Những bất cập tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam
Tháng 7-2019, Bệnh viện (BV) Nhi Quảng Nam chính thức đổi tên thành BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Từ quy mô 100 giường bệnh, BV được đầu tư xây dựng với quy mô 450 giường. Thế nhưng qua hơn 1 năm đổi tên, đến nay BV này cũng chỉ mới chuyên khám và điều trị về nhi khoa, còn khoa sản vẫn chưa thể đi vào hoạt động khám chữa bệnh...
Tên là BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam nhưng hơn 1 năm qua nơi đây khoa sản chưa hoạt động. |
“Có tên nhưng không có tuổi”
Ông Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho hay, dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng do nhiều trở ngại nên hiện tại BV rất chật chội, cả đội ngũ y bác sĩ lẫn bệnh nhân đều mong sớm đưa các dãy nhà đã xây dựng xong đi vào hoạt động. Theo báo cáo của BV này, năm 2019 BV thực hiện hơn 70.700 lượt khám chữa bệnh (tăng 111% so với năm 2018, tăng 133% so với chỉ tiêu giao), tỷ lệ nhi tử vong giảm còn 0,15%, nuôi sống được 45% trẻ sơ sinh dưới 1.500gr. “Trong khi cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thiện, dù UBND tỉnh có chủ trương đầu tư chuyên khoa sâu về sản, nhi nhưng lại thiếu nhiều máy móc, thiết bị kỹ thuật; trang thiết bị cần thiết để đưa vào hoạt động khoa sản cũng chưa được đầu tư. Để BV hoạt động và phát triển đúng theo chức năng nhiệm vụ được giao, cần có đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, chất lượng chuyên môn sâu. Trong đó, nếu lực lượng bác sĩ theo kế hoạch cần đến 63 người thì hiện tại BV mới chỉ có tổng số 39 bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ sản khoa vừa tuyển dụng nên đang được đưa đi đào tạo. Để giải quyết về nhân lực, BV đã chủ động rà soát từ các tuyến huyện để tuyển dụng bác sĩ chuyên khoa sản đáp ứng yêu cầu cho chuyên khoa cấp tỉnh. Và dù đã khảo sát nhưng không thể tìm ra được nguồn nhân lực có sẵn để tuyển dụng”- bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn thông tin thêm.
Để giải quyết những trở ngại trên, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Nam cùng Sở Y tế tỉnh và các đơn vị liên quan đã có nhiều cuộc họp để tìm hướng tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay những giải pháp cũng chỉ mới là phương án, chủ trương của tỉnh đưa ra. Việc củng cố, hoàn thiện bộ máy, con người để đi vào hoạt động vẫn là câu chuyện dài. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị được đầu tư cho khoa sản lâu ngày không được sử dụng sẽ dẫn đến xuống cấp, hư hỏng.
Đề xuất hướng giải quyết
Tại buổi làm việc mới đây, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đưa ra 2 phương án, tuy nhiên cả 2 phương án đều không nhận được sự đồng tình từ các bên liên quan. Theo đó, phương án 1 Sở Y tế đề nghị giải thể Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam và điều động toàn bộ nhân lực máy móc thiết bị y tế về BV Phụ sản - Nhi. Phương án 2, Sở Y tế điều động nhân lực chuyên khoa sản, chủ yếu là bác sĩ tại các đơn vị khác để tổ chức triển khai hoạt động các chuyên khoa Phụ sản song song với việc tuyển dụng và đào tạo thêm bác sĩ.
Về phương án 1, ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho rằng, phương án này hoàn toàn không khả thi. “Ở góc độ chuyên môn, sản phụ có các vấn đề khác sẽ rất khó nếu không được điều trị tại chỗ. Chưa kể, hiện nay, BV Đa khoa tỉnh đang tự chủ chi thường xuyên, đang trong giai đoạn ổn định, tiến tới tự chủ hoàn toàn; trong đó nguồn thu từ khoa sản tương đối lớn để bù đắp, chia sẻ nguồn thu cho những khoa khác” - ông Phạm Ngọc Ẩn nói.
Về phương án 2, theo ông Ẩn, chuyên ngành sản phụ khoa của Quảng Nam hiện đang rất yếu nên không thể điều nguồn nhân lực từ các địa phương khác về. Hiện số lượng bác sĩ chuyên khoa này trên toàn tỉnh Quảng Nam chỉ có 43 người cho 24 đơn vị y tế thực hiện công tác sản khoa, trong đó có đến 6 người đang làm quản lý và 5 người sẽ nghỉ hưu từ nay đến năm 2025, do đó số lượng này chỉ đủ cho các đơn vị hoạt động tối thiểu.
Kết luận buổi làm việc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị: Về cơ sở hạ tầng, giao Sở Y tế, chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các điều kiện cần thiết để bàn giao cơ sở hạ tầng khu sản, nhi và nghiệp vụ kỹ thuật mới cho BV Phụ sản - Nhi đưa vào hoạt động. Trước mắt, bàn giao tầng 1, tầng 2 để phục vụ công tác khám chữa bệnh tại BV, chậm nhất trước ngày 20-11-2020. Về máy móc, trang thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế và trang thiết bị văn phòng, căn cứ vào định mức trang thiết bị chuyên dùng UBND tỉnh quy định, giao Sở Y tế thống kê, rà soát, đưa vào kế hoạch tổng thể của ngành để triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Về tổ chức bộ máy của BV Phụ sản – Nhi, giao Sở Y tế khẩn trương đề xuất phương án phù hợp nhất trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo BV Đa khoa Quảng Nam và lãnh đạo BV Phụ sản - Nhi để xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng, lựa chọn phương án khả thi về tổ chức bộ máy của BV Phụ sản - Nhi để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định; đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho BV Phụ sản – Nhi, đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh trong tình hình mới.
Về tổ chức bộ máy của ngành, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với lãnh đạo các BV trực thuộc khẩn trương xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đào tạo, đào tạo lại đội ngũ y bác sỹ có chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
UBND tỉnh Quảng Nam nêu ra những giải pháp như vậy, nhưng theo nhiều người, để BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam đi vào hoạt động theo đúng tên gọi của nó không phải chuyện một sớm một chiều!
BÃO BÌNH