Báo Công An Đà Nẵng

Những bí mật về cố Tổng thống Nelson Mandela

Thứ năm, 12/12/2013 10:51

(Cadn.com.vn) - Nelson Mandela là một nhân vật nổi tiếng quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Nhưng vẫn còn những bí mật quanh huyền thoại người Nam Phi này.

Người hâm mộ môn quyền anh

Thời thanh niên, Nelson Mandela rất thích đấm bốc và chạy đường dài. Thậm chí trong 27 năm ngồi tù, ông đều tập luyện vào mỗi buổi sáng. Tôi không thích tính bạo lực của quyền anh nhưng lại thích tính khoa học của nó. Tôi bị hấp dẫn bởi cách người ta di chuyển cơ thể để bảo vệ mình, sử dụng chiến lược cả tấn công và rút lui...”, ông viết trong cuốn tự truyện “Long Walk to Freedom” (Hành trình dài đến tự do).

Theo ông, quyền anh là môn thể thao bình đẳng. Trên sàn đấu, cấp bậc, tuổi tác, màu da và sự giàu có không là gì cả... Trong số các kỷ vật trong Bảo tàng gia đình Mandela ở Soweto, du khách có thể nhìn thấy chiếc đai vô địch thế giới được võ sĩ quyền Anh Mỹ Sugar Ray Leonard trao cho ông Mandela.

Tên ban đầu không phải là Nelson

Tên khai sinh của ông là Rolihlahla Mandela. Nhưng lúc 9 tuổi, ông được một giáo viên tại Trường Tiểu học Methodist ở Qunu đặt cho một cái tên tiếng Anh - Nelson – để phù hợp với quy định đặt tên Kitô giáo cho học sinh. Đây là thực tế phổ biến ở Nam Phi và nhiều khu vực khác.

Một người thường được đặt một tên tiếng Anh để người nước ngoài dễ phát âm hơn. Rolihlahla không phải là một cái tên phổ biến ở Nam Phi. Nó bắt nguồn từ tiếng Xhosa, một trong 11 ngôn ngữ chính thức của Nam Phi, được khoảng18% dân số sử dụng. Nó có nghĩa là “kéo một cành cây”, nhưng ý nghĩa thông tục của nó là “gây rối”. Tuy nhiên, ở Nam Phi, ông Mandela thường được gọi bằng tên gia tộc- Madiba - mà người dân Nam Phi sử dụng để thể hiện sự tôn trọng ông.

Sau khi nhận sự cho phép đặc biệt, năm 2008, ông Mandela mới được đến Mỹ.

Nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ cho đến năm 2008

Cùng với các cựu lãnh đạo Đại hội Dân tộc Phi (ANC) khác, ông Mandela chỉ có thể đến Mỹ nếu nhận được sự cho phép đặc biệt từ Ngoại trưởng nước này, bởi ANC được cho là một tổ chức khủng bố dưới thời chính phủ phân biệt chủng tộc trước đây của Nam Phi.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đưa ANC vào danh sách này trong những năm 1980. “Đó là một sự xấu hổ khi đối xử với Ngoại trưởng Nam Phi và nhà lãnh đạo tuyệt vời Nelson Mandela như vậy”, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cho biết hồi năm 2008 – sau khi danh sách này bị hủy bỏ.

Cải trang thành tài xế để trốn cảnh sát

Khả năng hoạt động bí mật và trốn tránh cảnh sát của ông Mandela khiến ông được đặt cho biệt danh “lúa mì đen”, giống như tên vị anh hùng với danh tính bí mật trong cuốn tiểu thuyết “The Scarlet Pimpernel”. Ông Mandela cải trang thành tài xế, người làm vườn và đầu bếp để đi khắp đất nước mà không bị các nhà chức trách chú ý, song cuối cùng cũng bị bắt giữ.

Có Cty luật riêng, nhưng sau đó mới có bằng luật

Ông Mandela học luật trong khoảng 50 năm, kể từ năm 1939, tuy bị gián đoạn nhiều lần. Một chứng chỉ luật trong 2 năm cho phép ông hành nghề. Và vào tháng 8-1952, ông và Oliver Tambo thành lập Cty luật đầu tiên của người da đen ở Nam Phi, “Mandela và Tambo”, có trụ sở tại Johannesburg. Ông kiên trì học tập và cuối cùng cũng có được bằng đại học luật khi còn ở trong nhà tù vào năm 1989.

An Bình

(Theo BBC)