Báo Công An Đà Nẵng

Những bí ẩn mang tên Chu Vĩnh Khang

Thứ sáu, 01/08/2014 09:29

(Cadn.com.vn) - Nhiều nguồn tin cho rằng, ông Chu Vĩnh Khang đã từng 2 lần mưu sát Chủ tịch Tập Cận Bình và thậm chí đã giết hại người vợ đầu tiên của mình.

Sau khi số phận ông Chu  Vĩnh Khang được định đoạt trong vụ điều tra chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập kỷ qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc bắt đầu dấy lên những đồn đoán về hàng loạt bí mật của nhân vật quyền lực này.

Báo Telegraph của Anh ngày 31-7 dẫn nguồn tin từ giới phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng, vị cựu Bộ trưởng công an này có thể sát hại người vợ đầu tiên. Trong khi đó, báo China Times lại làm dấy lên nhiều tranh cãi khi cho rằng, ông Chu 2 lần mưu sát Chủ tịch Tập Cận Bình song bất thành.

Thông tin về ông Chu Vĩnh Khang tràn ngập trên các tờ báo ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

GIẾT HẠI NGƯỜI VỢ ĐẦU?

Hôm 30-7, Caixin, một tạp chí có tiếng ở Trung Quốc xuất bản tiểu sử dài của gia đình ông Chu, trong đó có cả người vợ đầu tiên, bà Vương Thụ Hoa.

Theo Caixin, bà Vương, được mô tả là một người phụ nữ “đơn giản”, gặp ông Chu khi cả hai cùng làm việc tại một mỏ dầu ở Liaohe, ở Nội Mông vào những năm 1970. Bà qua đời năm 2000 trong một tai nạn ô-tô. Một năm sau, ông Chu kết hôn với một nữ phóng viên xinh đẹp của Đài CCTV tên Giả Hiểu Hoa, thua ông đến 28 tuổi. Cái chết của bà Vương cùng với đám cưới vội vã của ông Chu gây ra nhiều tranh cãi. Hiện tại, người vợ thứ hai đang bị giam giữ như một phần của cuộc điều tra về các vấn đề liên quan đến ông Chu. Tuy nhiên, không giống như những thông tin trên các trang mạng Trung Quốc, tờ Caixin không trực tiếp buộc tội ông Chu gây ra cái chết cho bà Vương, mà nhấn mạnh, vụ tai nạn xảy ra ngay sau khi cả hai ly hôn.

Phoenix, một mạng lưới truyền hình Hồng Kông, thậm chí còn đi xa hơn. “Bà Vương đi vào một căn phòng và la ầm ĩ vì nghi ngờ ông Chu làm điều gì không hay. Sau đó, có một cuộc họp giữa những người vợ của các quan chức. Họ quyết định sắp xếp một chuyến đi cho vợ ông Chu để an ủi bà. Đó là tuần mà ô-tô của bà bị một chiếc xe có giấy phép quân sự tông vào”, báo cho biết.

MƯU SÁT ÔNG TẬP CẬN BÌNH?

Tuy nhiên, 2 lần mưu sát Chủ tịch Tập Cận Bình mới là bí mật kinh hoàng hơn của ông Chu.

Theo báo China Times, ông Chu vì biết rõ về số phận của mình sau khi đồng minh Bạc Hy Lai bị bắt giữ nên cố gắng cứu vãn tình thế. Báo này nhắc lại một vụ nổ súng xảy ra ở trung tâm Bắc Kinh hôm 19-3-2012. Đó là thời điểm ông Chu ngầm ra lệnh cho cảnh sát vũ trang dùng vũ lực giải thoát cho tỷ phú Từ Minh, vốn là doanh nhân đứng sau ông Bạc Hy Lai, khi ông này bị bắt giữ. Vụ việc dẫn đến một loạt đấu súng với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên đường phố.

Tuyệt vọng khi thất bại trong nỗ lực bịt miệng tỷ phú Từ, ông Chu lập mưu ám sát Chủ tịch sắp nhậm chức Tập Cận Bình tại hội nghị ở Bắc Đới Hà vào mùa hè năm 2012. Ông này này ra lệnh đặt bom hẹn giờ tại phòng họp, song kế hoạch lại thất bại. Chưa từ bỏ, ông Chu sau đó ra lệnh tiêm thuốc độc vào ông Tập khi ông đến khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện quân đội 301 ở Bắc Kinh. Cả hai vụ ám sát này đều được ông Chu giao cho trợ lý thân cận Tân Hồng.

Báo này thậm chí còn cho biết, ông Chu và ông Bạc từng âm mưu đảo chính để xé bỏ quyết định bổ nhiệm ông Tập vào vị trí Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng việc bổ nhiệm ông Lý Khắc Cường vào chiếc ghế thủ tướng. Kế hoạch đầy tham vọng được cho giúp ngôi sao đang lên Bạc Hy Lai đảm bảo vị trí quan trọng trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội XVIII vào tháng 11- 2012, với cốt truyện tiếp theo để ông Bạc thay thế ông Tập trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư.

Tuy nhiên, nói về những thông tin này, một nhà báo điều tra cấp cao của Trung Quốc cho rằng, đây có thể chỉ là một phần trong chiến dịch tuyên truyền đánh vào ông Chu. “Khi một con hổ đã chết, các phương tiện truyền thông có can đảm hơn trước và tất cả các loại thông tin có thể đều được khai thác”, nhà báo này nói.

Khả Anh

Đường đến “nhà tù số 1”

Ông Chu Vĩnh Khang rõ ràng đang đối mặt với con đường chính trị tương tự như đồng minh Bạc Hy Lai: đó là dẫn đến cánh cổng nhà tù Qincheng ở phía bắc thủ đô Bắc Kinh.

Đây vốn là nơi dành để giam giữ những quan chức cấp cao bị “ngã ngựa” và từng là nơi bà Giang Thanh, vợ của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã bị giam giữ trong nhà tù này nhiều năm trước khi ra hầu tòa trong vụ án “Bè lũ 4 tên” của Trung Quốc năm 1981. Nhà tù được xây dựng vào năm 1958 với vốn tài trợ của Liên Xô cũ, tọa lạc dưới chân núi Yanshan, được gọi là “Nhà tù số 1” của Trung Quốc.