Báo Công An Đà Nẵng

Những bất cập từ làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước

Thứ bảy, 22/06/2019 12:43

Đi vào hoạt động chính thức từ năm 2017 đến nay, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng có tổng diện tích 35,5ha, với 370 cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, làng nghề đã bộc lộ những bất cập, từ khó khăn của các cơ sở sản xuất đến vấn đề ô nhiễm môi  trường từ  bụi đá, nước thải...

Diện tích mỗi cơ sở tại làng nghề đá Non Nước quá hẹp, không thể xử lý được vấn đề bụi và nước thải ô nhiễm môi trường.

Anh Huỳnh Thanh Hoàng - chủ một cơ sở sản xuất, chế tác đá tại làng nghề cho biết, trước đây anh Hoàng ở với gia đình ở đường Phạm Nội, Hòa Hải,  theo chủ trương di dời các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ra khỏi khu dân cư  của UBND Q. Ngũ Hành Sơn, năm 2015, gia đình anh được bố trí một lô 100 m2 tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Anh Hoàng làm nghề đá tuy đã lâu, nhưng chưa có giấy phép kinh doanh, nên không được cấp đất tại làng nghề, nay tách ra làm riêng, anh phải vào thuê một lô với giá 2 triệu đồng một tháng để sản xuất đá. Theo anh Hoàng, diện tích mỗi lô đất trong làng nghề là 100m2, chiều dài 20m, chiều ngang chỉ 5m nên rất bất tiện cho việc làm nghề. Diện tích nhỏ nên mỗi khi chở đá vật liệu về là chiếm hết diện tích cơ sở, diện tích để sản xuất rất hẹp, mỗi khi thợ cưa, xẻ, đục đá,  bụi bay mù mịt, nước dùng để cưa, rửa đá thải ra lênh láng, không có lối thoát... Tình trạng ô nhiễm môi trường  nặng nề, khiến nhiều  công nhân chịu không nổi xin nghỉ làm việc, khiến công việc bị đình trệ, vì vậy không thực hiện kịp đơn đặt hàng.  Ngay bên cạnh cơ sở của anh Hoàng, cũng có nhiều cơ sở khác phải đi thuê đất để sản xuất trong làng nghề, và cũng đang phải làm việc trong môi trường ô nhiễm khủng khiếp từ bụi đá, nước thải...

Mới 8 giờ sáng, đi vòng quanh các tuyến đường trong khu vực làng nghề, cùng với tiếng cưa, xẻ, đục đẽo đá rền vang,  chí chát khắp nơi, có thể quan sát, cảm nhận rõ nhất là toàn làng nghề bụi đá bay mù mịt, nhuốm phủ lên từng mái nhà, ngọn cây, từng mét đường... Khắp các nẻo đường làng nghề,   nước trộn hóa chất để đánh bóng các loại đá, nước để hỗ trợ cưa xẻ đá, rửa đá thải tràn ra lênh láng khắp nơi, trộn với bụi đá trở thành những lớp bùn dẻo quánh, góp phần cho tình trạng ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng. Chúng tôi hỏi anh Hoàng cùng nhiều chủ cơ sở sản xuất đá ở đây: "Không có cách nào xử lý bụi và nước thải sao...?". Mọi người đều lắc đầu: "Chịu, đành phải sống cùng với bụi và nước thải thôi...!". Theo anh Hoàng, đặc điểm của nghề sản xuất đá là phải cần mặt bằng có chiều ngang rộng, chứ không cần chiều sâu. Có chiều ngang, các chủ cơ sở sẽ xây dựng một hầm để xử lý bụi và nước thải, trước khi xả vào hệ thống cống thoát nước công cộng. Còn ở làng nghề, mỗi cơ sở chỉ có chiều ngang 5m, như vậy không thể bố trí diện tích để xây dựng hầm xử lý bụi, nước thải, đành phải để bụi đá văng ra "thoải mái" xung quanh, còn nước thải cứ xả ra vô tội vạ, lâu ngày đường cống công cộng bị bụi đá bít chặt cứng, vậy là nước thải cứ chảy tràn vô tư xuống đường giao thông trong khu vực...

Đá nguyên vật liệu, đá phế thải, bụi, nước thải tràn ngập khắp các tuyến đường làng nghề đá Non Nước.

Trao đổi với ông Võ Đức Huy- Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước về vấn đề bụi đá và nước thải từ việc sản  xuất đá hiện nay, ông Huy lắc đầu ngay: "Làm đá nó vậy rồi, chịu không có cách nào xử lý được, có chăng phải có một công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn, may ra mới xử lý được...!?". Ông Huy cho rằng, đến nay làng nghề đã lộ ra nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng đến việc sản xuất và ô nhiễm môi trường.  Làng nghề vốn là dự án của thành phố, với mục đích tạo việc làm cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu dân cư, đô thị khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn. Nhưng cách bố trí theo kiểu phân lô như đã nêu trên thật không phù hợp với nghề sản xuất, chế tác đá như làng nghề này. Đặc thù của làng nghề là, cần có diện tích hợp lý, đủ rộng để nguyên vật liệu, máy móc, nơi làm việc cho người lao động, nhưng diện tích chiều ngang quá hẹp, nên các chủ cơ sở không thể bố trí được theo ý muốn hợp lý. Theo ông Huy, đối với làng nghề đá, đáng lẽ phải đưa vào một khu công nghiệp, không thể để sát khu dân cư như hiện nay. Về lâu dài phải tính toán biện pháp này, phải xây dựng nhà xưởng sản xuất phù hợp với nghề sản xuất đá. Bất cập rõ nhất hiện nay, khi xây dựng cơ sở hạ tầng, đơn vị chủ đầu tư, thi công đã cho xây dựng hệ thống cống thoát nước chìm, đặc điểm của làng nghề là bụi đá  trôi xuống cống, gây nên sự đông kết, gây tắc nghẽn cống. Nếu xây dựng hệ thống cống hở, có thể dễ dàng thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh đường cống, từ đó nước thải sẽ thông suốt,  không gây hiện tượng ứ đọng, chảy lênh láng khắp nơi như hiện nay. Ông Huy cho biết, làng nghề hiện nay mới chỉ triển khai giai đoạn 1,  trong thời gian tới sẽ  mở rộng Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước giai đoạn 2, để bố trí cho khoảng 200 cơ sở sản xuất đá vẫn đang sản xuất ngoài các khu dân cư.  Thực trạng những bất cập của làng nghề đá hiện nay, các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc quy hoạch, đầu tư, thi công nên xem xét, kiểm tra, nghiên cứu lại trên thực tế, để có hướng rút kinh nghiệm, khi triển khai xây dựng làng nghề giai đoạn 2. Với thực trạng làng nghề đá hiện nay, cũng cần nhanh chóng có biện pháp xem xét, xử lý sao cho đảm bảo điều kiện sản xuất, đảm bảo cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề và các khu vực dân cư xung quanh.

HỒNG THANH