Nhức nhối trẻ em bị xâm hại tình dục
NHỮNG VỤ ÁN ĐẮNG LÒNG
(Cadn.com.vn) - Mặc dù không phải là địa bàn trọng điểm, nhưng chỉ trong vòng 1 tháng (từ ngày 6-3 đến 6-4-2012), trên địa bàn H. Cư Kuin, Đắc Lắc đã xảy ra 4 vụ hiếp dâm trẻ em. Điều đáng nói là nạn nhân trong các vụ án này đều còn rất nhỏ, chỉ mới từ 6-9 tuổi. Trong đó, đau lòng nhất là trường hợp cậu hiếp dâm cháu ruột xảy ra tại buôn Knir, xã Ea Tiêu do Y Nhật Niê (1995) gây ra. Ngày 6-3, Niê sang nhà chị gái là H’Đê Niê để xin lửa hút thuốc, thấy cháu ruột là H’Đluôi N. ở nhà một mình đã bế cháu ra vườn cà-phê sau nhà để thực hiện hành vi cưỡng hiếp. Sự việc được phát hiện khi cháu H’Bươm ở gần nhà nhìn thấy và tri hô. Ngày 15-3, CAH Cư Kuin đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Y Nhật Niê về hành vi hiếp dâm trẻ em.
Theo thống kê của Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh Đắc Lắc, càng ở những khu vực nông thôn, vùng hẻo lánh như Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Năng..., các em nữ lại càng có nguy cơ trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục (XHTD) cao. Có không ít những vụ việc các em gái bị chính những người quen, người cùng thôn, buôn với mình lừa vào những địa điểm vắng vẻ để giở trò đồi bại. Thậm chí, có đối tượng còn cưỡng hiếp ngay chính con đẻ của mình như trường hợp của Lê Văn Trí (1984, trú buôn Trí B, xã Krông Na, H.Buôn Đôn). Ngày 17-4-2011, lợi dụng lúc vợ đi vắng, Trí đã có hành vi cưỡng hiếp con của mình là cháu H’Soi K. (2007). Sự việc chỉ vỡ lở khi dì của cháu H’Soi K. phát hiện, tố cáo với cơ quan CA và Trí đã bị CAH Buôn Đôn bắt khẩn cấp ngay sau đó.
Một trong những vụ án XHTD trẻ em khác cũng gây phẫn nộ tại địa bàn Đắc Lắc trong năm 2011 là trường hợp của cháu Dương Thị Thu Th. (học sinh lớp 8, trú H. Cư M’gar). Ngày 29-3-2011, cha mẹ Th. là anh chị Dương Văn Đ. (1949) và Nguyễn Thị L. (1955, trú H. Cư M’gar) phát hiện con gái mình bỗng dưng mất tích nên đã báo cho CAH Cư M’gar, đồng thời huy động gia đình tổ chức tìm kiếm. Tuy nhiên, mãi đến gần 1 tuần sau gia đình mới tìm thấy cháu Th. tại TP Buôn Ma Thuột trong tình trạng sức khỏe và tinh thần đã kiệt quệ. Gặng hỏi mãi, vợ chồng anh chị Đ. mới được cháu Th. cho biết một sự thật đau lòng là cháu đã vừa tự ý đi nạo phá thai. Theo lời của Th., vào một ngày khoảng tháng 10-2010, trong lúc cha mẹ đi vắng, cháu đã bị một người hàng xóm là Nguyễn Văn Tam cưỡng hiếp. Từ đó trở đi, mỗi khi anh Đ., chị L. đi vắng Tam lại sang nhà ép cháu Th. phải quan hệ tình dục. Th. phản ứng thì Tam đe dọa sẽ giết nếu nói cho ai biết sự việc. Tổng cộng Tam đã cưỡng hiếp cháu Th. 8 lần nhưng gia đình vẫn không hề hay biết. Thậm chí, theo lời kể của Th., mãi đến tháng 3-2011, khi Th. phát hiện mình có thai thì ông Tam đưa tiền và đe dọa, bắt Th. phải đi phá thai. Sợ hãi, Th. đã bỏ học, tự mình tìm đến một cơ sở nạo phá chui trên TP Buôn Ma Thuột và không dám trở về nhà cho đến khi được gia đình tìm thấy.
Một đối tượng dâm ô trẻ em bị CAH Cư M’gar mời lên làm việc.
