Những “blouse trắng” vùng biên
(Cadn.com.vn) - Họ là những bác sĩ, quân dân y đang từng ngày bám bản, bám làng tại các xã vùng cao của huyện miền núi biên giới A Lưới, TT-Huế.
Bác sĩ chuyên khoa đầu tiên đến A Lưới
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi gặp bác sĩ chuyên khoa (BSCK) II Lê Quang Phú - Giám đốc Trung tâm Y tế H. A Lưới khi ông vừa vào bản thăm khám cho một cựu chiến binh người Pa Cô. Ở núi rừng Trường Sơn này, nhiều cựu chiến binh cho biết, BS Phú chính là BSCK đầu tiên đặt chân lên huyện vùng cao A Lưới làm BS ngoại trú. Đã 35 năm kể từ ngày đặt chân lên vùng đất biên cương nhưng trong tâm trí ông mọi chuyện vẫn như mới hôm qua.
Năm 1982, chàng thanh niên Phú khi ấy tròn 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Bình Trị Thiên (cũ) đã viết đơn tình nguyện lên công tác ở A Lưới. “Ngày ấy, sau khi ra trường dù rất muốn ở lại Huế để tiếp tục học và hành nghề nhưng khi nghe A Lưới đang cần BS ngoại trú nên mình tình nguyện lên đó. Vẫn biết điều kiện đi lại cách trở, mọi thứ thiếu thốn nhưng mình vẫn muốn lên A Lưới để sẻ chia, giúp bà con dân bản”, BS Phú nhớ lại.
BS Phú kể, ngày trước, muốn đi từ Huế lên A Lưới phải đi từ Đường 9 - Quảng Trị, rồi tiếp tục theo đường Hồ Chí Minh, mất cả ngày trời. Thời đó, BS ngoại trú công tác 3 năm ở vùng núi sẽ được luân chuyển về miền xuôi nhưng khi lên A Lưới, biết địa bàn thiếu BS trầm trọng nên ông quyết định ở lại. “Những ngày đầu đặt chân đến A Lưới, người dân nhìn mình khoác áo blouse với ánh mắt lạ lẫm, bởi trước đó họ vẫn chưa quen với việc đến cơ sở y tế để chữa trị mà hầu hết điều trị tại nhà. Sốt rét, tai nạn, bom mìn... người dân đều cúng bái, thậm chí các trường hợp sinh nở, người dân lại tự sinh ở nhà dẫn đến một số trường hợp hậu quả đáng tiếc. Sau này, khi cán bộ y tế tuyên truyền thì người dân mới dần bỏ các hủ tục trong chữa bệnh để tìm đến cơ sở y tế”, BS Phú nhớ lại.
Hơn 35 năm làm BS ở vùng cao, BS Phú lần lượt giữ những trọng trách từ Trưởng khoa ngoại, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Phó giám đốc cho đến Giám đốc TT Y tế H. A Lưới.
BS Phú lên A Lưới công tác đã 35 năm. |
Tình nguyện “cắm” bản
Đã gần 5 năm kể từ khi Trạm quân dân y thuộc Đồn Nhâm ở biên giới Việt-Lào nằm trên địa bàn xã Nhâm (H. A Lưới) được thành lập, hình ảnh thiếu tá- BS Đặng Hồng Minh đã quá đổi thân thương với bà con dân bản. Năm 2012, thiếu tá Minh lúc đó là BS quân y tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh TT-Huế đã để lại vợ con, tình nguyện lên vùng biên giới. Vốn là người lính đối mặt với nhiều thử thách, gian khổ nên khi lên vùng biên đầy thiếu thốn, BS Minh sớm hòa nhập với môi trường, cuộc sống mới. Mỗi tuần 3 buổi, BS Minh kết hợp với Trạm y tế xã Nhâm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con đồng bào được hưởng bảo hiểm, hộ nghèo. Những ngày còn lại trong tuần (trừ ngày chủ nhật), BS Minh khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại trụ sở của Trạm quân dân y xã Nhâm. Bà Quỳnh Đơ (82 tuổi, trú thôn A Hưa, X. Nhâm) cho biết: “Vốn bị bệnh cao huyết áp nên có những ngày trái gió trở trời, đường sá cách trở không đến trạm xá được. Rứa là mế nhờ người nhắn cho BS Minh. Ngay trong hôm đó, sớm muộn gì BS Minh cũng đến tận nhà khám bệnh cho mế”.
