Báo Công An Đà Nẵng

Nhóm lửa yêu thương

Thứ tư, 21/07/2021 16:43

Gần 11 giờ trưa, giữa tiết trời oi bức, bước ra từ số nhà 98 Lê Độ (P. Chính Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng), bà Nguyễn Thị Hoa (65 tuổi) tay cầm tập vé số còn dày, tay còn lại cầm hộp cơm, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc, xúc động. Bà Hoa là một trong số rất nhiều lao động nghèo tới đây mỗi trưa để nhận cơm “0 đồng”...

Những suất cơm nghĩa tình tiếp sức lao động nghèo giữa khó khăn vì dịch bệnh. 

Đồng cảm, sẻ chia

Chưa vội tìm nơi mát mẻ để dùng phần cơm ấy, bà Hoa thổ lộ: “Ngày nào tôi cũng đến nhận cơm nhưng mọi người ở đó vẫn chờ tôi cùng những lao động nghèo khác. Chúng tôi vui lắm bởi vì cuộc sống vẫn có nhiều người tốt như thế, sẵn sàng đồng cảm, sẻ chia, tiếp sức cho những bệnh nhân và lao động nghèo vượt qua những lúc khó khăn, hoạn nạn. Tôi từ Quảng Nam ra đây bán vé số đã gần chục năm nhưng khó khăn thì bao năm vẫn vậy. Tiết kiệm được đồng nào, tôi sẽ dành để dưỡng già khi mai này đôi chân không còn khỏe, đôi mắt không còn nhìn thấy tờ vé số để đi bán nữa”.

Từ nhiều năm qua, số 98 Lê Độ đã trở thành địa điểm tiếp sức quen thuộc cho những lao động nghèo khắp thành phố biển Đà Nẵng. Bất cứ ai khó khăn có nhu cầu dùng cơm chay miễn phí, ghé vào đây đều nhận được những phần cơm nóng hổi, thơm ngon. Anh Phạm Phú Tiếng là người tổ chức nấu ăn cùng với những người bạn của mình để dành tặng cho người nghèo. 

Anh Tiếng cho hay, vào năm 2009,  trong một lần đưa con vào bệnh viện chữa bệnh, đến giờ phát cơm từ thiện, mọi người liền ào xuống nhận nhưng không phải ai cũng may mắn có phần. Nhiều người trở lên tay không vì những suất cơm thì có hạn mà số bệnh nhân và người nhà có nhu cầu nhận cơm miễn phí thì quá đông. “Sau lần đó, tôi về bàn với vợ tổ chức phát cơm miễn phí cho bệnh nhân và người nhà tại các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng, vợ tôi gật đầu. Hai vợ chồng cùng một số bạn bè, người thân có cùng chí hướng cứ thế triển khai. Dần dần, khi duyên đến, chúng tôi triển khai thêm việc nấu ăn tặng miễn phí cho các lao động nghèo trên địa bàn Đà Nẵng”, anh Tiếng cho hay.

Vốn là người cẩn thận nên những phần ăn trước khi đến tay người nghèo đều được anh Tiếng chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ việc đi chợ, làm sạch cho đến sơ chế đều được anh và những người bạn thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Thế nên, những phần ăn luôn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. “Mình cho người khác hộp cơm và nhận về sự biết ơn của mọi người thì mình cũng phải có trách nhiệm trong các khâu chế biến. Mừng là hầu hết những lao động nghèo nhận cơm ở đây đều khen ngon và đến nhận thường xuyên. Khi cho đi một thứ gì đó làm ta vui nghĩa là ta đang góp phần lan tỏa những giá trị đích thực của cuộc sống”, anh Tiếng bộc bạch.

Để có những phần cơm trưa thơm ngon dành tặng lao động nghèo, nhóm thiện nguyện của anh Tiếng phải chuẩn bị từ sáng sớm.

“90 ngày chia sẻ yêu thương”

Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, ngoài việc phát cơm tại các bệnh viện, cứ tuần 3 lần anh Tiếng sẽ tổ chức phát cơm tại nhà. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Đà Nẵng, anh quyết định phát cơm hằng ngày để tiếp sức lao động nghèo. Trung bình mỗi ngày, có hơn 500 suất cơm được phát ra. Các món ăn cũng được anh và mọi người chủ động thay thế để đảm bảo dinh dưỡng cũng như thay đổi khẩu vị.

“Từ giữa tháng 4 đến nay đã hơn 90 ngày tiến hành phát cơm theo chiến dịch “90 ngày chia sẻ yêu thương” đề ra ban đầu nhưng dịch chưa dừng lại nên đương nhiên mọi người cũng sẽ không dừng lại. Khi xã hội còn những hoàn cảnh khó khăn, cần được tiếp sức là chúng tôi còn tiếp tục vào bếp, nhóm lửa yêu thương”, anh Tiếng nói.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà là người trực tiếp đứng bếp cho hay, biết được hoạt động ý nghĩa của mọi người ở đây nên chị tình nguyện đến hỗ trợ. Mỗi người một việc, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến hơn 10 giờ trưa để kịp thời làm xong những suất cơm tặng người nghèo. “Trong giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm thế này, mọi người cũng ý thức được vấn đề phòng chống dịch nên khi tham gia nấu nướng ai cũng rất cẩn thận. Các tình nguyện viên và bà con nhận cơm cũng tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch. Mong là dịch chóng qua để bà con bớt khổ, cuộc sống sớm quay trở lại bình thường”, chị Hà bộc bạch.

Hiện, một số địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Để hỗ trợ bà con khó khăn trong các khu vực này, nhóm thiện nguyện của anh Tiếng cũng đã tăng gấp đôi số lượng cơm mỗi ngày và đã tiến hành trao tặng. Theo anh Tiếng, để có kinh phí thực hiện thành công các hoạt động, anh và mọi người luôn nhận được sự quan tâm, đóng góp từ các mạnh thường quân. Tất cả kinh phí đóng góp này đều được anh công khai và tổ chức thực hiện đúng mục đích. Mọi sự chung tay, đóng góp, đặc biệt trong lúc khó khăn về dịch bệnh này của các mạnh thường quân đều đáng trân quý, anh và mọi người sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành sứ mệnh lan tỏa yêu thương...

THÀNH DANH