thành thất thủ, cụ bị sa vào tay giặc. Với khí tiết khảng khái của một nhà nho, cụ đã lớn tiếng mắng chửi bọn giặc Tàu Ô ngang ngược nên bị chúng sát hại. Người em của cụ là Nguyễn Văn Bốn cũng bị chúng giết. Trong tờ tấu của Bộ Binh với triều đình nhà Nguyễn, đề ngày 25-7-1872, có đoạn viết: "... Còn Phó lãnh binh Hoàng Văn Chữ, các cai đội Dương Văn Hoài, Trần Đạt, Lê Cảnh Hàm, nguyên Giáo thụ kiêm Nhiếp biện công vụ phủ Nam Sách Nguyễn Hữu Quân đều là người có trách nhiệm giữ thành. Khi giặc vây bức thành, họ đều xông mình lên trước ba quân, lên mặt thành chống đánh giặc cho đến khi thành mất, thân bị giặc giết. Nguyễn Hữu Quân là viên quan văn, thế mà cũng đề kiếm xông ra chiến đấu, bị giặc bắt được còn lớn tiếng mắng chửi giặc cho đến khi chúng giết...".

Tưởng thưởng công lao và truy tặng cử nhân Nguyễn Hữu Quân, ngày 25-7-1872, vua Tự Đức đã có tờ chế truy tặng cụ thực thụ chức Giáo thụ và gia tặng là "Phụng Thành Đại Phu, Hàn Lâm Viện Thị Giảng", tên thụy là Đoan Thận, được liệt thờ vào Trung Nghĩa Từ tại Kinh đô Huế. Tờ chế của vua Tự Đức có đánh giá như sau: "Cái khí tiết của người chí sĩ, lúc lâm nguy dù chết chẳng đổi dời; sự biểu dương khen ngợi của triều đình là còn để khuyến khích cho tương lai mãi mãi. Ngày lành hợp ý, ngỏ lòng thương xót công lao. Ôi! Nhà ngươi là Nguyễn Hữu Quân, chức Giáo thụ, lại nhiếp biện các công vụ của phủ Nam Sách đã quá cố! Ngươi sớm dự vào hàng nho khoa, được ra làm việc nơi quận huyện. Biết đem chính sự thi hành, khi được nhận lệnh ngoài ngàn dặm, không trễ nải việc quan, biết hết sức mình trong những ngày trách nhiệm. Bỗng vì giặc quấy mạn Đông, một mình phấn đấu chí diệt thù, song thành cô đơn khó chống giữ nên bỏ nhẹ tấm thân vì nước. Đã hết sức trong phần trách nhiệm, lại dốc lòng khi gặp nguy nan. Lòng trung đó đáng khen, mà sự khen nên thật xứng đáng!". Ông Nguyễn Hữu Đệ, con trai duy nhất của cụ Nguyễn Hữu Quân, cũng được vua Thành Thái ban sắc làm Hàn lâm Viện Đãi Chiếu.

Trong sách "Đại Nam thực lục chính biên" và sách "Đại Nam liệt truyện" cũng như các văn bản liên quan đến cụ cử nhân Nguyễn Hữu Quân còn lưu giữ cho đến ngày nay, không thấy ghi lại công tích của cụ đối với dân địa phương khi làm quyền tri phủ tại phủ thành Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nhưng qua tờ trình của ông Đặng Văn Lương, cai tổng tổng Mạn Đê, thuộc H. Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, gửi cho vợ của cử nhân Nguyễn Hữu Quân vào ngày 9-4-1872, cũng thấy được tình cảm của quan quân và người dân địa phương đối với vị Giáo thụ kiêm quyền Nhiếp vụ phủ Nam Sách thật thắm thiết. Trong đó, cai tổng Đặng Văn Lương đã tường trình cho vợ cử nhân Nguyễn Hữu Quân biết về cái chết anh dũng của cụ, đồng thời kể chi tiết việc mai táng cụ và người em tên Bốn trong thời điểm khó khăn ngay sau khi phủ thành thất thủ. Cai tổng Mạn Đê Đặng Văn Lương đã viết rằng: "Tôi nghĩ rằng, ai không có tấm lòng báo đáp nghĩa ơn, nhưng quan sơn muôn dặm trở ngại xa xôi. Nay tôi khẩn thiết xin rằng: Người đi ngàn dặm để chăn dân, dân cũng phải coi người là vị tôn thân kính trọng. Xin để người được yên nghỉ tại đây trong hai ba năm, cho dân ở đây được giữ gìn cẩn thận không ngại điều chi. Đợi sau đó sạch sẽ, sẽ đón hài cốt người về nơi nguyên quán, thì lòng dân chúng tôi mới được yên vậy!".

Cử nhân Nguyễn Hữu Quân, một nhà nho thanh bạch nhưng tuẫn tiết như một dũng tướng! Khi ấy, ông mới 36 tuổi. Vợ ông, bà Phan Thị Tú khi ấy mới là thiếu phụ 32 tuổi, đã thân gái dặm trường ra đất Bắc để đưa chồng về an táng nơi nguyên quán...

Bài, ảnh: Thạch Hà
(còn nữa)

(*) Chúng tôi trân trọng cảm ơn Gia tộc Nguyễn Hữu (thôn Phước Yên, xã Đại An, H.Đại Lộc - Quảng Nam) đã cung cấp tư liệu cho bài viết.