Báo Công An Đà Nẵng

Như một niềm chia sẻ (*)

Thứ sáu, 05/12/2014 10:20

(Cadn.com.vn) - Khi định in thành tập những bức thư này, gia đình anh Võ Hòa (công tác tại Điện lực Đà Nẵng) không có ý muốn gì khác ngoài việc lưu lại những kỷ niệm. Nếu phải nói thêm điều gì, thì có lẽ không thể “quên” được một cái-bóng-nền-tảng, phía sau những tâm tình ấy. Về phía những người thân của gia đình anh, khi nhận được món quà tinh thần này, hẳn nhiên sẽ có sự cảm nhận khác nhau mà vượt lên trên tất cả, đó là sự đón nhận và chia sẻ về lòng tin và tình yêu đối với con người và cuộc sống. Trên những cánh thư (từ gia đình Võ Hòa), chúng ta có thể hy vọng về đất nước và con người Việt.

Tập thư này là sự bày tỏ những tình cảm chân thành nhất của gia đình anh Võ Hòa trong nhiều năm, giữa cha mẹ đối với con cái và ngược lại. Anh có hai người con, một trai một gái (Võ Hoàng Nguyên, Võ Thị Hoàng Oanh), học rất giỏi, tốt nghiệp THPT nhận được học bổng du học. Không nói thì ai cũng biết sự vui mừng và cả những lo lắng của những phụ huynh có con đang ở độ tuổi 18 được đi học nước ngoài... Trong thời gian các con học ở nước ngoài, gia đình anh thường xuyên gửi thư thăm hỏi, dặn dò. Tình cờ qua một lá thư, có thể biết được tình trạng tài chính của gia đình anh: “...Hôm trước Trình đến nói chuyện Đông Du, ba có mời nó ăn cơm, mà thấy nó cũng có vẻ bất ngờ! Món ăn đơn sơ, chất lượng vừa phải-thế thôi-tiết kiệm chi tiêu một cách thật sự. Nhưng đối với chuyện học hành của các con và quan hệ xã hội, ba má luôn đặt lên hàng đầu...”.

 

Bên cạnh đó, còn là những gợi ý- hướng dẫn của người đi trước, những tâm tình-trao đổi của bằng hữu. Nhưng hơn hết là một quan niệm sống đúng đắn. Chẳng hạn, trong một bức thư, anh đã tâm tình với con trai: “...Tình yêu chỉ đẹp khi con có đầy đủ những tri thức để hưởng thụ nó. Sự cảm nhận tình yêu tùy thuộc vào trình độ của mỗi người... Tình yêu sẽ là tác nhân cho sự thành công, sự miệt mài học tập, chứ không phải là thứ thuốc hủy diệt làm cho chúng ta mơ mộng những thứ viển vông...”. Hoặc là những lời động viên thật nhẹ nhàng và “hợp lý”: “...thất bại là một bài học lớn để chứng minh bản lĩnh của con người. Con nên nhớ rằng, học là môi trường để thực tập sự thất bại. Với tư cách là người đi trước, anh “cung cấp” cho hai người con thân yêu một quan niệm sống: Không nên tính toán so bì quá mức vì sẽ mất đi tình bạn và mối quan hệ. Làm việc tốt cho người này không phải để trả ơn mà qua đó, mình sẽ có thể nhận được sự may mắn và hỗ trợ của người khác. Luôn luôn vui vẻ chào hỏi để mong muốn rằng mọi người đều có sự quan tâm lẫn nhau.

Không chỉ biết tin vào sự cố gắng của bản thân khi đối diện với cuộc đời, anh Võ Hòa cũng thường xuyên nhắc đến ơn gia hộ của Trời-Phật và phước ấm của tổ tiên đối với gia đình anh. Còn về phía hai người con, thì nhờ được giáo dục trong “nếp nhà” vẫn giữ được cung cách văn hóa ứng xử truyền thống nên đã từng bước trưởng thành. Con trai anh  nhiều khi đọc thư đã bật khóc khi thấu hiểu được giá trị của tình cảm gia đình. Khi còn ở nhà sống trong sự bảo bọc của gia đình, giờ đây, lúc phải tự lực lo toan mọi việc giữa một môi trường sống hoàn toàn mới mẻ, em mới chợt nhận ra giá trị của một “mái nhà” để chân thành bày tỏ: “...18 năm được má chăm sóc, lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ nhưng cũng chính trong 18 năm đó con chỉ biết ăn và học, 18 năm con chưa nhận ra tình cảm mà má đã dành cho mình.

Và để rồi bây giờ khi đã đi xa, sống cách ngôi nhà xưa hàng ngàn cây số, con mới thấy nhớ má và luôn nghĩ về má, về những bữa ăn má nấu mà hồi còn ở nhà con hay chê dở, để rồi bây giờ trong lúc ngập đầu trong những con tính, những cuốn sách hàng trăm trang nhưng lòng vẫn cảm thấy thiếu gì đó, có cảm tưởng như mình còn phải làm gì đó! Suốt 18 năm đi học con chưa từng mua một bông hoa tặng má; giờ đi trong hành lang rộng của ngôi trường đại học này, thấy những quầy bán hoa, những anh sinh viên mua hoa tặng một ai đó, con cũng muốn mua một bông, một bông để tặng má nhưng xa xôi quá...”.

Còn cô con gái Võ Thị Hoàng Oanh khi vừa mới đặt chân lên đất khách đã nhận ra: “Mọi thứ đều có hai mặt và không có bất cứ cái gì là hoàn hảo (cũng như trong kinh tế thầy đã dạy, thị trường cạnh tranh hoàn hảo rất ít khi hoặc không bao giờ tồn tại)”. Và đến khi nghe được những lời sau đây, có lẽ cô có thể yên tâm về con đường dài trước mắt mình phải đi qua: “Mỗi lúc khó khăn, gia đình và bạn bè luôn là chỗ dựa cho con. Con người sống trên đời đẹp nhất là tình cảm. Cái gì cũng có thể mất đi, vạn vật sinh ra rồi chết đi theo quy luật của nó nhưng tình cảm con người dành cho nhau sẽ theo mãi chúng ta”.

 Nguyễn Đông Nhật

(*) Đọc “Trên những cánh thư”-(tản văn của gia đình Võ Hòa)-NXB Hội Nhà văn