Báo Công An Đà Nẵng

Nhức nhối nạn mua bán bào thai ở vùng cao xứ Nghệ (Bài 1: Bán con để trả nợ)

Thứ sáu, 01/03/2019 17:00

Những năm qua, tình trạng mua bán người, mua bán trẻ em ở các huyện miền núi xứ Nghệ liên tục xảy ra khiến tình hình ANTT vô cùng phức tạp. Trong khi tình trạng này chưa có dấu hiệu giảm thì trong 2 năm 2018 và 2019, ở các huyện miền núi Nghệ An đồng loạt xuất hiện vấn nạn mua bán bào thai. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 260 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Gia đình có người đi Trung Quốc bán bào thai ở bản Đỉnh Sơn 1. 

Thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu tiền trang trải cuộc sống gia đình nên nhiều người phụ nữ ở các bản nghèo vùng cao xứ Nghệ đã chọn cách ít ai dám nghĩ đến đó là bán con để trả nợ. Bởi vậy, khi những đứa trẻ đang nằm trong bụng mẹ đã được những kẻ buôn bào thai ngã giá bán sang Trung Quốc. Đó là thực trạng đáng buồn xảy ra ở huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An.

Ngược QL7 lên Kỳ Sơn – huyện biên giới giáp ranh với nước bạn Lào, nơi được xem vấn nạn mua bán bào thai diễn ra rầm rộ nhất, chúng tôi không khó khi bắt gặp hình ảnh “gà trống nuôi con”. Đó là cảnh những gia đình chỉ có đàn ông và trẻ con ở nhà, còn phụ nữ “mất tích” khỏi địa phương. Hầu hết những người phụ nữ này đều nằm trong diện nghi ngờ là nạn nhân mua bán người.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan. Tính đến tháng 11-2018, H. Kỳ Sơn có 25 trường hợp phụ nữ người dân tộc thiểu số mang thai vượt biên trái phép sang Trung Quốc sinh, bán con. Chỉ tính riêng xã Hữu Kiệm đã có 22 người từng vượt biên sang Trung Quốc bán con, xã có số phụ nữ bán bào thai nhiều nhất huyện. Nạn nhân là những phụ nữ đang mang thai ở tháng thứ 8 sẽ lọt vào tầm ngắm của những kẻ mua bán bào thai. Một em bé khi vừa sinh ra sẽ được chúng mua với giá từ 40-80 triệu đồng, tùy theo giới tính.

Theo chân ông Lữ Văn Phúc - cộng tác viên dân số bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, H. Kỳ Sơn, chúng tôi đến nhà chị Moong Thị T. (1991, trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, H. Kỳ Sơn). Nhà chị T. nằm ở lưng chừng đồi, sát con suối Khe Pà, xung quanh được bao bọc bởi đồi, núi. Không ai ngờ rằng người phụ nữ mới 27 tuổi mà gương mặt đã trở nên già dặn, đứng tuổi. Chị T. đang ôm đứa con 4 tuổi ngồi trước cửa, gương mặt buồn bã nhìn về phía bờ suối xa xa.

Lấy chồng từ năm 17 tuổi, chị Moong Thị T. hiện đã có 2  đứa con trai, trong đó cháu lớn 7 tuổi và cháu nhỏ 4 tuổi. Tháng 10-2018, trong lúc chị T. đang mang thai cháu thứ 3 được 8 tháng thì có một phụ nữ không quen biết gọi điện đến đặt vấn đề đưa con sang Trung Quốc bán. “Đúng lúc gia đình còn khoản nợ hơn 30 triệu đồng, các con đi học không đủ chi phí trang trải nên khi có người phụ nữ đến đặt vấn đề đưa sang Trung Quốc bán con sẽ có tiền ngay nên tôi không hỏi ý kiến chồng mà nhắm mắt gật đầu” – chị T. buồn bã.

