Những bảo vật quốc gia độc bản ở Huế (3)
* Bài cuối: Khi bảo vật quốc gia vẫn còn... "hẹp cửa"
(Cadn.com.vn) - Có một số bảo vật quốc gia do tính đặc thù nên không thể thường xuyên trưng bày để du khách được chiêm ngưỡng. Hay do việc quy định nghiêm ngặt nên việc mượn bảo vật quốc gia (BVQG) từ tỉnh này sang tỉnh khác để triển lãm, trưng bày cho du khách mỗi khi có lễ hội quan trọng là rất khó thực hiện.
Chị Nguyễn Thùy Anh, một du khách ở Hà Nội khi đến Huế tham quan, mua vé vào Đại Nội với khát khao được ngắm Áo tế giao- BVQG duy nhất còn lại ở Việt Nam. Nhưng sau khi vào Đại Nội, hơn 1 giờ đi tìm chỗ trưng bày Áo tế giao nhưng chị Anh vẫn không thấy. Lúc này, chị hỏi một nhân viên bảo vệ thì mới biết, bảo vật này hiện đang được cất giữ, bảo vệ cẩn thận ở... trong kho. Chị Anh chia sẻ: "Trước khi đến Huế tham quan, mình được một người bạn là nhà nghiên cứu sử học, giới thiệu nhiều về Áo tế giao này. Áo có nguồn gốc từ triều Nguyễn là trang phục chính thức của nhà vua khi làm lễ tế Nam Giao với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình". Một cán bộ của bảo tàng cho biết, Áo tế giao của vua Nguyễn là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và là hiện vật đặc biệt có giá trị văn hóa-lịch sử gắn liền với lễ tế Giao của triều Nguyễn, một sự kiện quan trọng mang tính nhân văn trong lịch sử dân tộc. Sự kết hợp giữa motif trang trí cung đình với các biểu tượng vũ trụ, thiên nhiên trên áo tế giao thể hiện tính triết lý về mối quan hệ giữa trời, đất và con người (thiên-địa-nhân) trong quan niệm của các vua Nguyễn. Khi được hỏi, vì sao BVQG Áo tế giao không được trưng bày thường xuyên để phục vụ du khách tham quan, bà Huỳnh Thị Anh Vân- Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế cho rằng: không phải bảo vật nào cũng có thể được đưa ra trưng bày. Đối với Áo tế giao triều Nguyễn là chiếc áo tế Giao cuối cùng ở Việt Nam, mặc dù có nhiều người muốn chiêm ngưỡng chiếc áo quý này nhưng không phải lúc nào bảo vật này cũng được mang ra trưng bày. Theo bà Vân, Áo tế giao được làm bằng chất liệu dễ hư hỏng nên mỗi lần trưng bày, triển lãm phải có biện pháp bảo vệ tránh hư hỏng trước sự "tấn công" của ánh sáng và nhiệt độ. Cũng theo bà Vân, tất cả các bảo tàng trên thế giới cũng có một số bảo vật không thể trưng bày thường xuyên được do tính đặc thù của từng bảo vật.
Do chất liệu nên bảo vật quốc gia- độc bản Áo tế giao không thể thường xuyên trưng bày |
Bên cạnh một số BVQG không thể thường xuyên trưng bày thì việc mượn BVQG của tỉnh này sang tỉnh khác hoặc từ Việt Nam vượt đại dương sang nước ngoài vẫn rất khó thực hiện. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang bảo quản hơn 2.700 món cổ vật có nguồn gốc xuất xứ từ Huế. Đây cũng là đơn vị có mối quan hệ hợp tác truyền thống với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế, nên một trong những kế hoạch lâu dài mà Trung tâm BTDTCĐ Huế ấp ủ là lần lượt mượn những hiện vật có giá trị về trưng bày ở Huế. Tuy nhiên, theo TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, do phí bảo hiểm cho bảo vật quá cao nên địa phương không thể trả nổi. "Mới đây nhất là trường hợp Ấn Sắc mệnh chi bảo của triều Nguyễn do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo quản được công nhận là BVQG. Ấn bằng vàng, nặng khoảng 200 lượng, là chiếc ấn đóng lên tất cả các sắc phong của triều Nguyễn. Vì giá trị bảo hiểm cho việc mượn hiện vật quá lớn nên cơ hội mượn về Huế không còn"- TS Phan Thanh Hải cho hay.
Bảo vật quốc gia- bộ cửu đỉnh ở Đại Nội Huế có khối lượng rất lớn, cồng kềnh |
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh TT- Huế cho rằng, việc giao lưu các bảo vật là điều bình thường, nhưng quan trọng là phải đảm bảo an toàn và điều kiện trưng bày cho các bảo vật. Ông Hoa còn cho biết thêm, trước đây trong đợt giao lưu văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam, thì phía Mỹ đã ký quỹ bảo hiểm cho BVQG- bệ thờ Vân Trạch Hòa (hiện đang ở Bảo tàng Lịch sử TT-Huế) với tổng số tiền 1 triệu USD thì phía Việt Nam mới cho mang bệ thờ này sang Mỹ để trưng bày. Bên cạnh đó, có một số BVQG của Huế như: Bộ cửu đỉnh, bộ sưu tập vạc đồng... do khối lượng quá lớn, quá cồng kềnh nên việc giao lưu rất khó thực hiện. Trong chiến lược phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài hệ thống cổ vật tại chỗ, các bảo tàng còn có thể hợp tác, luân chuyển hiện vật mà mỗi đơn vị đang quản lý. Tuy nhiên, khi BVQG được Nhà nước bảo vệ theo chế độ đặc biệt, gắn liền với những quy định cụ thể của Luật Di sản văn hóa, các đơn vị bảo tàng khó thực hiện việc trao đổi, giao lưu hiện vật để tổ chức trưng bày trước công chúng. "Đây là vấn đề mà Luật Di sản văn hóa cần tiếp tục bàn sâu hơn để tạo điều kiện phát huy, tôn vinh cổ vật sau khi được công nhận là BVQG. Cần có một cơ chế "thoáng" hơn về cổ vật, làm sao để cổ vật được trao đổi, luân chuyển và giới thiệu rộng rãi đến công chúng, đó mới là điều quan trọng để tôn vinh hiệu quả giá trị di sản của một BVQG"- TS Phan Thanh Hải đề nghị.
H.Lan- N.Thùy