Báo Công An Đà Nẵng

Nhức nhối tình trạng “khai hoang”... rừng cấm

Thứ sáu, 26/04/2019 13:50

Thời gian ngắn gần đây, CAH Đakrông (Quảng Trị) đã khởi tố 3 vụ án “Hủy hoại rừng” và khởi tố 6 bị can có liên quan. Điều đáng chú ý, mỗi cặp bị can trong các vụ án đều là vợ chồng, người đồng bào thiểu số Vân Kiều, hộ nghèo, con đông nhưng thiếu đất sản xuất  dẫn đến hành vi  phạm tội, nhức nhối.

Vợ chồng Hồ Văn Hiêng lĩnh án.

Trung tuần tháng 4-2019, TAND H. Đakrông mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án “Hủy hoại rừng” ngay tại địa bàn xảy ra vụ án, xã Tà Long (H.Đakrông). Đứng ở bục  bị cáo là vợ chồng người bản địa, Hồ Thị Ta Lại (1975) và Hồ Văn Mượt (1976). Nhân thân các bị cáo, chưa tiền án tiền sự, người chồng học đến lớp 3 còn người vợ mù chữ hoàn toàn. Gia cảnh nghèo khó lại đông con nên vợ chồng Hồ Thị Ta Lại và Hồ Văn Mượt chỉ ao ước có tấm rẫy trồng lúa để đủ cái ăn cho cả nhà. Sau nhiều lần suy nghĩ, Lại bàn với chồng vào rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông tại bản Ly Tôn (xã Tà Long) “khai hoang”. Họ nhắm đến vị trí hiểm trở, ít ai bước chân đến.

Theo lời khai của Ta Lại, tháng 3, tháng 4 là cao điểm phát rẫy làm nương nên cơm đùm gạo bới vào ở khu vực “mục tiêu” phát luỗng, chuẩn bị cho mùa trỉa lúa mới. Đi cùng với Ta Lại có mấy người làm được thuê. Sau 3 ngày, những người được thuê đã về, Ta Lại một mình tiếp tục “khai hoang” và báo cho chồng vào đốn hạ những cây lớn. Lúc này, diện tích rừng bị phá đã lên đến hơn 1ha. Ngày 11-4-2018, UBND xã Tà Long kiểm tra, phát hiện nên đình chỉ và hai vợ chồng Lại cam kết không tái phạm.

Tuy nhiên, đến tháng 6-2018, hai vợ chồng Lại vào khu vực trên, dùng máy cưa, rựa để đốn hạ 119 cây gỗ, có khối lượng hơn 26m3 gỗ; tổng cây củi bị chặt là 255 cây, khối lượng 15 ster. Qua khám nghiệm hiện trường, diện tích rừng bị xâm hại thuộc lô 5 và lô 12, Tiểu khu 720, là rừng tự nhiên thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ. Ta Lại được xác định là người chủ động, khởi xướng và tích cực thực hiện hành vi phá rừng. Chính vì thế, mức án đối với Ta Lại nặng hơn chồng.

Sau khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo luật định, Tòa tuyên Ta Lại 40 tháng tù; Mượt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Người dự khán chật ních hội trường xét xử bỗng bật lên những tiếng thảng thốt, nhất là khi nghĩ đến đàn con nhỏ của Ta Lại ngày tháng tới, vắng mẹ đến xót xa.

Thẩm phán Nguyễn Phương Tiến, chủ tọa phiên xét xử cho biết thêm không chỉ vụ án vợ chồng Ta Lại mà 2 vụ án “Hủy hoại rừng” được đưa ra xét xử trước đó, các bị cáo cũng đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhận thức pháp luật không đầy đủ và để có đất sản xuất canh tác dẫn đến hành vi phạm tội. Đây là hành vi nghiêm trọng, không những xâm phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng mà còn làm mất cân bằng sinh thái, thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, ảnh hưởng xấu đến ANTT địa bàn.

Theo hồ sơ vụ án Hồ Thị Phong (1987) cùng chồng là Hồ Văn Hiêng (1985, trú xã Húc Nghì, H.Đakrông) bị đưa ra xét xử vào tháng 3 – 2019 vừa qua thì diện tích rừng bị xâm hại thuộc rừng đặc dụng. Cụ thể, để có đất sản xuất, vào tháng 2 – 2018, vợ chồng Phong vào rừng thuộc bản Ta Ló (xã Húc Nghì) phát rẫy lấy đất trồng lúa. Sau 3 ngày, hai vợ chồng phát được hơn 1,4 ha. Sau đó, nhờ người vào cưa đốn số cây đã chặt hạ. Lúc chuẩn bị ra về thì bị 2 nhân viên bảo vệ rừng phát hiện, bắt quả tang. Qua kiểm tra, điểm rừng bị xâm hại thuộc lô 7 và lô 4 Tiểu khu 724A, là rừng đặc dụng. Hiêng được xác định có vai trò chính trong vụ án nên chịu mức hình phạt cao hơn vợ. Sau khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, Tòa tuyên Hiêng 45 tháng tù; Phong 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Vào gần cuối năm 2018, TAND H.Đakrông cũng đã tuyên vợ chồng Hồ Thị Niêng (xã Đakrông) tội “Hủy hoại rừng”, trong đó, Niêng lĩnh mức án 9 tháng tù, còn chồng là Hồ Văn Hải 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Từ những vụ án trên cho thấy, tình trạng xâm hại rừng âm ỉ, gây nên nỗi nhức nhối thực sự, chỉ đến khi vướng lao lý mới nhận ra hậu quả rất nặng nề.

BẢO HÀ