Báo Công An Đà Nẵng

Nhớ vị tướng đa cảm

Thứ tư, 18/12/2019 14:22

Thượng tướng Nguyễn Chơn, Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, đại biểu Quốc hội khóa VIII, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân khu 5 từ trần mới đó đã 4 năm. Nhớ về ông, tôi như thấy hiển hiện trước mắt vị tướng thật gần gũi, hồn hậu.

Tác giả tặng hoa Thượng tướng Nguyễn Chơn (2015). Ảnh: B.Đ

Ông là vị tướng của nhiều giai thoại. “Cảm nhận khói thuốc mới xuất trận”, “Đánh cho địch không kịp trở tay”, “Vào tận hang ổ địch để diệt địch”, “Mang sở chỉ huy mình đặt cạnh sở chỉ huy địch”, “1 diệt, 4 cắt”... là một trong những tổng kết, đánh giá về ông. Tôi đọc nhiều sách liên quan đến vị tướng quê Đà Nẵng: “Nguyễn Chơn, những chặng đường quân ngũ”, “Người chỉ huy Nguyễn Chơn”, “Vị tướng huyền thoại”... Trên các chuyến đi cùng các cựu chiến binh, tôi hỏi nhiều về ông và càng dày thêm niềm khâm phục về vị tướng trận mạc.

Tôi nhớ năm 2002, khi một nhà xuất bản vừa cho ra mắt cuốn sách: “Người chỉ huy Nguyễn Chơn”, tôi có bài viết giới thiệu với bút danh mới. Ông đến cơ quan Báo Quân khu 5 và hỏi “Nhật Hạ là ai?”. Tôi sợ xanh mặt. Chết rồi! Chắc có vấn đề gì đây! Không ngờ, ông xoa đầu: “Hiểu về ông như vậy là tốt lắm”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, từ đó trở nên thân thiết với ông.

Năm 2011, Báo Đà Nẵng yêu cầu tôi viết bài về ông trên báo Xuân 2012 nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9-Nam Lào. Ông rất nhiệt tình dẫu nói một chút là mệt, bởi ông bị bệnh hen suyễn. Thấy vậy, hôm sau tôi lại đến. Ông bảo: “Sao mi lì quá, ông bảo nói 15 phút thôi mà không chịu về”. Mắng yêu là vậy, nhưng ông rất vui. Thường ông ít kể trọn vẹn một câu chuyện mà giới thiệu tôi gặp những cán bộ của ông như: Đại tá Trần Như Tiếp, Nguyễn Hữu Chu, Nguyễn Đức Chuyển, Vũ Đình Nã, Nguyễn Đình Ngật... Chính nhờ những CCB này đã giúp tôi hoàn thành các bài viết về ông. Tôi nhớ năm đó, tặng ông tờ báo Xuân có bài “Tết với người mạng lớn”, ông rất vui: “Mi viết cũng được đó chớ”. Ông hỏi: "Nhuận bút có nhiều không, nếu ít để ông cho thêm mấy đồng, chứ đi lại hoài như thế, xăng dầu tốn kém”. Tôi nói nhiều lắm, ông mới yên tâm.

Tôi để ý, vị tướng “thét ra lửa” này rất đa cảm. Hôm Ban chỉ huy Sư đoàn 2 và chị Khánh Hà, vợ  trước đây của Đại tá, liệt sĩ Trương Hồng Anh đến thăm nhân 50 năm ngày thành lập Sư đoàn (2015), ông kể lại ngày xưa và cứ rơi lệ. Nhất là chuyện hàng trăm liệt sĩ trước đây chôn cất, làm dấu chưa tốt nay không còn tên tuổi. Ông bùi ngùi khi nhắc đến các chiến sĩ miền Bắc vào, khi hy sinh còn rất trẻ, khuôn mặt đậm nét thư sinh. Ông mở cho xem hai tập video về cuộc đời ông do những người lính thuộc quyền tặng. Phim này ông đã xem rất nhiều lần, vậy mà cảnh nào vị tướng nhìn cũng không chớp mắt. Đó là nhân dân dẫu còn khó khăn vẫn dành cho đơn vị từng đòn bánh tét, tô mì Quảng để bộ đội ăn Tết sớm chuẩn bị đánh trận Mậu Thân 1968. Các Sư đoàn trưởng, Chính ủy là cấp trên hoặc là cán bộ thân thuộc đã hy sinh, dẫu hình ảnh lưu lại không nhiều nhưng bóng hình nào thoáng qua, ông lại nghẹn ngào.

