Nhức nhối xe quá khổ, quá tải
(Cadn.com.vn) - Ngày 19-8, tại Đà Nẵng, Thanh tra Bộ GTVT tổ chức tập huấn và trao đổi nghiệp vụ thanh tra vận tải; kiểm tra, xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải. Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như cơ quan chức năng của các tỉnh thành thì vấn nạn xe quá khổ, quá tải đang nhức nhối. Không chỉ là mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà hành vi vi phạm này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của cầu đường vốn chưa thực sự đồng bộ.
Nhập và chế xe “khủng
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý về vận tải đường bộ, kiểm soát tải trọng xe có quy định, có chế tài xử lý nhưng không được thực hiện một cách nghiêm túc. Các lực lượng chức năng hầu như không xử lý lỗi quá tải hoặc xử lý nửa vời với việc phạt tiền và tước Giấy phép lái xe nhưng không hạ tải. Hiện tại có nhiều loại xe tải ben được hoán cải, cơi nới thùng cao hơn 2m, xe xi-tec thì nối dài cả chiều dọc và bành trướng cả chiều ngang. Hiện tượng hàng chất lên xe vượt tải trọng cho phép của xe và cầu đường từ 20-50% là rất phổ biến, thậm chí vượt quá quy định đến 200%. Cơ quan chức năng đã không ít lần chứng kiến những xe sơ-mi rơ-moóc chở hơn… 100 tấn hàng!
Một điểm đặc biệt là trong thời gian qua nhiều chủng loại ô-tô có sức chở hàng vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường đã được nhập về ồ ạt. Trong những năm qua, rất nhiều loại xe tải nguồn gốc Trung Quốc vốn đã thuộc “hàng khủng” so với hạ tầng giao thông của Việt Nam còn được đôn lên để “ăn” được nhiều hàng, mặc dù nếu chỉ chở vừa đủ theo thể tích thùng xe cũng đã vượt tải cho phép của đường bộ. Tại rất nhiều công trình, dự án lớn ở các địa phương, loại xe ben Dongfeng của Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh cho cơ quan chức năng cũng như người dân. Không chỉ chiếm khoảng không gian lớn khi lưu hành, ảnh hưởng đến các người tham gia giao thông, loại xe này còn là nguyên nhân dẫn đến việc đường sá xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng. Trên thực tế, các chỉ tiêu kỹ thuật được kiểm soát khi đăng kiểm, nhưng ngay sau hoạt động này, nhiều chủ xe lại thay thùng, lốp, nhíp để chở hàng, chạy tiến độ.
Hàng loạt xe ben xếp hàng trên đường Hoàng Văn Thái (Đà Nẵng) do bị người dân phản ứng chở quá khổ, quá tải, gây ô nhiễm môi trường. |
Tại đợt tập huấn, các nhà chuyên môn đưa ra số liệu: khoa học chứng minh, tuổi thọ của mặt đường có quan hệ tỷ lệ nghịch theo hàm số lũy thừa 4,2 với tải trọng trục của các xe cơ giới lưu hành trên đường bộ. Đối với những xe có tải trọng trục quá 50% và 100% so với tải trọng trục cho phép của cầu đường thì tuổi thọ của công trình cầu đường tương ứng giảm xuống lần lượt là 2 lần và 9 lần so với tải trọng xe vượt quá 20% tải trọng cho phép của cầu đường.
Xử phạt chưa nghiêm, phối hợp chưa đồng bộ
Theo đại diện Thanh tra các Sở GTVT, hiện nay mới chỉ có chế tài xử phạt đối với tài xế vi phạm chứ chưa có quy định xử lý các đối tượng liên quan đến việc xếp dỡ, vận chuyển. Mức xử phạt dù đã tăng nhưng chưa đủ sức giáo dục, răn đe và ngăn chặn nên không giảm thiểu được mà các hành vi vi phạm quy định tải trọng xe trên đường bộ mà còn có dấu hiệu gia tăng. Ngay cả việc vi phạm nhiều lần, có hệ thống và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình cầu đường hiện vẫn chưa có chế tài xử lý. Tính từ đầu năm đến nay, các tỉnh thành đã thực hiện công tác thanh tra, xử lý 11.503 xe quá khổ, quá tải, hạ tải 22.773 tấn hàng, tước 4.427 giấy phép lái xe và phạt tiền 33,4 tỷ đồng.
Một ô-tô tải chở quá tải, chạy trốn lực lượng chức năng gây tai nạn chết người trên đường Phạm Như Xương (Đà Nẵng) ngày 16-8. |
Trong thời gian qua, kế hoạch phối hợp giữa ngành Giao thông và lực lượng CA đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên thực tế công việc cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản chỉ đạo chung liên bộ cho nên trách nhiệm vẫn còn chồng chéo. Trong khi đó, một loại công cụ phổ biến nhất để thực hiện nhiệm vụ này là cân ô-tô thì nhiều tỉnh thành vẫn chưa được trang bị, có nơi phải đi thuê, đi mượn để thực hiện các chiến dịch phối hợp. Kinh phí cho các hoạt động liên quan vừa thiếu lại vừa chậm trễ dẫn đến các hạng mục công việc đạt hiệu quả thấp, không thường xuyên. Tại lớp tập huấn này, ngoài những nguyên nhân khách quan làm tăng vấn nạn ô-tô chở quá khổ, quá tải thì một số đại biểu cho rằng cơ quan chuyên môn vẫn hay gặp phải áp lực “dội xuống” khi thực thi nhiệm vụ. Đó là một số cán bộ và người có thẩm quyền trong hệ thống cơ quan Nhà nước can thiệp, cản trở, xin không kiểm tra, không xử phạt xe vi phạm.
Về phương án lâu dài, để dẹp được xe quá khổ, quá tải, theo Cơ quan thanh tra Bộ GTVT, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức còn phải tăng mức phạt đối với chủ xe, lái xe có hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép. Ngoài ra cần có chế tài xử phạt đối với tất cả đối tượng thực hiện các công đoạn trong chu trình vận chuyển hàng hóa như bốc xếp, cân xe, chủ hàng… Bên cạnh đó, Bộ GTVT và Bộ CA cần có quy chế phối hợp chỉ đạo các lực lượng và địa phương trong công tác phối hợp, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Đối với Sở GTVT các tỉnh thành, phải tăng cường công tác tham mưu cho chính quyền có kế hoạch thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg, cơ quan thanh tra chủ trì phối hợp với CA thanh tra điều kiện kinh doanh vận tải để kiểm tra, phát hiện các vi phạm của xe quá khổ, quá tải để xử lý theo thẩm quyền. Trước mắt nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương đầu tư 67 bộ cần tải trọng để chuyển cho các địa phương thực hiện công tác phát hiện xử lý vi phạm theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đông A