Mấy ngày sau, theo chỉ dẫn qua điện thoại của người phụ nữ lạ, chị T. ra QL7 bắt xe đi Móng Cái (Quảng Ninh) rồi sau đó có người đón đưa qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. “Ra đến Móng Cái, người ta dẫn đường đưa tôi lên một chiếc thuyền con. Sau gần 30 phút lênh đênh sông nước thì cập bờ bên kia biên giới. Đến đây, họ tiếp tục đưa tôi đi thêm 3 ngày đường nữa bằng một chiếc xe nhỏ đến một căn nhà nhỏ chật chội ước chừng khoảng 30m2 ở tạm. Sinh sống ở ngôi nhà này chừng khoảng 1 tháng, tôi trở dạ và được họ đưa đến bệnh viện địa phương sinh em bé. Tôi sinh hạ được một bé trai kháu khỉnh nhưng sau khi sinh, họ đến bế bé đi ngay, chưa kịp cho con bú được giọt sữa nào” – chị T. ngậm ngùi.

Hệ lụy của nạn mua bán bào thai là những đứa trẻ bơ vơ thiếu vắng sự chăm sóc của người mẹ.

Khoảng 4 ngày sau, khi sức khỏe chị T. hồi phục, những kẻ mua bán bào thai đưa cho chị T. 40 triệu đồng rồi cho về nước. “Cầm đồng tiền bán con về đủ để trang trải nợ nần nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, tôi lại càng nhớ con. Tôi ân hận lắm. Bây giờ nếu ai có cho tiền tỷ bảo tôi bán con, tôi cũng không bán nữa” – chị Moong Thị T. hối hận, nghẹn ngào. Ngồi cạnh chị T., anh Lữ Văn M. (1988, chồng chị T.) với gương mặt trầm ngâm, buồn bã: “Khi đi vợ chỉ nói đi làm một thời gian ngắn rồi về chứ tôi cũng không biết vợ đi đâu. Đến khi vợ về kể lại toàn bộ sự việc tôi mới biết. Tôi không trách vợ, nhưng hai vợ chồng chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng có chết đói cũng không bao giờ làm như vậy nữa”, anh M. cho biết.

Gần nhà chị T. là nhà chị Mạc Thị H. (1980). Một năm trước, khi chị H. đang mang bầu đứa con gái thứ 5 ở tháng thứ 8, trong một lần đến quán tạp hóa gần nhà, chị H. cũng được một phụ nữ lạ đặt vấn đề sang Trung Quốc bán bào thai. Người này ngã giá mua bé gái trong bụng chị với giá 80 triệu đồng. “Hôm đó, tôi về nhà đem chuyện kể với chồng, chồng tôi vốn nghiện rượu nên nghe nói đến tiền là gật đầu ngay. Mấy hôm sau, tôi đón chuyến xe khách từ Nghệ An ra Móng Cái (Quảng Ninh) rồi được đưa sâu vào nội địa Trung Quốc. Sau vài chục ngày được chăm sóc, tôi sinh con ở một cơ sở y tế nhỏ nhưng khi chưa nhìn rõ mặt con, người ta đã mang đi rồi. Số tiền bán con, một phần tôi dùng để trả nợ, phần còn lại để trang trải cuộc sống gia đình” – chị H. kể lại.

Ông Nguyễn Hữu Lượng- Chủ tịch xã Hữu Kiệm, cho biết: Trong số 22 người phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai chủ yếu tập trung ở 2 bản khó khăn nhất xã là  Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Hiện tại, hầu hết những người phụ nữ này đã trở về địa phương tiếp tục làm nương rẫy. “Nguyên nhân của nạn mua bán bào thai diễn ra rầm rộ, một phần do trình độ dân trí thấp, họ chưa ý thức được việc này là vi phạm pháp luật, phần nữa do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, nợ nần chồng chất” – ông Lượng thông tin.

DƯƠNG HÓA