Có một điều mà không phải ai cũng biết, đó là ông có thể tiên liệu được trận đánh đó sẽ tổn thất bao nhiêu. Khi chưa ra trận đã nghĩ đến chết chóc là điều tối kiêng kỵ. Với ông, tiên liệu số CB, CS hy sinh là để chuẩn bị chu đáo công tác hậu cần, đặc biệt là lực lượng cứu thương, y tế, hậu phẫu, chuyển thương binh, liệt sĩ về phía sau. Tuy nhiên, ông đã không làm hoàn toàn như ý muốn khi đánh Biệt khu 24 ở thị xã Kon Tum năm 1972 mà Sư đoàn không phải là đơn vị quyết định hoàn toàn cách đánh và thời gian xuất quân. Điều này làm ông day dứt mãi. Những người hùng chỉ thích nói đến những trận thắng. Còn ông thì không ngại nói đến những mất mát. Ông không quá đặt nặng xây tượng đài các chiến tích mà mong mỏi CB, CS nhất là Sư đoàn 2, Quân khu 5, nơi ông từng chỉ huy hãy đến thắp hương thường xuyên những nơi này, thăm địa phương, các gia đình đã từng giúp đỡ, cưu mang đơn vị và phải làm tốt công tác quy tập liệt sĩ.

Tôi nhớ nhất là lần đoàn Điện ảnh Quân đội vào làm phim về ông. Xui là lần này ông mệt. Việc ông phải xuất hiện chừng 30 phút với quân phục chỉnh tề là cả một vấn đề. Biết tôi gắn bó với ông, đạo diễn Trần Lê Trang luôn bảo tôi đi trước tiền trạm. Nếu ông khỏe thì quay, mệt thì ngừng. Cũng may, đoàn đã hoàn thành tốt chương trình. Lại có lần, đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh tỉnh Bình Định xin vào chụp ảnh ông, nhờ tôi nói hộ. Ông đang ăn sáng, vậy mà bảo với công vụ thu dọn nhanh và chuẩn bị quân phục giúp ông. Tôi nghĩ đoàn nhiếp ảnh Bình Định đã may mắn có những tấm ảnh đẹp nhất về ông. Kỷ niệm sâu đậm nữa, đó là sau khi bài  “Viết để tri ân” viết về ông đăng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng tháng 6-2015, tôi mang đến đọc cho ông nghe, ông rơm rớm nước mắt.

Có lần ông hỏi tôi: “Ông đố mi (ông hay gọi người đối diện thân mật bằng mi), ông đã về hưu cả chục năm, vì sao Nhà nước vẫn cho ông hưởng các chế độ như đương chức”. Tôi nói: “Tại ông có nhiều công lao với quân đội, với đất nước”. Ông nói: “Không phải, vì hiện tại ông vẫn đang làm việc chứ không nghỉ. Đó là tổng kết lịch sử chiến tranh trong các cuộc kháng chiến của Quân đội ta và rút ra bài học kinh nghiệm. Tiếc là sức khỏe không cho phép, nên ông chưa hoàn thành như ý nguyện”. Ông nói ông đã 7 lần đi Trường Sa, biển đảo là một phần thiêng liêng trong ông. Ông kể về năm 1975, sau khi giải phóng Đà Nẵng, ông chỉ đạo Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38 cùng một bộ phận pháo binh Sư đoàn 2 phối hợp với Bộ đội Hải quân đi giải phóng Trường Sa. Chiến lợi phẩm mà tiểu đoàn gửi về cho Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn là một tên tù binh đại úy ngụy quê Hòa Vang và một rổ trứng chim hải âu. Kể đến đây ông cười, nụ cười hiền hậu trên gương mặt hồng hào, mái tóc bạc trắng như một ông tiên.

Bây giờ, tôi không còn thấy nụ cười của ông nữa.  Không còn nghe ông nói câu thân quen: “Ông chỉ có 15 phút thôi đó nghe, nói lâu ông mệt”, nhưng rồi sau đó sẵn sàng kể những câu chuyện chiến đấu mà tôi ngỡ như huyền thoại. Thương nhớ ông, tôi lại đi qua căn nhà trên đường Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng, bần thần nhìn vào trong, chợt nghĩ chốc nữa thôi, mình sẽ bấm chuông vào. Ông vẫn ngồi đó trong bộ pijama xem tivi hoặc đọc sách báo, bình thản như ngày nào ra trận...

HỒNG VÂN