Thiếu tá - bác sĩ Đặng Hồng Minh vào bản tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh. |
Theo nhiều người dân bản A Hưa, không kể đêm, ngày, ngày nghỉ, khi nào họ đến trạm xá thì BS Minh vẫn tận tình thăm khám, cấp phát thuốc. “Năm đầu lên A Lưới, một tối mùa đông, khi nhận được tin một bệnh nhân ở bên kia sông A Sáp bị tai biến. Bất chấp mưa rét, mình bơi qua sông để đến nhà người bệnh. Rất may, bệnh nhân sau đó được kịp thời cứu chữa”, BS Minh nhớ lại.
Kỷ niệm trong 5 năm “bám trụ” ở vùng biên rất nhiều nhưng ấn tượng nhất với BS Minh là năm 2014, anh nhận được thông tin các chiến sĩ đóng quân tại Đại Đội 531- Đại Đội Biên giới của Quân đội Lào ở tỉnh Sê Kông (CHDCND Lào) bị sốt xuất huyết. Lúc đó, dịch bệnh này đang bùng phát, cán bộ y tế không đủ để điều trị. Thiếu tá Minh cùng với một y sĩ của Trạm y tế xã Nhâm chuẩn bị cơ số thuốc men, tức tốc lên đường. Sau khi đi xe máy hơn 2 giờ đồng hồ, lội qua rất nhiều suối khe và mất gần cả ngày trời, BS Minh mới đến nơi. Vừa đặt chân đến, BS Minh test nhanh thì đúng là các chiến sỹ bị sốt xuất huyết. Sau khi được BS Minh tích cực điều trị, cho uống thuốc thì 2 ngày sau đó, sức khỏe của các chiến sĩ đã hồi phục, dịch đã giảm nhiều. Hành động của BS Minh khiến cho các đồng đội ở nước bạn Lào rất cảm phục và biết ơn.
Sẻ chia với người dân
Nhiều năm nay, hình ảnh trung úy Đoàn Xuân Phước rất được bà con dân bản tin yêu. Trung úy Phước là y sĩ thuộc Trạm quân dân y Đồn Nhâm tăng cường đến Trạm Y tế xã Hồng Thái (A Lưới) để khám chữa bệnh cho bà con. Trung bình, mỗi ngày anh Phước thăm khám khoảng 100 lượt bệnh nhân. Vợ làm giáo viên mầm non, con còn nhỏ ở H. Phú Vang nhưng khi nhận nhiệm vụ ở vùng đất mới, trung úy Phước sẵn sàng lên đường và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Do đường sá đi lại cách trở, người bệnh nhiều nên cứ 2 tháng, trung úy Phước mới vượt đèo về thăm vợ con một lần.
Trung úy - y sĩ Phước khám bệnh cho học sinh tiểu học. |
Theo Trung úy Phước, tính từ ngày đầu tiên anh đặt chân lên A Lưới đến nay cũng ngấp nghé 20 năm. Ông Hồ On (67 tuổi) cho biết: “Nhiều năm nay, người dân trong xã mỗi khi có vấn đề về sức khỏe đều tìm đến anh Phước để được tư vấn, khám và chữa bệnh. Anh Phước vừa hiền lành vừa nhiệt tình. Nhiều người già cả không thể đến phòng khám, anh đến tận nhà thăm bệnh. Nhiều lần tui chứng kiến trời lạnh cắt da cắt thịt nhưng hễ người bệnh cần là anh sẵn sàng có mặt”.
Không chỉ thăm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, những ngày cuối tuần, thiếu tá Minh và y sĩ Phước cùng một số y sĩ thuộc Trạm quân dân y- Đồn Nhâm tranh thủ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho bà con, hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh, ăn chín uống sôi. Các chiến sĩ hai màu áo còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền bà con dần loại bỏ những phong tục lạc hậu.
Hải Lan