Báo Công An Đà Nẵng

Nhức nhối nạn khai thác vàng trái phép ở Tam Lãnh

Thứ ba, 02/02/2016 10:22

(Cadn.com.vn) - Từ lâu, vấn nạn khai thác vàng trái phép đã kéo theo rất nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, mất ANTT và năm nào cũng có người chết vì sập hầm... Mặc dù ngành CA và chính quyền địa phương đã tích cực triển khai đẩy đuổi, truy quét, nhưng hàng loạt tụ điểm khai thác vàng trái phép vẫn mọc lên sau mỗi đợt truy quét của ngành chức năng. Những ngày giáp Tết Bính Thân này, tình hình khai thác vàng trái phép ở Tam Lãnh (P. Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

5 giờ, 12 CBCS Đồn CA Tam Lãnh (H. Phú Ninh) cùng lực lượng CA, dân quân xã bí mật xuất phát đến địa điểm truy quét là Suối Tre - địa bàn giáp ranh với xã Trà Kót, H. Bắc Trà My. Hơn 2 giờ đồng hồ lội bộ xuyên rừng, lực lượng truy quét mới đến được một trong những điểm khai thác vàng lậu có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Những vạt núi nham nhở, những cánh rừng tan hoang, những dòng người nhốn nháo trốn chạy... là hình ảnh thường thấy ở đây. Suối Tre, một trong 20 điểm khai thác vàng trái phép của xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh. Mặc dù thời gian vừa qua lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức hàng trăm đợt truy quét đẩy đuổi, tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh, hàng trăm lượt người dân xã Tam Lãnh và một số tỉnh miền núi phía Bắc vẫn lén lút vào đây khai thác vàng trái phép. Lực lượng chức năng bất ngờ vây ráp khu vực khai thác vàng trái phép của đối tượng Nguyễn Đình Thanh (trú thôn 3, xã Tam Lãnh). Cách đây một tháng, Thanh đã bị lực lượng chức năng đẩy đuổi ra khỏi địa bàn, bản thân Thanh cũng đã ký cam kết không tái phạm. Nhưng thực tế tại hiện trường khai thác vẫn tái diễn trở lại và khá quy mô, các hoạt động đào đãi vàng chỉ mới dừng lại ít phút đồng hồ trước khi lực lượng truy quét đến nơi. Thanh cho biết: “Tôi biết việc khai thác quặng vàng ở đây là sai, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, làm không ra tiền, ở nhà ruộng vườn cũng ít, nương rẫy thì không có”.

Tại khu vực Suối Tre, có hàng chục lán trại, hầm khai thác vàng trái phép và hàng chục phu vàng đều là người dân ở xã Tam Lãnh. Điệp khúc, “truy quét - trốn chạy” vào rừng sâu, hết truy quét lại ra làm lại” vẫn thường xuyên diễn ra ở đây. “Một thực tế là sau khi lực lượng rút đi, các đối tượng khai thác vàng trái phép vẫn bất chấp những nguy hiểm khai thác dưới hầm lò không chèn chống, nguy cơ sập hầm lò có thể xảy đến bất cứ khi nào” - ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng CAX Tam Lãnh cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, đại úy Lê Văn Việt - Phó Đồn CA Tam Lãnh, cho rằng: “Người dân ở Tam Lãnh sống bằng nghề đào đãi vàng, một ngày họ kiếm 150-200 ngàn đồng, là con số đáng kể. Chúng tôi nhiều lần truy quét, đẩy đuổi, phá hủy máy móc, lán trại nhưng chỉ sau một thời gian các đối tượng này trở lại khu vực cũ dựng lán trại và tiếp tục làm”.



Lực lượng CA truy quét, phá hủy nhiều phương tiện khai thác vàng trái phép.

Theo báo cáo của CAH Phú Ninh, năm 2015, đơn vị đã tổ chức hàng trăm đợt truy quét, phá hủy 300 máy móc dụng cụ, phương tiện dùng làm vàng, đẩy đuổi hơn 610 phu vàng trái phép ra khỏi địa bàn. Đa số các phu vàng là người dân nghèo ở Tam Lãnh, không nghề nghiệp ổn định, không đất sản xuất... Thượng tá Lê Hữu Hoa - Trưởng CAH Phú Ninh cho biết: “Để hạn chế tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực Tam Lãnh, CAH Phú Ninh thường xuyên mở các đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác, chế biến khoáng sản trái phép. Nhưng theo tôi các cấp chính quyền cần tạo điều kiện công ăn việc làm cho số người dân này thì mới giải quyết căn cơ tình hình làm vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh. Trước, trong và sau Tết, lực lượng CAH sẽ phối hợp với các ngành chức năng triển khai các đợt cao điểm truy quét, trấn áp các đối tượng đang khai thác tại các khu vực thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh và các vùng giáp ranh. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Đồn CA Tam Lãnh tăng cường lực lượng chốt chặn 24/24 giờ tại các hầm mỏ để ngăn chặn các đối tượng vào làm vàng”.

Tại các khu vực Ngách Chụm, Núi Kẽm, Nhà Thùng, Nhà máy đỏ, Đồi Sim, Gò Gai, Lò 5, Lò 10... với hàng chục hầm lò đan xen lẫn nhau như một mê cung, các cơ quan chức năng của H. Phú Ninh khi tiến hành truy quét khu vực này cũng rất khó lòng xâm nhập đường hầm sâu trong núi. Để hạn chế phu vàng vào khu vực này, Đồn CA Tam Lãnh đã lập nhiều trạm kiểm soát cơ động chốt chặn các đường nhưng người dân vẫn tìm cách băng rừng, tìm đường mòn lên núi. “Nguồn lợi từ vàng là quá lớn, đời sống của nhân dân xã Tam Lãnh chủ yếu đều lệ thuộc vào làm vàng. Một số bộ phận nhân dân bất chấp nguy hiểm vào rừng khai thác vàng trái phép. Mặc dù huyện đã nhiều lần thành lập đoàn liên ngành truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn chưa chấm dứt được. Năm 2016 cũng là năm xã Tam Lãnh phấn đấu đạt xã Nông thôn mới, vì thế huyện cũng đã quy hoạch, xây dựng các mô hình kinh tế gắn với rừng nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân. Để cho người dân và không bị lệ thuộc vào việc khai thác vàng, ngoài sự đầu tư của huyện thì cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành từ T.Ư tới tỉnh” - ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND H. Phú Ninh cho biết thêm.

Trong khi chờ đợi những giải pháp, thì hiện tại CBCS Đồn CA Tam Lãnh vẫn đang ngày đêm nỗ lực chốt chặn, truy quét đẩy đuổi. Bởi, dịp Tết Nguyên đán luôn là thời điểm “rộn ràng” của việc đào đãi vàng trái phép. Bao đời gắn bó với một nghề mưu sinh duy nhất là “đào vàng”, nếu không có những giải pháp căn cơ và bền vững để ổn định đời sống, thì nạn khai thác vàng trái phép ở Tam Lãnh sẽ chưa có hồi kết.

Sỹ Bình