Tương tự trường hợp của anh Đ., chị L., vợ chồng anh Lương Văn T. và chị Nông Thị L. (trú H. Ea Súp) do thường xuyên đi làm thuê tại tỉnh Đắc Nông cũng đã giao chìa khóa nhà cho em trai là Lương Văn P. (1989) để nhờ P. trông nhà. Vào một đêm đầu tháng 1-2011, P. đã có hành vi cưỡng hiếp đối với cháu Trương Thị E. (1998, con riêng của chị L.). Cho đến giữa tháng 3-2011, khi E. đến chơi ở nhà bà Vi Thị Bày (mợ của E.), thấy E. có dấu hiệu mệt mỏi, bà Bày sinh nghi liền dẫn E. đi khám thì mới tá hỏa khi phát hiện E. đã có thai hơn 10 tuần. Lúc này cháu E. chỉ mới 13 tuổi.
Rất nhiều những trường hợp trẻ em bị XHTD đã dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, mà một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do gia đình mải mê làm kinh tế, không có điều kiện trông nom con cái nên đã tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
3 đối tượng bị bắt giữ về hành vi hiếp dâm trẻ em.
Những vụ việc trẻ em bị XHTD liên tục xảy ra tại Đắc Lắc trong nhiều năm qua thực sự đã gióng lên hồi chuông báo động, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, việc kiềm chế và phòng chống loại tội phạm này vẫn là một bài toán khó ở địa phương. Theo thống kê của Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh Đắc Lắc, nhóm đối tượng trẻ em bị XHTD nhiều nhất thường rơi vào độ tuổi 13-16 (chiếm 69,6%). Đây là độ tuổi các em bước vào giai đoạn dậy thì, tâm, sinh lý có nhiều biến đổi, dễ bị thu hút bởi những hoạt động và mối quan hệ mới. Từ đầu năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Đắc Lắc đã có gần 80 trẻ em bị xâm hại, trong đó đa số là bị XHTD. Tuy nhiên, theo bà Từ Thị Khanh - Trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc) thì trên thực tế, con số các vụ XHTD trẻ em còn lớn hơn nhiều do nhiều gia đình nạn nhân mặc cảm, sợ ảnh hưởng tới tương lai của con em nên không dám nói hoặc không trình báo với cơ quan chức năng. Chính điều đó đã vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm tiếp tục gây án hoặc sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 4 “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên” (2006-2010) và triển khai các kế hoạch chi tiết chuyên đề bảo vệ trẻ em năm 2012 cho CA 31 tỉnh, thành phố từ TT-Huế trở ra do Tổng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm - Cục CSHS (Bộ CA) tổ chức tại Huế ngày 8-5 cho thấy: 5 năm (2006-2010), cả nước phát hiện 7.861 vụ xâm hại trẻ em, bắt giữ 9.655 đối tượng, trong đó tội phạm XHTD trẻ em chiếm 58,8%; đáng chú ý, tội phạm hiếp dâm trẻ em (HDTE) là hơn 2.700 vụ. Địa phương xảy ra nhiều nhất là Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Đắc Lắc, Kiên Giang. Tội phạm XHTD trẻ em xảy ra nhiều, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị XHTD. Hải Lan
Còn bà Phạm Thị Loan - Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc cho biết: Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành như CA tỉnh, UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh... xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Đắc Lắc giai đoạn 2011-2015; tổ chức Hội nghị tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị XHTD cho lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn cũng như cho chuyên viên phòng LĐ-TB&XH các huyện, xây dựng nhiều mô hình như mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em... Tuy nhiên, một trong những khó khăn nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ tuyên truyền chuyên trách về công tác trẻ em tại thôn, buôn, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa gần như bị “hổng”. Trước đây, việc tuyên truyền công tác trẻ em do đội ngũ cộng tác viên là cán bộ dân số, y tế tại địa phương đảm nhiệm, nay thì gần như đội ngũ này đã chuyển sang làm công tác chuyên ngành nên việc tuyên truyền công tác trẻ em gần như bỏ ngỏ.
Hành vi XHTD trẻ em là tội ác không thể dung thứ, không những làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, để lại nỗi ám ảnh suốt đời cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến luân thường đạo lý và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Việc ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em nói chung và XHTD trẻ em nói riêng cần lắm sự chung tay của nhiều ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Có như vậy mới có thể tạo được một môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em vui chơi, học tập, phát triển tâm, sinh lý và hoàn thiện nhân cách.
Lục Hà