Báo Công An Đà Nẵng

Nhọc nhằn đường về vùng cao

Thứ bảy, 20/09/2014 11:30

(Cadn.com.vn) - Bước vào mùa mưa, đường đi 4 xã vùng cao của H. Tây Giang (Quảng Nam) đã bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông tại những đoạn đường trọng điểm đi vào các thôn.

Nhiều phương tiện giao thông phải chống chọi gian nan với "nạn" bùn đất sạt lở. 

Gùi, cõng, đẩy...

Tuyến đường đi các xã Tr'hy, Axan, Ch'ơm và Gari đang được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư thi công đi vào giai đoạn cuối. Đoạn đường từ trung tâm H. Tây Giang đến xã Tr'hy đã được thảm nhựa, đảm bảo phục vụ việc đi lại của nhân dân. Riêng các xã còn lại thì đã đổ đá cấp phối. Mùa nắng thì đi được, nhưng vào những ngày mưa thì đường trơn trượt, khó khăn trong việc đi lại. Nhiều người phải bỏ phương tiện, đi bộ vượt đường rừng để về nhà.

Vừa đẩy chiếc xe máy đặc quánh bùn đất dính đầy bánh xe, ông Pơloong Năng ở xã Ch'ơm vừa thở dài vừa nói: "Mới mưa đêm qua thôi, mà nó (đường) như thế này rồi, dân khổ lắm". Không chỉ có ông Năng bị như thế, phía trước và sau ông cũng nhiều xe máy và ô-tô rú ga inh ỏi nhích đi từng bước một.

Đoạn đường từ Axan đi Ch'ơm dài hơn 15 km, để tránh đoạn dốc nằm giữa ranh giới hai xã này - nơi ông Năng và cả đoàn xe đang dính bùn, chủ đầu tư đã mở sang tuyến khác, lý trình dài hơn nhưng không có một người dân nào đi đường này, chủ yếu đi theo đường cũ để không mất thời gian, dù con đường đang xuống cấp, sạt lở nặng.

Chị Bhling Thị Đẹp ở xã Ch'ơm đang bồng con chờ chồng đẩy xe liên tục hối thúc mọi người giúp nhau tháo đồ đạc để nhẹ xe đẩy đi dễ dàng. Cảnh tượng đường sá vùng cao như lúc này đã quá quen thuộc với chị. Mỗi lần về huyện hội họp, chị thường cuốc bộ để kịp thời gian, dù đi đường bộ mất gần cả tuần, chị cũng cố gắng làm tròn trách nhiệm của một Chủ tịch Phụ nữ xã.

Với người dân thôn Ch'nốc (xã Ch'ơm), mỗi mùa mưa đến là mỗi dịp người dân nơi đây như cô lập với bên ngoài. Sống trên đỉnh núi cao, nằm ngay ranh giới Việt - Lào, sự khắc nghiệt của thời tiết thể hiện rõ trong từng mái nhà, bếp ăn của người dân nơi đây. Ch'nốc cũng là nơi được chọn đặt lá cờ Tổ quốc, cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lùm.

Từ ngày khai trương cửa khẩu, mọi việc đầu tư ban đầu chưa được rục rịch mấy, người dân nơi đây thì đang rất cần một con đường hoàn chỉnh, không còn phải sống cảnh đường đi vào thôn, lên cửa khẩu nhầy nhụa bùn đất, mỗi lần đi xuống xã có việc phải mất nhiều thời gian.

Khi đề cập đến việc này, ông Riáh Đưm, Bí thư Đảng ủy xã Ch'ơm khẳng định: "Lâu nay dân vẫn quen thuộc với cảnh bùn đất, những tưởng khi đã có đường rồi thì sẽ đỡ khó khăn mà lại khổ thêm nhiều, nhất là nhân dân thôn Ch'nốc đến nay việc đi lại của nhân dân đang rất khó khăn. Chúng tôi hy vọng sớm có đường để đảm bảo việc đi lại của nhân dân, phục vụ giao thương tốt với bạn Lào".

Không chỉ con đường lên Ch'nốc, ngay trước trụ sở UBND xã Ch'ơm một ao nước tụ lại do không có dòng chảy thoát đã ngập cả đường huyết mạch đi vào trung tâm xã Ch'ơm và Gari. Đây là đoạn nước ngầm gây nhiều khó khăn nhất cho nhân dân khi đi qua bằng xe máy. Chứng kiến cảnh hai người bán hàng dạo qua ngầm, mới thấy xót thương.

Xe vừa đến giữa ngầm thì chết máy, người vợ ngồi sau cố gắng đẩy cho chồng, nhưng rồi cả người và xe đều nằm dưới nước. Lực lượng dân quân xã phải túc trực thường xuyên để phụ giúp người qua lại đoạn ngầm này. "Chúng tôi không cần đầu tư cái khác, mà cần nhất phải có một cái cầu nhỏ để cho xe máy đi qua an toàn đoạn ngầm này", một chị bán hàng dạo bức xúc.

Ông Pơloong Năng hì hục xúc đất "giải cứu" xe máy.

Cần lắm đường đến thôn...

Gắn với việc xây dựng nông thôn mới, H. Tây Giang cũng đang từng bước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng dân sinh, trong đó việc hoàn chỉnh đường sá về các thôn, cụm dân cư được ưu tiên hàng đầu.

Theo ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND H. Tây Giang, việc đầu tư cho giao thông hết sức quan trọng, cái khó của địa phương là nguồn kinh phí rất hạn hẹp, khi lồng ghép nhiều nguồn vốn cũng không đầu tư hoàn chỉnh hết được. "Cái cần đầu tư nhất hiện nay là đường lên các xã Ch'ơm và Gari, đặc biệt là đường lên cửa khẩu Ch'nốc để sớm vận chuyển vật liệu xây dựng, đầu tư dần cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lùm, giảm bớt khó khăn trong việc đi lại của người dân", ông Bhling Mia xác nhận.

Đến thời điểm hiện nay, Tây Giang cơ bản có đường giao thông về đến các thôn, nhưng việc đầu tư chỉ mới dừng lại chỗ san ủi, mở rộng, lắp cầu, cống, chưa có nguồn đầu tư thảm nhựa để hạn chế khó khăn trong giao thông.

Theo ông Bhơriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang: "Việc đầu tư mở đường là hết sức quan trọng, nhưng việc mở đường đối với vùng cao phải tính toán đến việc thảm nhựa, nếu chỉ làm đường đất không thì lầy lội, sạt lở ta-luy vẫn diễn ra thường xuyên, hàng năm chúng ta lại tốn tiền tu bổ, sửa chữa,...".

Mùa mưa đã về, công tác phòng chống lụt bão, tắc đường đang được H. Tây Giang tập trung quan tâm. Dù vậy, với đặc thù là huyện biên giới, địa hình cách trở nên mỗi mùa mưa đến là mỗi mùa người dân vùng cao Tây Giang phải chịu cảnh đi bộ dài ngày, tài sản xe máy hư hỏng dọc đường, gây tốn sức người, của cải.

Nhiều người dân nơi đây như thôn Ch'nốc (Ch'ơm), Ariêu (Tr'hy), A'ur (Avương), Z'lao (Dang) vẫn hàng ngày mong ngóng những con đường đến sớm với họ, để con em họ biết được ô-tô, xe máy, tivi,... mai này sẽ làm thay đổi dần cuộc sống khó khăn của họ.

Bài, ảnh: Bhơriu Quân